Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phải nhanh chóng “hồi sức” cho doanh nghiệp du lịch
Hồ Hạ (thực hiện) - 08/03/2021 14:30
 
Muốn vực dậy ngành kinh tế xanh, trước tiên phải “hồi sức” cho doanh nghiệp du lịch. Và không thể tuột tay cơ hội phục hồi thị trường nội địa khi mùa cao điểm nhất trong năm đang rất gần.

Chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, sau đợt “sóng thần” Covid-19 tái phát lần 3 dịp Tết Nguyên đán 2021, phần lớn doanh nghiệp du lịch vốn đã lao đao từ trước, lại phải chịu thêm cú đánh bồi chí mạng, dẫn đến “kiệt sức”.

Muốn vực dậy ngành kinh tế xanh, trước tiên phải “hồi sức” cho doanh nghiệp du lịch. Mọi chính sách, sản phẩm du lịch phải ra đời từ nhu cầu thực tiễn. Và không thể tuột tay cơ hội phục hồi thị trường nội địa khi mùa cao điểm nhất trong năm đang rất gần.

.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB). Ảnh: Hồ Hạ

Thưa ông, Covid-19 tái phát đúng dịp Tết Tân Sửu 2021 khiến hoạt động du lịch ảnh hưởng như thế nào? Liệu chúng ta có thể phục hồi ngành kinh tế xanh trong năm nay?

TAB và cá nhân tôi nhận định, 2021 tiếp tục là năm khó khăn với ngành du lịch. Phải đến năm 2022, thậm chí năm 2023, ngành kinh tế xanh mới phục hồi bằng thời điểm hoàng kim năm 2019, trước khi Covid-19 ập đến.

Mỗi lần bùng phát, Covid-19 đều khiến cả du khách và người làm du lịch lập tức bị tâm lý e ngại. Theo số liệu đặt tour, dịch vụ các doanh nghiệp du lịch cung cấp cho TAB, nếu Covid-19 không tái phát lần 3 tại Hải Dương, Hải Phòng và lan sang các địa phương khác thì dịp Tết Nguyên đán và những ngày xuân, ngành du lịch có thể phục vụ lượng du khách khá lớn.

Tuy nhiên, thực tế du khách không chỉ hủy tour, dịch vụ đến những vùng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 mà ở cả những nơi chưa xuất hiện bóng dáng loại virus này. Số liệu thống kê nhanh trong một số doanh nghiệp thành viên của TAB cho thấy, khoảng 80 - 90% du khách đã hủy booking. Đây là tỷ lệ hoãn, hủy tour lớn từ trước đến nay.

Từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ ba, TAB đã đánh giá lại tình hình thực tế để có thể đưa ra một kế hoạch về việc tìm cách để phục hồi phát triển du lịch nội địa và quốc tế.

Sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, phần lớn doanh nghiệp du lịch vốn đã lao đao từ trước, lại phải chịu thêm cú đánh bồi chí mạng, dẫn đến “kiệt sức”.

Bởi thế, TAB đã và đang khẩn trương thực hiện những cuộc khảo sát để qua đó đưa ra những ý kiến, giải pháp tư vấn chính xác từ thực tiễn gửi Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDLđể giúp các doanh nghiệp du lịch phục hồi.

Đồng thời, tìm ra những biện pháp phục hồi thị trường nội địa. Bởi, mùa cao điểm khách du lịch nội địa thường bắt đầu từ đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài cho đến sau mùng 2/9 đang đến rất gần. Đây là cơ hội lớn chúng ta không thể để tuột tay, nếu muốn sớm vực lại ngành kinh tế xanh. 

Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ, TAB đang tìm lời giải cho bài toán mở cửa du lịch quốc tế, thường bắt đầu mùa cao điểm từ tháng 10 đến hết mùa xuân.

Hiện, Thái Lan và Singapore, những đối thủ nặng ký nhất của du lịch Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách, dự kiến mở cửa đón du khách quốc tế cho du khách có “hộ chiếu vắc-xin” hoặc “bảo chứng” đã được tiêm chủng Covid-19.

Nếu chậm chân một chút thôi, sẽ không còn cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế. Chúng ta phải làm ngay vì lượng du khách quốc tế tuy chỉ bằng 1/4 lượng khách nội địa, nhưng nguồn thu lại rất lớn. Vì thế, việc mở cửa du lịch quốc tế và đồng thời đảm bảo phòng, chống đại dịch bắt buộc phải thực hiện sớm.

Giải quyết được những vấn đề trên, du lịch mới có thể hồi phục.

.
Hiện, Thái Lan và Singapore, những đối thủ nặng ký nhất của du lịch Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách, dự kiến mở cửa đón du khách quốc tế cho du khách có “hộ chiếu vắc-xin” hoặc “bảo chứng” đã được tiêm chủng Covid-19Ảnh: Hồ Hạ

Nguồn lực kiệt quệ, miếng bánh thị phần cũng phập phù, teo tóp theo từng đợt “sóng thần” Covid-19, những giải pháp nào sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch “tăng sức đề kháng”, dần lấy lại phong độ, thưa ông?

Có lẽ, chưa bao giờ TAB khao khát được góp sức phục hồi “sức khỏe” cho các doanh nghiệp du lịch như thời điểm này. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu những áp lực, tổn thất họ đang phải gánh gồng.

TAB đã xin ý kiến đề xuất của một số doanh nghiệp lớn thuộc Hội đồng cùng một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài TAB. Tổng hợp lại, có 20 đề xuất khác nhau, chia làm 4 nhóm.

Thứ nhất là nhóm các ý kiến đóng góp để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp du lịch. Nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí để các doanh nghiệp du lịch, hàng không có thể dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ.

Đồng thời, hỗ trợ, “bảo lãnh” cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vay vốn lãi suất thấp của các ngân hàng. Mức lãi suất cần thiết giảm xuống 4% để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TAB cũng đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2021. Giảm 80% số tiền doanh nghiệp lữ hành ký quỹ. Giảm thuế đất cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ casino hay golf mong muốn được tạm thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thí điểm cho người Việt Nam tham gia vào một số loại hình của casino, để doanh nghiệp có khách hàng.

Nhóm ý kiến thứ hai là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động làm trong ngành du lịch như: cho giảm, giãn đóng phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp… dựa trên mức thu nhập thực tế của người lao động, kéo dài thời gian hỗ trợ người lao động ngành du lịch bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm.

Nhóm ý kiến thứ ba là các biện pháp, chính sách của Chính phủ nhằm phục hồi du lịch nội. Nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có quy định cụ thể về thời gian các hãng hàng không hoàn tiền cho các khách hàng hủy chuyến do dịch Covid-19. Bởi thời gian một số hãng áp dụng là sau 3 tháng đang gây nhiều bức xúc cho khách hàng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đề xuất những khu, điểm tham quan miễn hoặc giảm 50% vé tham quan kéo dài, nhất là các điểm tham quan do cơ quan nhà nước quản lý.

Một vấn đề nữa là nhanh chóng xây dựng bản đồ số du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước ban hành bộ hướng dẫn thực hành du lịch an toàn

Và nhóm thứ 4 là các giải pháp phục hồi du lịch quốc tế. Phán đoán của nhiều doanh nhân tham gia khảo sát là khi nào người dân toàn cầu cơ bản đã tiêm vắc-xin, Việt Nam cũng phải khống chế được đại dịch thì mới có cơ hội đón du khách quốc tế trở lại. Bước đầu sẽ theo hướng lựa chọn thị trường, đàm phán song phương với từng nước và học tập kinh nghiệm của nước ngoài.

Hiện nay, một trong những vấn đề quan trọng là phải tiếp tục làm marketing để khách du lịch quốc tế giữ ham muốn được du lịch Việt Nam. Vì Việt Nam đang được thế giới chấm điểm rất cao về độ tin cậy với khả năng kiểm soát dịch rất tốt.

.
Ngành du lịch không thể tuột tay cơ hội phục hồi thị trường nội địa khi mùa cao điểm nhất trong năm đang rất gần. Ảnh: Hồ Hạ

Ở trên, ông đề cập đến việc TAB đang thực hiện nhiều cuộc khảo sát để tìm giải pháp phục hồi ngành kinh tế xanh. Ông có thể chia sẻ về những kết quả ban đầu TAB thu được?

Đúng vậy, chúng tôi mong muốn sẽ đưa ra những ý kiến, giải pháp tốt nhất tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền trước dịp 30/4, 1/5 tới. Bởi khi du lịch quốc tế vẫn đóng băng, chúng ta không được phép bỏ lỡ cơ hội phục hồi thị trường nội địa trong mùa cao điểm hè thu năm nay.

Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện khảo sát nhu cầu và xu hướng của du khách nội địa sau 3 lần đại dịch bùng phát sẽ như thế nào. Liệu có phải họ đang quan tâm đến yếu tố an toàn, chất lượng hơn hay là giảm giá? Từ đó, giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những phương pháp làm marketing, xây dựng sản phẩm nhắm đúng xu hướng, mong muốn của thị trường.

TAB cũng dự kiến khảo sát khả năng chịu của các doanh nghiệp du lịch sau mấy đợt bùng phát dịch đang tồn tại như thế nào? Họ cần chuyển đổi, mong muốn hỗ trợ như thế nào? Bởi giả sử nhu cầu thị trường nội địa lớn nhưng các doanh nghiệp du lịch quá đuối sức thì cũng không thể phục hồi được.

Khảo sát thứ ba là học các bài học điển hình về phục hồi và phát triển du lịch nội địa và quốc tế ở các nước khác. Trong đó, lưu ý tránh lặp lại vết xe đổ của người đi trước.

“Hộ chiếu vaccine” đang được nhiều quốc gia xem như giải pháp quan trọng để mở biên, từng bước bình thường hóa, phục hồi hoạt động du lịch quốc tế trong kỷ nguyên Covid-19. Việt Nam có nên học tập những kinh nghiệm này không, thưa ông?

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đến nay, tất cả những nhận định, dự kiến, kế hoạch đều phải thay đổi. Nhiều thì 2 tháng, thậm chí vài tuần hay vài ngày đã phải thay đổi, bởi đại dịch Covid-19 biến nhanh, dị thường và phủ bóng đen lên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực chứ không chỉ du lịch.

Thời điểm này, rất nhiều chuyên gia, cơ quan về du lịch ở các nước đưa ra nhận định, phải làm sao để du khách quốc tế yên tâm du lịch nước ngoài. Sự yên tâm ấy phải ở cả 2 phía. Điểm đến phải yên tâm rằng, du khách không mang mầm bệnh tới và du khách cũng phải yên tâm rằng họ không bị lây bệnh khi du lịch nước ngoài hoặc nếu rủi ro thì sẽ được chi trả bảo hiểm.

Vì thế, nhiều nước đưa ra biện pháp chỉ đón những du khách đã được tiêm chủng Covid-19. Đó có thể là xác nhận điện tử, giấy xác nhận, “hộ chiếu vắc-xin”… với thời gian đủ 28 ngày. Ngoài ra, một số nước còn yêu cầu thêm, trong vòng 3 ngày trước khi du khách rời nước họ du lịch, phải xét nghiệm nhanh PCR cho kết quả âm tính. Với hai điều kiện đó, may ra điểm đến mới cảm thấy yên tâm đón du khách quốc tế.

Để tìm được biện pháp đầy đủ, hiệu quả nhất, Việt Nam cần phải thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia từ các ngành khác nhau, từ y tế, ngoại giao, công an, quốc phòng, Văn hóa Thể thao Du lịch… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Vừa rồi, TAB đã thảo luận với đại diện của Cục Du lịch Singapore để học tập kinh nghiệm. Chúng tôi nhận thấy, Singapore chia ra 3 mức ưu tiên khác nhau để tiếp nhận khách quốc tế là Mở cửa đơn phương, Bong bóng du lịch và Làn xanh đối ứng. Họ xếp Việt Nam ở mức được ưu tiên cao nhất là Mở cửa đơn phương. Tức là khách du lịch không phải cách ly 14 ngày, chỉ phải tự cách ly 1-2 ngày đầu và làm test nhanh với Covid-19. Nếu kết quả âm tính thì vẫn du lịch bình thường. Nếu dương tính, phải quay trở về Việt Nam ngay. Và khách du lịch phải chi tiền xét nghiệm nhanh. Những kinh nghiệm này, có lẽ Việt Nam sẽ phải học tập.

Hiện TAB đang tiếp xúc với một số cơ quan du lịch của các nước khác nhau. Chúng tôi cũng đặt vấn đề với nhóm chuyên gia quốc tế của Thụy Sĩ và EU, nhờ họ cung cấp cho các thông tin, dữ liệu của các nước khác nhau ở các khu vực khác trên thế giới với mong muốn học hỏi kinh nghiệm mở cửa an toàn cho du khách quốc tế.

Theo tôi, chưa thể khẳng định hoàn toàn được “hộ chiếu vắc-xin” sẽ là biện pháp tốt, hữu hiệu nhất để mở biên đón du khách quốc tế. Vì như tôi nói ở trên, sự dị thường của Covid-19 có thể khiến mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Điều quan trọng nhất là mọi quyết định, chính sách, chiến lược và sản phẩm phải dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn mới đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế rủi ro còn thấp nhất.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Chưa mở cửa du lịch quốc tế, khách nước ngoài đến Việt Nam giảm 99,1%
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 chỉ đạt gần 11.000 lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư