Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Samsung tạo cơ hội cho nhà cung ứng Việt Nam
Thế Hải - 09/01/2017 10:03
 
Trong năm nay, Samsung sẽ nâng số lượng doanh nghiệp Việt Nam được chọn làm nhà cung ứng cấp 1 từ con số 20 hiện nay lên 29 doanh nghiệp.
.

Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra tại Bộ Công thương cuối tuần qua, ông Bang Hyunwoo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: “Samsung đến đầu tư tại Việt Nam, nhưng chúng tôi rất chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ. Nếu trong năm 2014 - 2015, Samsung mới tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện thoại di động, thì năm 2016, với việc nhà máy sản xuất đồ gia dụng của Samsung tại TP.HCM đã đi vào hoạt động, chúng tôi đã mở rộng phát triển công nghiệp phụ trợ sang lĩnh vực gia dụng”, ông Bang Hyunwoo nói.

Thực tế, nếu năm 2015 mới chỉ có 4 doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, thì năm 2016, con số này đã tăng gấp 5 lần, lên 20 doanh nghiệp. Năm nay, ông Bang Hyunwoo cho biết, Samsung dự kiến có 29 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1.

Xu hướng gia tăng sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sự cải thiện trong những năm gần đây. Nếu năm 2013, mới có 45% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa đầu vào từ các nhà cung ứng tư nhân nội địa, thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 62% và năm 2015 là 68%.

Tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất của các tập đoàn nước ngoài là mong muốn của hầu hết doanh nghiệp. Điều này càng “cháy bỏng” hơn khi nhu cầu gia tăng số lượng nhà cung cấp của Samsung ngày một lớn, cùng số lượng dự án đầu tư mở rộng được nối dài. Đó là dấu hiệu đáng mừng, song thực tế, số lượng doanh nghiệp Việt được tuyển chọn vào chuỗi cung ứng còn quá nhỏ so với số lượng hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Hơn nữa, các doanh nghiệp được chọn này mới chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bao bì và in ấn.

Đóng góp của Samsung trong xuất khẩu của Việt Nam (Đơn vị: tỷ usd)
Đóng góp của Samsung trong xuất khẩu của Việt Nam (Đơn vị: tỷ usd)

Cơ hội cho nhà cung ứng Việt

Đầu năm 2016, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã được Samsung chọn là nhà cung cấp trực tiếp các sản phẩm cho tổ hợp Samsung Electronics HCMC CE tại Khu công nghệ cao TP.HCM, chuyên cung cấp các sản phẩm linh kiện nhựa, chi tiết cơ khí và khuôn mẫu ứng dụng công nghệ cao.

Cần phải nói thêm, Minh Nguyên là một trong số rất ít doanh nghiệp phụ trợ trong nước hiện nay được Samsung chọn vào chuỗi cung ứng trực tiếp.

Nếu năm 2015 chỉ có 4 doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, thì năm 2016, con số này đã tăng gấp 5 lần, lên 20 doanh nghiệp.

Đại diện của Samsung cho biết, từ khi đầu tư các dự án tỷ đô ở Việt Nam đến nay, việc tìm kiếm các nhà cung cấp 100% vốn trong nước là rất khó khăn vì một phần Việt Nam trước đó chưa có ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động và hầu hết doanh nghiệp phụ trợ không đáp ứng được các yêu cầu của hãng đưa ra.

Tính đến năm 2016, vốn đầu tư được phê duyệt của Samsung tại Việt Nam đã lên đến 14,8 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân là 10,1 tỷ USD.

Năm 2016, với việc Samsung Display - công ty con của Samsung điện tử tại Bắc Ninh đã mở rộng quy mô nhà xưởng thứ 2 và việc nhà máy của Samsung điện tử tại TP.HCM sản xuất đồ điện tử gia dụng chính thức đi vào hoạt động, doanh thu của Samsung điện tử và các công ty con đã tăng trưởng khá.

Tổng doanh thu của Samsung điện tử và các công ty con đạt 46,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 39,9 tỷ USD, tăng 9,9% so với con số 36,2 tỷ USD của năm 2015.

Trong số này, riêng 2 nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, mặc dù năm qua xảy ra sự cố Note 7, nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu tới 36,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với con số 32,8 tỷ USD của năm 2015.

Ông Bang Hyunwoo chia sẻ, bên cạnh những thành tựu đóng góp về kim ngạch xuất khẩu, Samsung điện tử và các công ty con đã có rất nhiều nỗ lực góp phần vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.

Minh chứng là, nếu năm 2014, tỷ lệ nội địa hóa của các nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên mới chỉ dừng ở mức 35%, thì đến năm 2016, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 51%, với khoảng 18.000 trang thiết bị robot, máy tính đã đi vào hoạt động chính thức để sản xuất các linh phụ kiện cốt lõi cho điện thoại di động như màn hình 3D glass, modul của camera 16 megapixel.

“Có thể nói, với việc đầu tư và mở rộng quy mô, các linh phụ kiện cốt lõi công nghệ cao đã được sản xuất tại Việt Nam và các linh kiện này không những phục vụ Việt Nam, mà còn phục vụ các nhà máy của Samsung ở Hàn Quốc cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới”, ông Bang Hyunwoo nói.

Rõ ràng, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Samsung là rất lớn, khi tập đoàn này vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam, cùng kế hoạch đưa chuyên gia sang hỗ trợ nhằm tìm kiếm và tăng số lượng nhà cung ứng Việt.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cử chuyên gia sang tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện, nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm để doanh nghiệp Việt ngày càng tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất của Samsung tại Việt Nam”, ông Bang Hyunwoo nhấn mạnh.

Công nghiệp phụ trợ: Làm được ốc vít, nhưng không bán được
Nếu không có những thỏa thuận theo hướng cùng có lợi, doanh nghiệp Việt ngày càng khó tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất của tập đoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư