Sau giờ nghỉ trưa, thị trường đã quay đầu giảm điểm trước áp lực bán gia tăng và tập trung tại nhóm bluechips. Trước sức ép tăng dần, trụ đỡ còn lại là các cổ phiếu ngân hàng cũng suy yếu. Thêm một cú bồi trong đợt khớp lệnh ATC, VN-Index chính thức rơi về mốc thấp nhất ngày 976 diểm.
Mặc dù là tác nhân chính kéo VN-Index giảm điểm, nhưng việc nhóm bluechips giảm về vùng giá thấp nên nhóm này giao dịch sôi động. Riêng giá trị giao dịch của rổ VN30 đã chiếm 66% tổng giá trị giao dịch toàn sàn HOSE.
Đóng cửa, với 170 mã giảm và 136 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 6,09 điểm (-0,62%) xuống 976,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 199,81 triệu đơn vị, giá trị 4.664,89 tỷ đồng, tăng 5,3% về khối lượng và 7,6% về giá trị so với phiên 26/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 48,96 triệu đơn vị, giá trị 1.356 tỷ đồng, riêng ROS thỏa thuận 18,75 triệu đơn vị và GMD thỏa thuận 10,87 triệu đơn vị.
Diễn biến VN-Index phiên 27/8 |
Áp lực bán mạnh khiến nhiều mã bluechips giảm hơn 1% như VIC, VCB, VNM, SAB, MSN, VRE, HPG…, thậm chí HVN giảm gần 4%, MWG và NVL cùng giảm hơn 2%.
Trong khi đó, một số mã ngân hàng là VPB, HDB, TCB, EIB, cùng với GAS, VJC, VRE, VHM, ROS… vẫn giữ được sắc xanh, qua đó hãm bớt đà rơi của chỉ số.
Về thanh khoản, MBB tiếp tục là điểm sáng nhất trên HOSE với 11,41 triệu đơn vị khớp lệnh, sự tích cực này giúp MBB về được tham chiếu 23.300 đồng vào cuối phiên. ROS còn làm được hơn thế khi quay đầu tăng 0,8% lên 27.000 đồng và khớp 8,74 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn, bên cạnh giao dịch thỏa thuận mạnh. HPG đứng thứ 2 với 8,99 triệu đơn vị, giảm 1,8% về 22.400 đồng.
Cùng với ROS, nhiều mã bất động sản khác như DLG, ITA, DXG, DIG, LDG, TDC, TDH, HDC… cũng tăng điểm đi kèm thanh khoản cao từ 1-4 triệu đơn vị. Nhìn chung, nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch khá tốt ở phiên này, trong khi các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao khác như chứng khoán, vật liệu xây dựng, dầu khí… kém tích cực.
Trên sàn HNX, diễn biến tích cực hơn so với HOSE. Nỗ lực cuối phiên giúp nhiều mã lớn trên sàn này hạn chế đà giảm, thậm chí quay đầu tăng điểm, nên HNX-Index đã vượt qua tham chiếu trước khi kết phiên.
Đóng cửa, với 57 mã giảm và 70 mã tăng, chỉ số HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,50%) lên 102,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,47 triệu đơn vị, giá trị 357 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên 26/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,43 triệu đơn vị, giá trị 37,8 tỷ đồng.
Việc nhiều mã lớn như ACB, SHB, VCG, TNG, PGS, NVB, MBS… về mốc tham chiếu, trong khi VCS, PHP, VNR… bật tăng mạnh đã giúp HNX-Index hồi phục cuối phiên. Ngược lại, các mã PVS, PVI, CEO, SHS… còn giảm tương đối mạnh, tạo gánh nặng cho chỉ số.
SHB dẫn đầu thanh khoản với 3,61 triệu đơn vị, tiếp đó là PVS với 2,74 triệu và ACB với 1,01 triệu đơn vị. PVS -0,5% về 20.500 đồng.
Mã VCR bất ngờ tăng trần lên 24.700 đồng, khớp lệnh gần 0,85 triệu đơn vị - cao nhất kể từ phiên 6/8. Ngoài ra, nhiều mã nhỏ như ACM, IDJ, DST, MTP… cũng đạt sắc tím.
Trên sàn UPCoM, chỉ số sàn này sớm bật tăng ngay khi mở cửa và đà tăng này được duy trì cho đến hết phiên, thanh khoản tích cực.
Đóng cửa, với 77 mã giảm và 97 mã tăng, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,83%) lên 58,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,92 triệu đơn vị, giá trị 400 tỷ đồng, tăng 107% về lượng và 82% về giá trị so với phiên 26/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 106 tỷ đồng.
Mã PXL bất ngờ tăng trần lên 5.700 đồng và vươn lên dẫn đầu thanh khoản sàn này với lượng khớp đột biến đạt 2,49 triệu đơn vị.
Một mã nhỏ khác là VNA cũng tăng trần lên 5.800 đồng, thanh khoản cao với gần 0,65 triệu đơn vị. Đây là phiên trần thứ 3 liên tiếp trong chuỗi 6 phiên tăng liên tục của mã này.
Ngoài PXL, ba mã có thanh khoản cao tiếp theo là GVR, QNS và BSR khi cùng khớp trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, chỉ QNS tăng điếm. Cùng là mã lớn tăng có VIB, VGI, VEA, OIL. LTG…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 mã đều giảm, trong đó VN30F1909 vẫn dẫn đầu về thanh khoản với 60.271 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 19.325 hợp đồng. Chốt phiên, mã này giảm 0,5% xuống 881 điểm, cũng là mã giảm mạnh nhất.
Trong khi đó, 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ không có giao dịch.
Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã được niêm yết, có 11 mã giảm, 2 mã đứng giá và 5 mã tăng. Có thanh khoản tốt nhất là CMBB1901 với 63.613 đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến là CMBB1902 với 19.982 đơn vị và CMWG1903 với 15.816 đơn vị.