Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Phải bảo vệ cả người mua lẫn người bán trong thương mại điện tử
Mạnh Bôn - 22/08/2024 08:50
 
Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất thế giới và sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số trong nhiều năm nữa.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, để TMĐT phát triển lành mạnh, thì các sàn TMĐT phải bảo vệ cả người tiêu dùng và người bán hàng trên mạng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng TMĐT năm 2023 là 25%, với doanh thu 25 tỷ USD. Theo ông, TMĐT Việt Nam liệu có tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới?

Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng liên tục trong nhiều năm, nhưng doanh thu từ TMĐT hiện mới chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, vì thế tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025 có khoảng  55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đề ra hàng loạt giải pháp như rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh...

Sự phát triển của TMĐT là không thể đảo ngược, nhưng thưa ông, bên cạnh tiện ích, không ít người tiêu dùng đã mua phải hàng online không đúng như quảng cáo?

Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đang hình thành thói quen: khi cần mua hàng hóa, thay vì đến siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng, thì nằm nhà “lướt mạng” để tìm kiếm.

Theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, người bán hàng quảng cáo rất đa dạng trên các mạng xã hội, trang thông tin điện tử khác nhau, vì thế không ít người đã mua phải hàng không đúng như quảng cáo, thậm chí mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng.

Mua hàng hóa, dịch vụ trực tiếp nhiều khi còn “bị hớ”, nên mua hàng trực tuyến cần phải trở thành “người tiêu dùng thông thái”.

Là “nhà tiêu dùng thông thái” khi mua hàng trên mạng là sao, thưa ông?

Người bán hàng có thể quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng qua rất nhiều trang mạng xã hội, không qua bất cứ khâu trung gian nào chịu trách nhiệm. Sau khi bán hàng, thu tiền là hết trách nhiệm. Vì thế, để trở thành “người tiêu dùng thông thái” thì chỉ mua hàng trên mạng thông qua các sàn TMĐT.

Hiện tại ở Việt Nam có nhiều sàn TMĐT như TikTok shop, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... Sàn nào cũng có chính sách bảo vệ người tiêu dùng, vì một khi người tiêu dùng quay lưng, thì không chỉ tổ chức, cá nhân “thuê sạp” trên sàn phải đóng cửa, mà bản thân doanh nghiệp là chủ sàn cũng gặp khó khăn. Theo tôi biết, ở TikTok shop, trong trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng hóa không đúng nội dung đăng tải trên sàn, thì bản thân sàn TMĐT này đứng ra bồi hoàn cho người mua trước, sau đó mới quay trở lại làm việc với các bên liên quan.

Đấy là ở phía người tiêu dùng, còn phía cơ quan quản lý nhà nước thì sao?

Muốn phát triển TMĐT thì cơ quan quản lý nhà nước phải có các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT.

Trong giai đoạn 2020-2025, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp; tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT; phát triển các hệ thống chứng thực, đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp trên cơ sở tham gia nhiều bên gồm cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị truyền thông, các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng; nghiên cứu, xem xét áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thưa ông, kinh doanh trên mạng bị cho là trốn thuế khá phổ biến, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường chống thất thu thuế với TMĐT. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Các giải pháp chống thất thu thuế được chỉ đạo trong nhiều văn bản, trong đó, đáng lưu ý nhất là Đề án 06 và Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế. Tôi cho rằng, thực hiện triệt để 2 văn bản này sẽ chống được gian lận thuế, trốn thuế trong hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Có một thực tế là, hiện nhiều người kinh doanh trên mạng chưa biết thực hiện nghĩa vụ thuế thế nào, nên vô tình trốn thuế. Theo tôi, để giải quyết bài toán này, cơ quan quản lý thuế cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau. Nhưng quan trọng hơn, người kinh doanh phải chủ động tìm hiểu các chính sách thuế, nghĩa vụ thuế, chế độ kế toán, hóa đơn. Nếu không thực hiện được các nghĩa vụ thuế, có thể thuê doanh nghiệp tư vấn thuế làm dịch vụ. Số tiền bỏ ra thuê ít hơn rất nhiều so với việc không hiểu chính sách thuế, vô tình vi phạm, bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt.

Doanh thu thương mại điện tử đạt 13,2 tỷ USD nửa đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp bứt phá
Giá trị giao dịch thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 13,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư