Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 25 tháng 02 năm 2025,
Phúc thẩm vụ đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 dự kiến kéo dài gần 1 tháng
Việt Dũng - 25/02/2025 14:11
 
Thông tin từ Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM cho biết, đơn vị này đã lên lịch xét xử phúc thẩm vụ đại án liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - giai đoạn 2.

Theo đó, phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 25/3 đến ngày 21/4. Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM chưa thông tin gì thêm liên quan đến phiên tòa phúc thẩm này.

sdfsdfsd
Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trước đó, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã phát đi thông báo về việc tiếp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - giai đoạn 2. 

Cụ thể, sau khi Hội đồng xét xử tuyên án sơ thẩm, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã kháng cáo toàn bộ bản án. Cháu gái bà Lan, bà Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty WMC) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, bị cáo Vân bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Bên cạnh đó, các bị cáo khác trong vụ án cũng đồng loạt kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gồm: Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Trương Vincent Kinh (nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Trịnh Quang Công (nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World); Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World). Nguyễn Vũ Anh Thi (nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Vũ Quốc Tuấn (nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Trần Xuân Phượng (nguyên Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông); Trần Thị Thúy Ái (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông); Thái Thị Thanh Thảo (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Quản lý đầu tư Hoàn Cầu)…

Riêng bị cáo Trần Thị Mỹ Dung kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án liên quan đến hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Bùi Văn Dũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và yêu cầu giải tỏa tài khoản bị phong tỏa. 

Ngoài ra, các bị cáo là Đinh Thị Ngọc Thanh (nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB); Trần Văn Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Sài Gòn); Phạm Hoa Đăng (nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH Quản lý đầu tư Hoàn Cầu); Phan Chí Luân (nguyên Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sunny World); Trần Đình Hưng (nguyên Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông)… kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị hưởng án treo.

Ngoài các bị cáo, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng đã kháng cáo, gồm: ông Trương Lập Hưng yêu cầu gỡ bỏ tài khoản bị phong tỏa; Ngân hàng SCB kháng cáo liên quan đến phần xử lý vật chứng, yêu cầu xem xét lại các tài sản trong vụ án có liên quan đến ngân hàng này. 

Công ty Chứng khoán Tân Việt kháng cáo về phần kê biên tài sản, thu hồi cổ phần và giải tỏa ngăn chặn giao dịch; Ông Lâm Minh Vân, ông Lâm Thanh Bình kháng cáo về việc thu hồi tài sản trong vụ án. 

Bà Tống Thị Thanh Hoàng kháng cáo về việc ngăn chặn giao dịch đối với các tài sản liên quan đến ông Nguyễn Tiến Thành; Ông Nguyễn Thành Phương kháng cáo về phần xử lý vật chứng liên quan đến bà Nguyễn Phương Hồng. 

Về phía các bị hại, 10 người kháng cáo với lý do không có tên trong danh sách bị hại. Bên cạnh đó, 26 bị hại khác kháng cáo yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lãi và tiền gốc theo các hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký kết.

Tại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM tuyên vào ngày 17/10/2024, HĐXX đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tù chung thân cho tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt chung của bà Lan là tù chung thân.

Sai phạm của bà Trương Mỹ Lan trong giai đoạn 2 của vụ án này thể hiện: bà Lan là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quyết định sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, chiếm đoạt số tiền gần 31.000 tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Ở tội danh “Rửa tiền”, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỷ đồng do bà Lan phạm tội mà có.

Ngoài ra, ở tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền 4,5 tỷ USD.

Giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên y án tử hình chung cho 3 tội danh “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Tham ô tài sản”.

TP.HCM công bố đường dây nóng và cách làm, nộp hồ sơ cho trái chủ Vạn Thịnh Phát
Cục Thi hành án dân sự TP.HCM công bố số 1900599802 để cung cấp thông tin cũng như hướng dẫn trái chủ Vạn Thịnh Phát cách làm, nộp hồ sơ để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư