Bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền chảy mạnh ngay từ đầu phiên, trong đó đặc biệt VIC được kéo lên sát mức giá trần, VRE cũng đảo chiều tăng trở lại, giúp VN-Index tăng vọt qua ngưỡng 945 điểm. Nhóm cổ phiếu thị trường cũng đồng loạt tăng trần khi lực cầu duy trì mạnh, trong khi lực cung không còn nhiều.
Tuy nhiên, vùng giá 940-945 điểm dường như đang là ngưỡng kháng cự mạnh, nên khi VN-Index tiến vào vùng này, lực bán diễn ra mạnh, nhất là ở nhiều mã lớn, khiến bị đuối sức và xuống mức thấp nhất phiên chiều khi đóng cửa.
Đặc biệt, “đóng góp” vào việc kéo VN-Index lùi lại cuối phiên chiều phải kể đến cặp đôi cổ phiếu ngày bia SAB và BHN, trong đó SAB giảm 4,96%, xuống 303.000 đồng, BHN cũng mất 3,86%, xuống 134.500 đồng.
Ngoài 2 mã trên, nhiều mã bluechip trong top 20 mã vốn hóa khác cũng giảm trong phiên chiều như VPB (-0,5%), VJC (-0,15%), MBB (-1,41%), MWG (-2,64%).
Chốt phiên, VN-Index tăng 3,04 điểm (+0,32%), lên 938,61 điểmvới 192 mã tăng và 97 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 252,36 triệu đơn vị, giá trị 5.946,85 tỷ đồng, tăng 11,8% về khối lượng, nhưng giảm 8,25% về giá trị do dòng tiền chuyển hướng sang các mã nhỏ. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,37 triệu đơn vị, giá trị 1.178,1 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 27/11 |
Trong top 10 mã vốn hóa lớn, ngoại trừ SAB giảm mạnh, chỉ có thêm BID giảm nhẹ 0,4%, xuống 25.200 đồng, VNM và CTG ở mức tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng của VIC chỉ còn 2,01%, lên 76.000 đồng, dù có lúc đã lên mức 79.500 đồng. Có mức tăng mạnh nhất trong nhóm này là MSN với 5,75%, lên 68.000 đồng.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất phiên hôm nay chính là nhóm cổ phiếu thị trường khi đồng loạt tăng mạnh với nhiều mã tăng trần. Ngoài các mã như HAI, AMD, DLG, KSB, QCG, HHS..., giữ sắc tím từ phiên sáng, trong phiên chiều còn xuất hiện thêm HQC, ITA, OGC…, cũng như cả chục mã khác.
FLC dù không có sắc tím, nhưng cũng có mức tăng mạnh 4,87%, lên 7.110 đồng với 23,21 triệu đơn vị được khớp, đứng đầu sàn HOSE. Tiếp đến là HQC với 17,5 triệu đơn vị, chốt phiên ở mức trần 2.870 đồng; OGC với 6,65 triệu đơn vị, chốt ở mức trần 2.380 đồng; ITA có thanh khoản 5,35 triệu đơn vị, đứng thứ 6 về thanh khoản (sau MBB và SSI), chốt phiên ở mức trần 3.540 đồng.
Tương tự, HNX-Index cũng nới rộng đà tăng ngay khi bước vào phiên chiều và hạ nhiệt khi vượt qua ngưỡng 112,80 điểm.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,2 điểm (+1,08%), lên 84,82 điểm. Tổng khối lượng khớp đạt 84,82 triệu đơn vị, giá trị 975,42 tỷ đồng, tăng 37,17% về khối lượng và 28,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận hôm nay có 2 triệu đơn vị, giá trị 33,48 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX, chỉ có 2 mã giảm là PHP giảm 1,63%, xuống 12.100 đồng và DL1 giảm 5%, xuống 38.000 đồng, còn lại đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là SHB với mức tăng 6,02%, lên 8.800 đồng, tổng khớp đạt 30,63 triệu đơn vị, lớn nhất thị trường.
Cũng giống sàn HOSE, nhiều mã thị trường trên sàn HNX cũng tăng trần trong phiên chiều nay như KLF lên 3.800 đồng với 9 triệu đơn vị được khớp, KVC lên 2.400 đồng, KSK lên 1.300 đồng, ACM lên 1.500 đồng, VIG lên 2.400 đồng, NDF lên 7.100 đồng...
Cũng có thanh khoản tốt trong phiên hôm nay trên HNX còn có PVS (7,49 triệu đơn vị), SHS (4,54 triệu đơn vị), VCG và CEO (trên dưới 2,4 triệu đơn vị). Tất cả các mã này đều tăng giá, trong đó SHS tăng mạnh 9,34%, lên 19.900 đồng, có lúc đã chạm trần 20.000 đồng.
Trái ngược 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index lại hạ nhiệt khá sớm trong phiên chiều, có lúc về sát mức tham chiếu, trước khi bật nhẹ trở lại và đóng cửa với sắc xanh nhạt.
Cụ thể, chốt phiên đầu tuần, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,21%), lên 54,22 điểm với 16,26 triệu đơn vị, giá trị 268,33 tỷ đồng được chuyển nhượng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,86 triệu đơn vị, giá trị 233 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch 1,26 triệu cổ phiếu SCS, giá trị 174,13 tỷ đồng.
LPB tiếp tục có giao dịch sôi động khi tổng khớp đạt tới gần 5,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,3%, lên 13.900 đồng, trong đó nước ngoài mua ròng hơn 4 triệu đơn vị. GEX vượt qua ART trở thành mã có thanh khoản lớn thứ 2 với 2,46 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 1,32%, lên 23.000 đồng. ART vẫn giữ sắc tím 17.300 đồng với 2,44 triệu đơn vị được sang tên.
Chứng khoán phái sinh hôm nay khá ảm đạm khi chỉ có 10.533 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 992,49 tỷ đồng, giảm 24,26% so với phiên trước.