Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phần lớn ngân sách chi cho khoa học công nghệ để nuôi bộ máy, thực chi cho đề tài hiệu quả còn ít
Mạnh Bôn - 20/03/2018 08:52
 
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, việc nghiên cứu đề tài nhưng không hữu dụng, ứng dụng vào cuộc sống vô cùng ít, phải cất ngăn kéo rất lãng phí ngân sách nhà nước

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh liên quan đến vấn đề hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống; ứng dụng; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Đề tài nghiên cứu cất ngăn kéo

Nhắc lại Phiên chất vấn nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, ông Nguyễn Quân trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (ngày 12/6/2015) về tình trạng rất nhiều đề tài nghiên cứu xong không có tác dụng nên đành phải cất ngăn kéo, ông Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, việc nghiên cứu đề tài nhưng không hữu dụng, ứng dụng vào cuộc sống vô cùng ít, phải cất ngăn kéo rất lãng phí ngân sách nhà nước vì hầu hết các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước. Ông Cương đề nghị Bộ trưởng Bộ KHCN cho biết tình trạng này hiện tại ra sao.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Thắng thì hỏi thẳng: “Ngân sách nhà nước đã bỏ ra bao nhiêu tiền để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học? Hiệu quả của đề tài này đến đâu?. Và có hay không đề tài cất ngăn kéo, nghiên cứu chỉ để nghiên cứu chứ không hề có tác dụng?”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Phương thì khẳng định, chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực KHCN hàng năm rất lớn, chiếm 2% tổng chi, nhưng hiệu quả không cao vì nguồn chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này chủ yếu tập trung chi thường xuyên, phần còn lại được đầu tư vào những đề tài ít có ứng dụng.

“Trong khi đó, rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư, nghiên cứu để tăng năng suất, hiệu quả thì không được chú trọng. Đơn cử như ngành mía đường càng ngày càng bị mất thị trường nội địa do đường nhập khẩu từ Thái Lan nhưng lại chưa được tập trung đầu tư nghiên cứu tìm ra cây giống mới có năng suất cao hơn, hiệu quả cao hơn”, ông Phương dẫn chứng.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận có tình trạng đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo, cất vào tủ. “Với trách nhiệm trước từng đồng thuế của dân, chúng tôi rất trăn trở trước thực trạng này”, ông Ngọc Anh chia sẻ và ông cũng thừa nhận có sự lãng phí không nhỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho KHCN  là 69.592 tỷ đồng, tương đương 2% tổng chi ngân sách. Tong đó, chi đầu tư phát triển là 30.799 tỷ đồng chỉ chiếm 44%, chi sự nghiệp là 38.793 tỷ đồng, chiếm 56%. Giai đoạn 2016-2018, chi ngân sách nhà nước cho KHCN được đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, cơ cấu chi đầu tư phát triển/kinh phí sự nghiệp KHCN vẫn theo tỷ lệ 40/60.

Như vậy, phần lớn ngân sách nhà nước chi cho KHCN là để nuôi bộ máy nghiên cứu, với 1.629 tổ chức nghiên cứu khoa học công lập và 141.000 người (chiếm 84%), còn phần thực chi cho KHCN (nghiên cứu - phát triển) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, nhưng kết quả nghiên cứu ra lại có ứng dụng rất ít, phải cất ngăn kéo đã dẫn tới sự lãng phí của xã hội.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, muốn phát triển KHCN thì ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, quan trọng hơn là phần đầu tư của doanh nghiệp. “Để đưa hoạt động nghiên cứu khoa học vào phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tình trạng nghiên cứu xong bỏ đấy, cần phải tái cơ cấu hoạt động KHCN trên cơ sở khuyến khích phát triển các cơ sở nghiên cứu KHCN ngoài công lập, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Vì hiện cả nước có mới có 1.961 tổ chức nghiên cứu khoa học ngoài công lập sử dụng hơn 23.000 người lao động, nhưng năm 2016, khu vực doanh nghiệp đã chi 16.175 tỷ đồng chỉ riêng cho hoạt động nghiên cứu-phát triển”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Triển khai các Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ KHCN đã làm gì?

Kể từ năm 2014 đến nay, năm nào Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP với quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có yêu cầu giảm dần tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất-nhập khẩu. Trong các bộ ngành thực hiện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất-nhập khẩu thì Bộ KHCN là một trong những cơ quan có tỷ lệ kiểm tra cao nhất.

Từ thực tế này, bà Trần Thị Quốc Khánh đặt thẳng câu hỏi: “Bộ KHCN đã làm gì trong việc giảm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất-nhập khẩu theo tinh thần của các Nghị quyết 19/NQ-CP?”

Bà Trần Thu Trang khẳng định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất-nhập khẩu là một trong những rào cản doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Bộ KHCN đã tham mưu gì cho Chính phủ để giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành, thay vì tiền kiểm chủ yếu chuyển sang hậu kiểm?”, bà Trang chất vấn.

Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, điểm nổi bật trong năm 2017 là việc Bộ KHCN thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

“Chúng tôi đã trình trình Thủ tướng ban hành Quyết định 50/2006/QĐ-TTg về việc ban hành “Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng” để loại bỏ 114 loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng; tạo khung pháp lý hướng dẫn các bộ, ngành áp dụng cơ chế hậu kiểm; trực tiếp áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KHCN quản lý, theo đó, 96% lô sản phẩm, hàng hóa tại khâu thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ KHCN được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp doanh nghiệp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày (trong năm 2016) xuống chỉ còn đúng một  ngày”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

“Cùng với Khu công nghệ cao TP.HCM, Đà Nẵng, Khu công nghệ cao Hòa lạc được coi là quả đấm thép, là đầu tàu dẫn dắt phát triển KHCN. Nhưng đến bây giờ thì khu vực Hòa Lạc vẫn chưa hình thành khu công nghệ cao như mong muốn”, bà Đoàn Thị Thanh Mai trăn trở.

“Không phải chỉ có đại biểu Quốc hội trăn trở, người dân trăn trở mà các thế hệ lãnh đạo ngành KHCN đều trăn trở về Khu công nghệ cao Hòa Lạc vì thực tế dự án xây dựng Khu công nghệ cao này rất chậm chạp. Nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, thậm chí đến năm 2015 vẫn mới chỉ giải phóng được một phần nhưng vẫn nằm trong tình trạng “xôi đỗ” nên rất khó triển khai tổng thể dự án”, ông Chu Ngọc Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề này, theo người đứng đầu ngành KHCN sẽ sớm được tháo gỡ: “Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng để tập trung thu hút đầu tư. Khu công nghiệp này mới cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 223 triệu USD; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao đạt 2,4 tỷ USD. Khu công nghệ cao này đã vượt qua được chặng đường khó khăn nhất, hy vọng một vài năm tới sẽ trở thành một trong các đầu tàu phát triển KHCN”, ông Chu Ngọc Anh phát biểu.

Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư