Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Quy trình thủ tục rót vốn cho start-up còn tốn nhiều thời gian
Thị Hồng - 10/06/2019 08:07
 
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư công nghệ VinaCapital Ventures đánh giá, thách thức lớn nhất hiện nay của start-up Việt cũng như các nhà đầu tư nước ngoài là quy trình thủ tục chính sách còn tốn nhiều thời gian. Đặc biệt là các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử hay là nội dung số cần áp dụng mã ngành.

Ông đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp mà Chính phủ đề ra?

Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoạch định, thực hiện việc đổi mới các chính sách liên quan nhằm tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, tăng cường tính cạnh tranh, năng động. Việc này nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất để tăng trưởng ổn định và bền vững, bắt kịp các xu hướng đầu tư, công nghệ  trên thế giới.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt Nam được phát triển nhanh và đủ tiềm lực vươn ra tầm quốc tế thì còn rất nhiều việc phải làm. Là người thường xuyên được tiếp xúc với các nhà sáng lập, tôi hiểu rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp thường phải đối mặt với việc thiếu vốn và cần vốn nhanh, một hai tuần đôi khi quyết định sự tồn tại của họ. Thế nên, thách thức lớn nhất hiện nay của start-up Việt cũng như các nhà đầu tư nước ngoài là quy trình thủ tục chính sách còn tốn khá nhiều thời gian - nhất là các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử hay nội dung số,…  cần áp dụng mã ngành. Trong khi đó, chỉ cần chậm vài tuần thì đã mất cơ hội được nhận vốn phát triển.

.
.

Thời gian qua, VinaCapital Ventures có đưa ra những đề xuất nào để hoàn thiện chính sách cho hệ sinh thái khởi nghiệp?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, tôi được lắng nghe tiếng nói của nhiều nhà khởi nghiệp, là người cùng chung vai trong hệ sinh thái khởi nghiệp, tôi hiểu rằng tất cả start-up đều mong muốn các chính sách được ban hành sẽ tạo điều kiện tốt hơn, uyển chuyển hơn cho những mô hình kinh doanh mới. Chúng ta, có thể đi song song khi vừa thực hiện vừa đối thoại để những nhà đầu tư và cơ quan quản lý cùng hoàn thiện cơ chế ứng xử trong môi trường ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời.

Hiện, VinaCapital Ventures đang quan tâm và muốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nào?

Chúng tôi quan tâm đến những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các ngành truyền thống.

Theo nghiên cứu của HSBC, 300 tỷ USD sẽ được tạo ra ở Việt Nam từ đây đến năm 2030. Thế nhưng hiện nay các ngành truyền thống đang đối mặt với việc chi phí vận hành và đặc biệt là chi phí tiếp cận khách hàng và bán hàng rất cao. Lấy ví dụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm, 60% dân số vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, tỉ lệ người Việt có bảo hiểm còn thấp hơn nhiều. Các giải pháp công nghệ đóng vai trò chủ chốt nếu không muốn nói là duy nhất để đưa những sản phẩm này tới nhiều người Việt hơn.

Chúng tôi đã và đang đầu tư vào những giải pháp công nghệ cho lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách, giải pháp sinh trắc học cho tài chính và bán lẻ, cũng như có khoản đầu tư vào mô hình kinh tế chia sẻ và công nghệ bất động sản. Hiện tại VinaCapital Ventures đang liên tục tìm kiếm để hợp tác và đầu tư vào các khởi nghiệp hỗ trợ khối SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa được quan tâm đủ. Đây là những mảnh ghép quan trọng để cấu thành một nền kinh tế số đúng nghĩa cho Việt Nam. 

Đâu là những rào cản lớn nhất để VinaCapital Ventures đi đến quyết định có rót vốn hay không?

Có nhiều lý do để đi đến quyết định không đầu tư, dù mỗi lần từ chối một nhà khởi nghiệp là một lần khó khăn với chúng tôi. VinaCapital Ventures được định vị là quỹ đầu tư mạo hiểm, tức là mọi điều kiện chung quy đều chỉ xoay quanh yếu tố thời điểm (timing). Có những start-up cực kì sáng tạo nhưng lại quá mới/quá sớm cho thị trường. Có những start-up lại đi vào lối mòn, không tạo nên sự khác biệt cụ thể.

Mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ có những khẩu vị khác nhau, VinaCapital Ventures từ chối không có nghĩa những nhà đầu tư khác cũng từ chối thế nên trên thị trường khởi nghiệp có những câu chuyện về các nhà sáng lập bị từ chối rất nhiều lần trước khi được một quỹ chấp nhận đầu tư và sau đó trở thành kỳ lân start-up (unicorn). Chính vì vậy, các nhà khởi nghiệp đừng vội dừng bước nếu bị 1, 2 quỹ đầu tư từ chối mà nên kiên trì, kiên định và tự tin bước tiếp. Một khi ý tưởng của các bạn hữu dụng với nhu cầu thị trường thì chắc chắn sẽ có nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng ấy.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư