Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 07 tháng 08 năm 2024,
Phát triển tài chính xanh: Cần cấp bách hoàn thiện chính sách
Thanh Thủy - 07/08/2024 14:14
 
Dù bắt đầu từ sớm, khung pháp lý về tài chính xanh, kinh tế xanh vẫn chưa được như kỳ vọng. Như riêng việc triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon, còn nhiều vướng mắc liên quan ngay từ việc xác định sản phẩm này thuộc cơ quan nào.

Cần một chính sách đột phá

Chia sẻ tại Tọa đàm Triển vọng phát triển Tài chính xanh do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức ngày 6/8, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh cho rằng phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩ xanh hơn, an toàn hơn; yêu cầu của các nước phát triển; của bên cho vay, cung ứng sản phẩm tài chính,… Do đó, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp.

Ông Thành cũng nhấn mạnh tài chính xanh là cuộc cách mạng về thể chế, công nghệ với nhiều điểm mới như tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, nguồn gốc xuất xứ xanh… Vì vậy, sẽ có nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là chi phí chuyển đổi, áp lực từ thị trường và câu chuyện thể chế.

Việc đưa vấn đề “xanh” vào thị trường không phải là vấn đề đơn giản. Cụ thể, với vấn đề của thể chế, chuyển đổi xanh là quá trình đầy thách thức, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, thay đổi thể chế, ban hành khung pháp lý, chính sách, đào tạo thay đổi trong hành động, đòi hỏi sự tham gia của cả các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là một sự chuyển đổi từ “dưới lên” và từ “trên xuống”. Về phía các doanh nghiệp, chuyển đổi xanh là câu chuyện kinh doanh buộc phải chuyển đổi, dù muốn hay không khi xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh

Thời gian tới, để quá trình phát triển tài chính xanh tiếp tục phát triển, ông Thành cho rằng cần chú ý tới công tác truyền thông và hoàn thiện chính sách. Trong đó, với vấn đề hoàn thiện chính sách, ông Thành cho rằng đây là vấn đề cần phải được thực hiện một cách cấp bách.

"Nếu tiếp tục chờ luật thì sẽ mất thêm khoảng 4 năm. Thời gian tới, tôi cho rằng cần một chính sách đột phá để phát triển kinh tế, tài chính xanh bởi nếu không thì chúng ta sẽ chậm”, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết, quá trình làm chính sách đang rất “gian nan”.

Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) đang trực tiếp tiến hành đo carbon rừng thuộc sở hữu của CODE. Quá trình triển khai thực tế cho thấy việc chọn mẫu, đo lượng cacbon,… có rất nhiều công việc phải làm. Chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình phát triển tài chính carbon, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay, vướng mắc đầu tiên là quy định pháp lý về quy định về sở hữu carbon. “Rừng thuộc sở hữu của nhà nước, vậy câu hỏi đặt ra là carbon có thuộc sở hữu của nhà nước hay không. Dẫn ra việc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Thế giới, tiền được tính cho bà con, nhưng vấn đề này lại không phù hợp với quy định rừng của nhà nước.

Với thị trường carbon, ông Nghĩa cho rằng còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon. Hiện khi bán carbon liên tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đứng ra bán. Tuy nhiên, khi bán riêng lẻ thì của tỉnh nào tỉnh đó bán. Nếu bán như vậy thì chưa thể thể mang lên sàn được bởi lẽ khi lên sàn, cần phải có mã và mã phải có chủ. Do đó, CODE đang đề nghị sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn để có thể sớm đưa tín chỉ carbon lên sàn. 

Cùng đó, vẫn còn vướng mắc về vấn đề giá carbon. Hay việc chúng ta đã bán 10 triệu tấn tín chỉ carbon nhưng vẫn còn 4,9 triệu tấn bị “kẹt”. “Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ CODE đứng ra giúp họ mua, mặc dù số tín chỉ này chỉ còn hạn trong vòng 17 tháng. Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi chưa bán được, vì còn rất nhiều quy trình liên quan đến vấn đề đấu giá như lập hội đồng, cơ quan giám sát, có người xây dựng hồ sơ kỹ thuật…". Theo ông Nghĩa, tiền từ bên ngoài rất nhiều nhưng chúng ta thiếu cơ chế để tiếp cận.

Thời gian chuẩn bị gấp gáp hơn nhiều quốc gia

Liên quan đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh, tài chính xanh tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw khẳng định Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm. Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để thay thế cho Quyết định số 1393/QĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh.

Quyết định số 1658/QĐ-TTg cũng đề ra 4 mục tiêu chính, bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Sau đó là Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 gồm 12 nhóm với 66 hoạt động cụ thể trải rộng trên 4 chủ đề: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; và thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Song, luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng thừa nhận rằng dù bắt đầu từ sớm nhưng khung pháp lý về tài chính xanh, kinh tế xanh vẫn chưa được như kỳ vọng.

“Những quy định điều chỉnh liên quan đến tài chính xanh, kinh tế xanh tương đối chậm. Chẳng hạn như chúng ta vẫn thiếu rất nhiều quy định về xây dựng thị trường tín chỉ carbon như chưa có quy định về quyền liên quan, chưa xác định quyền sở hữu thuộc về nhà nước hay doanh nghiệp… Việc thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy định pháp luật ảnh hưởng rất nhiều lên quyết định của các nhà đầu tư vào thị trường này”, ông Hà nhận định.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Phụ trách Ban Chiến lược, Phát triển và Quan hệ quốc tế, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC)

Chia sẻ tại toạ đàm, bà Nguyễn Thu Thủy - Phụ trách Ban Chiến lược, Phát triển và Quan hệ quốc tế, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết cơ quan này đang có những góp ý cho đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Trong thể chế hiện tại, carbon chưa được ghi nhận trong thị trường như một hàng hoá, nên chưa xác định được sản phẩm này thuộc sự quản lý của cơ quan nào, dẫn tới việc các bộ, ngành cần ngồi lại cùng nhau.

Trên thị trường quốc tế, carbon thông thường sẽ có 2 loại hàng hoá gồm hạn ngạch carbon do nhà nước phân bổ và tín chỉ carbon. Hai khái niệm này khác nhau và các nước trên toàn cầu có hệ thống đăng ký quốc gia về sở hữu những hạn ngạch này. Bà Thuỷ chia sẻ thêm mặc dù nhìn vào hệ thống của các quốc gia, có thể thấy việc đăng ký hạn ngạch trực tuyến rất đơn giản, nhưng thực tế để có được điều này cần phải có sự bảo mật thông tin rất chắc chắn đi kèm với những hệ thống nội bộ thông suốt.

Một số thị trường khác như Indonesia, Trung Quốc đặt ra mục tiêu net-zero vào năm 2060. Mục tiêu của Việt Nam lại sớm hơn 10 năm, thời gian để chuẩn bị sẽ gấp gáp hơn. Trong khi đó, khá nhiều nước đã làm rất bài bản, trong khi Việt Nam vẫn đang dừng lại ở bước thể chế pháp lý.

“Đây là bài toán chúng tôi phải giải cho tới năm 2027”, bà Nguyễn Thu Thuỷ cho hay. Đại diện VSDC cũng nhấn mạnh phát triển thị trường carbon nội địa không chỉ có công việc của các cơ quan quản lý, mà cần toàn bộ thị trường phải nhận thức về vấn đề này.

Nhiều ngành hàng chịu tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
Thép, nhôm, xi măng, phân bón là 4 ngành hàng được dự báo sẽ chịu nhiều tác động khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư