Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Ròng rã rao bán suốt 3 tháng, Tael Two Partners vẫn “chôn” vốn ở Vinasun
Tùng Linh - 17/01/2024 10:44
 
Vốn hóa thị trường của hãng taxi Vinasun (VNS) “bốc hơi” tới 36% từ mức đỉnh trong năm xác lập hồi cuối tháng 7/2023. Quỹ ngoại Tael Two Partners đã có tới ba lần đăng ký bán nhưng không cổ phiếu nào được khớp lệnh trong gần 3 tháng qua.

Tael Two Partners – cổ đông ngoại lớn nhất của Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS-HoSE) vừa thông báo tiếp tục không bán ra được bất kỳ cổ phiếu nào trong tổng số 2,5 triệu cổ phiếu VNS đăng ký giao dịch từ ngày 15/12/2023 đến ngày 12/01/2024.

Giao dịch nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn. Đây không phải là lần đầu tiên Tael Two Partners bán bất thành. Liên tục từ tháng 10/2023 tới nay, quỹ đầu tư này đã đăng ký bán ra cùng lượng cổ phiếu trên tới 3 lần. Không cổ phiếu nào được bán ra. Nguyên nhân theo lý giái từ quỹ là bởi thanh khoản thị trường thấp.

Khối lượng giao dịch trong vài tháng trở lại đây đều chỉ quanh mức vài nghìn, vài chục nghìn đơn vị. Giá cổ phiếu VNS cũng đã chứng kiến đợt lao dốc mạnh sau khi xác lập mức đỉnh trong năm ở mức 21.600 đồng/cổ phiếu phiên 25/7/2023. Chỉ trong vòng sáu tháng, cổ phiếu VNS đã giảm 36%, vốn hóa thị trường “bốc hơi” còn 933 tỷ đồng.

TAEL Partners được thành lập vào năm 2007 với mục tiêu đầu tư là các doanh nghiệp uy tín ở Đông Nam Á. Đến nay, công ty đã đầu tư hơn 1,6 tỷ USD vào Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.

Hiện tại, Tael Two Partners Ltd đang nắm giữ hơn 12,4 triệu cổ phiếu VNS, tỷ lệ 18,3%. Đây là cổ đông ngoại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn thứ hai tại hãng taxi này, chỉ đứng sau Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành – cổ đông sở hữu 24,92% vốn. Ngoài ra, bà Huỳnh Thanh Bình Minh - người đại diện uỷ quyền vốn cổ phần của Tael Two Partners Ltd đang giữ một “ghế” trong hội đồng quản trị của Vinasun.

Trong 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Vinasun đạt 941 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm nhẹ 2,3% về mức 125 tỷ đồng.

Giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với hoạt động kinh doanh chính là vận tải hành khách đường bộ, hoạt động kinh doanh của hãng taxi chịu tác động tiêu cực. Cùng áp lực cạnh tranh từ hàng loạt hãng xe công nghệ, Vinasun liên tục kinh doanh thua lỗ và chỉ có lãi trở lại từ quý I/2022.

Đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vinasun giảm 8,4% so đầu năm, từ 1.836,6 tỷ xuống còn 1.681 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp xỉ 108 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ liên tục giữ ở mức 679 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.

Vinasun muốn mua xe điện làm taxi; EVN, ACV thở phào; Vua tôm và Kỳ lân đều lỗ
SCIC thoái hết vốn tại Nhựa Bình Minh; "Vua tôm" Minh Phú đứt mạch lãi 7 năm; Doanh thu EVN tăng nhờ giá điện; ACV hưởng lợi nhờ hàng không khởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư