Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sản xuất giày dép xuất khẩu: Nhà máy tại Việt Nam chiếm ưu thế
Hải Yến - 12/12/2021 08:25
 
Các nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu tại Việt Nam có ưu thế cạnh tranh khá rõ nét trong việc nhận đơn hàng, vì thị hiếu của khách hàng thế giới chuộng sản phẩm Made in Vietnam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ

Sự sụt giảm xuất khẩu trong các tháng 8, 9 và tình hình dịch bệnh căng thẳng tại các khu công nghiệp có các nhà máy sản xuất đạt doanh thu hàng tỷ USD đã khiến ngành giày dép lo lắng về khả năng khó cán đích (hơn 18 tỷ USD) trong năm 2021. Nếu tháng 6 và 7, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD và 1,75 tỷ USD, thì sang tháng 8 giảm còn 850 triệu USD, tháng 9 còn 700 triệu USD.

Thế nhưng, sau 2 tháng các địa phương phía Nam mở cửa sản xuất theo Nghị quyết 128/NQ-CP, với các giải pháp sản xuất và phòng chống dịch linh hoạt, ngành xuất khẩu chục tỷ USD này đã có sự bứt phá ngoạn mục. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách  Việt Nam (Lefaso) thông tin, tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 937 triệu USD, tăng 38% so với tháng trước.

Theo Lefaso, do sụt giảm nhiều tháng liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng túi xách, ô dù, vali trong năm 2021 dự báo giảm so với năm 2020, ước đạt 3 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu giày dép năm 2021 dự báo tăng 5%, vượt 17 tỷ USD, nên về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày (giày dép, túi xách) sẽ vượt mức 20 tỷ USD.

Đà phục hồi của xuất khẩu giày dép còn cao hơn vào tháng 11/2021, khi đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 400 triệu USD so với tháng 10, đưa kim ngạch 11 tháng đạt 15,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. “Đà tăng như hiện nay sẽ giúp ngành duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5% so với năm 2020”, bà Xuân dự báo.

Mức tăng trưởng 5% được đánh giá là tích cực trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã đánh mạnh vào “cứ điểm” sản xuất của ngành giày dép, túi xách, khi các nhà máy lớn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An phải đóng cửa nhiều ngày. Nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, trong khi chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo.

Năm 2020, trước tác động không mong muốn của đại dịch, xuất khẩu của ngành da giày (giày dép, túi xách) đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với năm 2019, trong đó giày dép đạt 16,8 tỷ USD, giảm 8,3% và túi xách, ô dù đạt 3,1 tỷ USD, giảm 16,5%.

Thế giới chuộng hàng Made in Vietnam

Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đưa một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn của Hàn Quốc, Trung Quốc… vào Việt Nam, từ đó năng lực sản xuất, cung ứng giày dép xuất khẩu không ngừng được mở rộng.

Theo số liệu từ World Footwear Yearbook, tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới năm 2020 đạt 12,1 tỷ đôi, giảm 19% so với năm trước, thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó, với lượng xuất khẩu đạt 1,23 tỷ đôi trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới, tăng 4,4 lần so với năm 2011.

Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Các quốc gia kế tiếp gồm Indonesia xuất khẩu 366 triệu đôi (3% thị phần); Đức 301 triệu đôi (2,5% thị phần); Thổ Nhĩ Kỳ 280 triệu đôi (2,3% thị phần).

Bộ Công thương tính toán, giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,4%/năm, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trên thế giới có xu hướng tăng từ 10,3% trong năm 2016 lên 13,6% trong năm 2020. Hàng loạt thương hiệu giày dép nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Reebok, Puma… đều đã được gia công và sản xuất ở Việt Nam với số lượng lớn.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Golden Victory, bà Lê Thị Anh Đào cho biết, các nhà máy sản xuất tại Việt Nam có ưu thế cạnh tranh khá rõ nét so với nhiều nước trong khu vực trong việc nhận đơn hàng của các nhãn hàng. “Trước đây, nhiều nhãn hàng, trong đó có Nike chủ yếu đặt gia công tại Trung Quốc, nhưng gần đây có xu hướng đặt hàng tại Việt Nam, vì thị hiếu của khách hàng thế giới chuộng sản phẩm gắn mác Made in Vietnam”, bà Đào thông tin.

Theo Lefaso, Việt Nam đã đạt bước tiến khi xuất khẩu giày mũ vải dệt lớn nhất thế giới về trị giá, chiếm 26,3% thị phần toàn cầu năm 2020 và năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Các FTA như CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng đang góp phần kéo một lượng đơn đặt hàng lớn về Việt Nam. Hãng Adidas xác nhận, đặt hàng từ Việt Nam xuất đi châu Âu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn do nhiều mã hàng giày dép có lộ trình giảm thuế khá sâu về 0%.

Thời gian tới, bên cạnh tập trung vào sản phẩm giày thể thao thế mạnh, các doanh nghiệp được khuyến nghị đầu tư công nghệ để sản xuất các sản phẩm bắt kịp xu hướng tiêu dùng thế giới.

Xuất khẩu giày dép Việt Nam tăng hơn 4 lần trong 10 năm
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với 1,233 tỷ đôi năm 2020, lần đầu tiên vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư