Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Siết tín dụng khó chặn đầu cơ bất động sản; Các quỹ đầu tư chưa mặn mà trái phiếu
T.L - 06/10/2024 09:51
 
Ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu cấp 2, tỷ giá tăng nhiệt, siết tín dụng khó chặn đầu cơ bất động sản, nhà đầu tư tổ chức vẫn chê TPDN, tiền gửi lập đỉnh, đã đến lúc bỏ room tín dụng... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Ngân hàng đua phát hành trái phiếu tăng vốn cấp II

Ngoài việc tăng lãi suất để thu hút tiền gửi đáp ứng cầu tín dụng cải thiện dần cuối năm 2024, các ngân hàng hiện đang “đua” phát hành trái phiếu tăng vốn cấp II.

Cụ thể, MB cho biết, sẽ phát hành 30.000 trái phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ, dự kiến có thể phát hành trong 50 đợt với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, với kỳ hạn các trái phiếu bao gồm từ 5 đến 10 năm và mức lãi suất sẽ được Tổng giám đốc quyết định tuỳ theo từng đợt chào bán. 

Trái phiếu phát hành của MB lần này là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản, là nợ thứ cấp đủ điều kiện tính vốn cấp 2 theo quy định pháp luật. ngân hàng dự kiến phát hành thành một đợt hoặc nhiều đợt.

Đối tượng chào bán là các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật. 

MB cho hay, số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được ngân hàng sử dụng để tăng vốn cấp II và cho vay đối với các khách hàng có nhu cầu hoặc phục vụ các hoạt động, kinh doanh của ngân hàng phù hợp với quy định của pháp luật. Thời điểm giải ngân nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu sẽ dựa trên tình hình thực tế sử dụng số tiền thu được tại thời điểm đó. 

Theo thông tin MB đưa ra, tính đến ngày 30/9, giá trị trái phiếu đã phát hành tại MB đạt 51.644 tỷ đồng. Trước đó, MB đã hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động  (ESOP), nâng vốn điều lệ lên 53.063 tỷ đồng. Sau khi phát hành ESOP, vốn điều lệ của MB đã tiến ngay sát VietinBank (53.700 tỷ đồng), cao thứ 5 toàn ngành ngân hàng. 

Techcombank cũng huy động gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9/024. Theo đó, chỉ trong 2 ngày 26-27/9/2024, ngân hàng này đã phát hành ra thị trường tổng cộng 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 9.700 tỷ đồng.

Cụ thể, lô trái phiếu TCBL2427013 có mệnh giá 1.000 tỷ đồng, 3 lô trái phiếu TCBL2427012, TCBL2427011 và TCBL2427010 có giá trị 2.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn ngày 27/9/2027. Lô trái phiếu có giá trị lớn nhất là TCBL2426014 với 2.700 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, dự kiến tới 26/9/2026 mới đáo hạn. Lãi suất phát hành 5 mã trái phiếu trên đều là 5%/năm.

Techcombank cho biết, số tiền thu được từ phát hành và chào bán trái phiếu sẽ được Techcombank sử dụng để cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Thời điểm giản ngân trước 31/12/2024. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Techcombank đã huy động thành công 14 lô trái phiếu với tổng giá trị 31.700 tỷ đồng. Trong đó, mã trái phiếu TCBL2427005 có giá trị lớn nhất với 5.000 tỷ đồng, trái phiếu được phát hành ngày 11/6/2024 với lãi suất phát hành 4,6%/năm, có kỳ hạn 3 năm và dự kiến đáo hạn năm 2027.

Nhưng ở chiều ngược lại, Techcombank cũng đã tiến hành mua lại trước hạn 10 mã trái phiếu với giá trị 19.950 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó, mã trái phiếu lớn nhất mà ngân hàng mua lại là TCBL2326003 có giá trị 5.000 tỷ đồng phát hành năm 2023 và tới 2026 mới đáo hạn.

Một diễn biến khác, Techcombank dự kiến chào bán 19,8 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, tương ứng tỷ lệ 0,2815% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành là quý III hoặc quý IV/2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành.  Sau khi hoàn thành đợt chào bán, vốn điều lệ của Techcombank sẽ đạt 70.649 tỷ đồng.

Trong tháng 8 vừa qua, ACB cũng đã phát hành thêm 2 lô trái phiếu riêng lẻ với quy mô đạt 670 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm đến 6,1%/năm cho năm đầu tiên. Trong khi OCB đã huy động được 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư, kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất cố định ở mức 5,6%/năm.

BVBank chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9% một năm. Từ năm thứ hai, lãi suất bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 2,5%. Tương tự, cuối tháng 8, HDBank cũng phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất cao hơn 2,8% so với bình quân tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng tại thời điểm thanh toán.

Loạt nhà băng khác như BIDV, VPBank, MB, BIDV, ACB, OCB... cũng có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi cao hơn tiền gửi khoảng 1-1,5%. Mặc dù các ngân hàng phải trả chi phí cao hơn khi phát hành trái phiếu, nhưng kênh này giúp họ cân đối tỷ trọng huy động và an toàn vốn. So với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 5,5 đến 6%/năm như hiện tại, trái phiếu có chi phí vốn đắt đỏ hơn, nhưng các nhà băng vẫn tìm tới kênh huy động này thời gian qua.

Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), 8 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 247.000 tỷ đồng. Trái phiếu ngân hàng dẫn đầu khi chiếm tới 73% tổng giá trị trái phiếu, trái phiếu bất động sản xếp thứ hai và chỉ chiếm khiêm tốn gần 18%.

Trái phiếu giúp ngân hàng huy động vốn cấp II (vốn bổ sung) với giá trị lớn để mở rộng hoạt động mà không cần giảm tỷ lệ sở hữu qua phát hành cổ phiếu. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo các tiêu chuẩn Basel được tính dựa trên quy mô so với tài sản có trọng số rủi ro. Khi các nhà băng duy trì tăng trưởng tín dụng 14-15% mỗi năm, phần mẫu số của công thức này liên tục tăng. Để đảm bảo tỷ lệ CAR, các nhà băng bắt buộc phải tăng vốn.

Ngoài ra, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định. Từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước; cho vay trên tổng vốn huy động dưới 85%.

Các chuyên gia của Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tăng tốc từ tháng 6, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu vay vốn cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Do đó, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc. 

Trong khi đó, đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating dự báo 1-3 năm tới, các ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng tăng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn. 

Tỷ giá tăng nhiệt khi USD leo cao nhất 6 tuần

Chỉ số DXY đo giá trị sức mạnh USD có thời điểm vượt mốc 102 điểm, tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần trở lại đây. Tỷ giá các ngân hàng theo đó cũng nhanh chóng tăng nhiệt.

Sáng ngày 4/10, ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.133 VND/USD, tiếp tục tăng 18 VND/USD. Đây là phiên thứ ba liên tiếp, ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá trung tâm.

Động thái của ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh đồng đôla đã tăng đáng kể trong 4 phiên liên tiếp  gần đây. Tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD đang giao dịch ở mức 24.590 VND/USD (mua vào chuyển khoản) và 24.930 VND/USD (bán ra), tăng 70 VND/USD so với đầu giờ sáng ngày hôm qua.

Có thời điểm, chỉ số US Dollar Index (DXY) vượt mốc 102 điểm và hiện ổn định quanh mức 101,9 điểm. Theo số liệu vừa công bố, chỉ số PMI dịch vụ Mỹ của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã tăng 3,4 điểm lên 54,9 điểm trong tháng 9 vừa qua. Chỉ số đơn đặt hàng mới đã tăng 6,4 điểm lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023, phản ánh nền kinh tế của Mỹ vẫn khá vững chắc vào cuối quý III.

Theo ông Steve Miller, Chủ tịch Ủy ban khảo sát kinh doanh dịch vụ của ISM, mặc dù có những tín hiệu tích cực về sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, các yếu tố bất ổn chính trị cần được xem xét do có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế trong tương lai.

Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho báo cáo việc làm tháng 9 để có thêm thông tin chi tiết về thị trường lao động, trong đó đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng sẽ không có biến động đáng kể nào, trừ khi dữ liệu việc làm thấp hơn nhiều so với dự báo.

Đồng đô la cũng được hưởng lợi từ các tín hiệu ôn hòa ở Anh, châu Âu và Nhật Bản.

Trong khi Fed hạ lãi suất, tuyên bố mới đây của tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba thêm sau cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết còn quá sớm để tăng lãi suất đã kéo tỷ giá JPY/USD tăng lên 147 yên đổi 1 đôla, thấp nhất trong một tháng trở lại đây. Chính phủ Nhật Bản cho rằng tình hình kinh tế hiện tại không đòi hỏi phải tăng lãi suất thêm nữa. Bộ trưởng kinh tế mới được bổ nhiệm cũng kêu gọi ngân hàng trung ương thận trọng trong việc tăng lãi suất một lần nữa.

Trong khi USD tăng giá, diễn biến giá vàng quốc tế chưa ghi nhận nhiều biến động khi giao dịch vẫn chủ yếu ở trạng thái giằng co dưới mốc 2.660 USD/ounce. Hiện giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.658 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York cũng đi ngang và giao dịch ở mức 2.678,5 USD/ounce.

Goldman Sachs đã đưa ra dự báo giá vàng có thể tăng lên 2.900 USD/ounce vào đầu năm 2025 và đã đưa ra 3 lý do cho lời khuyên nhà đầu tư nên mua vàng.

Mới đây, Goldman Sachs đã tăng dự báo giá vàng thêm 200 USD/ounce, từ 2.700 USD/ounce lên 2.900 USD/ounce vào đầu năm 2025. Ba yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng của vàng được tổ chức này chỉ ra. Trong đó, các nhà phân tích tin rằng, việc tăng gấp 3 lần lượng mua vào của ngân hàng trung ương kể từ giữa năm 2022 do lo ngại về lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ và nợ công tại nền kinh tế số một thế giới mang tính cấu trúc và sẽ tiếp tục.

Cùng đó, theo Goldman Sachs, việc Fed sắp cắt giảm lãi suất sẽ đưa vốn phương Tây trở lại thị trường vàng. Dòng vốn này phần lớn không có trong đợt tăng giá vàng mạnh được quan sát thấy trong hai năm gần đây. Thứ ba, các nhà phân tích cho biết vàng “mang lại giá trị phòng ngừa đáng kể cho danh mục đầu tư trước những cú sốc địa chính trị”. Các rủi ro này bao gồm thuế quan, rủi ro phụ thuộc của Fed và nỗi lo về nợ.

Trên thị trường Việt Nam, giá vàng nhẫn liên tục tăng những ngày qua với mức tăng vài trăm nghìn đồng mỗi lượng. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng nhẫn 9999 được mua vào ở mức 81,9 triệu đồng/lượng và bán ra tại 83,2 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 300.000 đồng và 200.000 đồng mỗi lượng. PNJ là hãng vàng niêm yết giá cao nhất với mức thu mua lên tới 82,6 triệu đồng/lượng trong khi bán ra tại 83,5 triệu đồng/lượng. Hầu hết hãng vàng đang đưa ra mức giá thu mua vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC.

Đối với vàng miếng SJC, chưa có thay đổi sau lần tăng trong phiên giao dịch 1/10. Giá vàng miếng bán ra tại SJC và 4 ngân hàng có vốn Nhà nước đang ở mức 84 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, SJC và đa số hãng vàng công bố mức thu mua 82 triệu đồng/lượng, thậm chí còn thấp hơn mức giá mua vào của vàng nhẫn. Cá biệt, Vàng Mi Hồng đang chấp nhận thu mua vàng miếng ở mức 83,5 triệu đồng/lượng.

Thiệt hại do bão Yagi và tín dụng hồi phục, ngân hàng tìm cách hút thêm vốn

Thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra khiến khả năng trả nợ của doanh nghiệp giảm, nợ xấu gia tăng. Đây là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang tiếp tục tích cực hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong tháng 9, nhằm hạ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Tính đến ngày 30/9, tổng giá trị tiền ròng NHNN bơm vào hệ thống ước khoảng 128.200 tỷ đồng với mức lãi suất 4% - 4.25%, kỳ hạn 7 ngày, trong đó bao gồm 22.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chủ động dừng phát hành tín phiếu kể từ cuối tháng 8/2024.

Ngoài ra, trong bối cảnh tỷ giá ổn định, Kho bạc Nhà nước đã phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa là 350 triệu USD trong tháng này.

Theo chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán MBS, động thái này sẽ giúp tăng thanh khoản hệ thống thêm khoảng 5.800 tỷ đồng.

Nhờ động thái bơm mạnh thanh khoản của NHNN, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm từ mức 4,3% vào hồi đầu tháng đã giảm mạnh về mức 3% - mức thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây.

Tuy vậy, lãi suất liên ngân hàng lại đột ngột tăng vọt lên mức 4,3% trong tuần cuối cùng của tháng 9. Nguyên nhân là áp lực thanh khoản gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang phục hồi ổn định. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng tăng 7.38% so với cuối năm 2023.

Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục chững lại trong tháng 9/2024, khi chỉ có một vài ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng từ 0,1% - 0,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào trong vài tuần đầu tháng.

Chuyên gia phân tích MBS cho rằng, việc cơn bão Yagi gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023). Đây là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Đến cuối tháng 9/2024, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM đã tăng 13 điểm cơ bản so với đầu năm lên mức 5%, trong khi lãi suất của nhóm NHTM cổ phần quốc doanh vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

“Chúng tôi dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 20 điểm cơ bản vào cuối năm. Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào”, MBS nhận định.

Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

Dựa vào các yếu tố trên, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024.

Tiền gửi lập đỉnh sau 6 tháng tăng liên tiếp, lãi suất huy động phân hóa mạnh

Tiền gửi ngân hàng liên tục tăng mạnh khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng. Dù vậy, xu hướng tăng lãi suất huy động những tháng còn lại của năm 2024 sẽ khó có thể tiếp diễn và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7/2024, tiền gửi dân cư đạt 6,838 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 7/2024, có thêm 21.175 nghìn tỷ tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng. Tính từ đầu năm, số dư tiền gửi dân cư đã tăng 305.672 tỷ, tương ứng với 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia phân tích VCBS, huy động vốn tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 8 khi tín dụng hồi phục và các kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều khó khăn. Tính đến 15/8, tăng trưởng huy động từ tiền gửi khách hàng (từ dân cư và các tổ chức kinh tế) đạt 2,74% (6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng 1,5% so với cuối năm).

Tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng (LDR) tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng trong hệ thống do tối ưu hóa việc sử dụng vốn với tỷ lệ LDR trung bình trong quý II/2024 ghi nhận ở mức 83,60%, cải thiện so với mức 83,3% cuối quý I/2024.

Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống tính tới giữa tháng 9/2024 tiếp tục tăng thêm 0,3-0,5% ở hầu hết các kỳ hạn so với mức đáy thời điểm cuối tháng 4/2024, tuy nhiên vẫn ghi nhận giảm 0,1-0,3% so với thời điểm đầu năm nay.

Xu hướng tăng lãi suất huy động trong những tháng còn lại của năm 2024 được kỳ vọng sẽ khó có thể tiếp diễn và có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Theo đó, với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại và có thể điều chỉnh giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động do ảnh hưởng từ các diễn biến thiên tai thời gian gần đây.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động vẫn còn để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt.

VCBS cũng lưu ý đến những yếu tố có thể tác động đến mặt bằng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2024 khi xét đến: Chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống vẫn duy trì ở mức cao, điều này có thể tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới ở một số ngân hàng TMCP quy mô nhỏ nhằm gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Nhu cầu chuẩn bị nguồn vốn nhằm đáp ứng cầu tín dụng từ hoạt động sản xuất kinh doanh- thường có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm.

Cầu tín dụng từ hoạt động kinh doanh bất động sản/xây dựng được kỳ vọng vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024, do đó những ngân hàng có tỷ trọng cho vay nhóm ngành này ở mức cao cần có chính sách huy động phù hợp nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia khuyến nghị, trong bối cảnh thị trường có nhiều rủi ro như hiện nay, nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng.

Hiện thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn ở mức thấp, chỉ số VN-Index giằng co, chưa thể vượt được mốc 1.300 điểm. Tương tự, thanh khoản trên thị trường bất động sản cũng trầm lắng dù giá liên tục tăng nóng. Dòng tiền đang có xu hướng chờ đợi thay vì chảy vào các kênh đầu tư tài sản.

Không chỉ tại Việt Nam, theo báo cáo của SSI Research, dòng tiền đầu tư trên toàn cầu có dấu hiệu thận trọng hơn trước các dấu hiệu kém tích cực về nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu chậm lại trong khi tỷ trọng nắm giữ tiền mặt tại các quỹ tăng lên.

Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), từ cuối năm 2023 đến nay, quy mô giải ngân của các kênh đầu tư đều chậm lại, dòng tiền không chảy mạnh đặc biệt vào kênh đầu tư nào mà ngày càng thận trọng.    

Không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất USD tới 50 điểm cơ bản sẽ tạo “hiệu ứng domino” cắt giảm lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mặt bằng lãi suất điều hành hiện nay phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước, nên không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành.

Fed vừa quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm, lãi suất tham chiếu giảm 50 điểm cơ bản, về 4,75 - 5%. Theo ông, Việt Nam còn dư địa để hạ lãi suất điều hành?

ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành liên tục trong năm 2023. Chúng ta đã đi trước, đón đầu. Việc điều hành lãi suất của Việt Nam thời gian qua được nhiều chuyên gia kinh tế nói vui là “ngược đường, ngược nắng”, nhưng theo tôi rất phù hợp với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của nước ta trong năm 2023, đặc biệt là 9 tháng đầu năm, khi nền kinh tế gặp nhiều bất lợi.

Theo Quyết định 1123/QĐ-NHNN (ngày 16/6/2023), lãi suất tái cấp vốn được ấn định 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 5%/năm. Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất điều hành phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước, nên không nhất thiết phải thay đổi lãi suất điều hành, vì thực tế lãi suất điều hành đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông có thể phân tích thêm về sự phù hợp? 

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 8/2024 tăng 1,89% so với cuối năm 2023 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát bình quân 8 tháng tăng 4,04%. Tháng 9 và 3 tháng cuối năm, lạm phát sẽ tăng, do tác động tiêu cực từ bão Yagi và xu hướng chung cuối năm, vì thế rất khó để giảm lãi suất điều hành.

Thông thường, vào quý IV, các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất để tăng huy động tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Để cấp vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có thể tăng lãi suất huy động, nhưng không được tăng lãi suất cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng hỗ trợ, ưu đãi người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão Yagi.

Tôi cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô, lạm phát và sức chịu đựng của các tổ chức tín dụng.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất trước và ngay sau khi Fed giảm lãi suất. Trong khu vực, Indonesia cũng đã giảm lãi suất để duy trì tỷ giá. Việc Việt Nam không giảm lãi suất liệu có dẫn tới bất lợi trong cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào Mỹ, thưa ông? 

Việt Nam đã đi trước, đón đầu, chứ không đợi đến khi Fed giảm lãi suất mới chạy theo. Bài toán của Việt Nam bây giờ là tỷ giá tác động thế nào đối với hoạt động ngoại thương. Tỷ giá VND/USD giảm trong thời gian gần đây sau khi tăng mạnh vào những tháng đầu năm. Bình quân 8 tháng năm 2024, giá USD tăng 5,85%, là mức trượt giá khá thấp so với các đồng nội tệ khác trên thế giới.

Tất nhiên, khi không còn dư địa giảm tiếp lãi suất, thì cũng có những điểm không thuận lợi trong xuất khẩu, nhưng sự bất lợi này không lớn. Việt Nam nhập nguyên, nhiên, vật liệu bằng USD về để sản xuất và lại xuất khẩu thành phẩm bằng USD. Tính đến nửa đầu tháng 9, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 279,38 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu 261,34 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, nên sự biến động của USD tác động không lớn đến xuất khẩu.

Loại trừ hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản, thì kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do đóng góp của doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI xuất khẩu thành phẩm sau khi đã nhập khẩu nguyên vật liệu, vì vậy, sự biến động tăng hay giảm của tỷ giá không ảnh hưởng nhiều.

Nhưng rõ ràng, so với các nước còn dư địa hạ lãi suất, thì sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng bị giảm khi không hạ lãi suất? 

Fed hạ lãi suất, các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu được hưởng lợi, vì đồng nội tệ rẻ hơn so với USD khi họ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn. Tuy nhiên, Việt Nam không còn dư địa.

Nhưng, đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế, Fed giảm lãi suất sẽ kích cầu đầu tưtiêu dùng, theo đó, thị trường Mỹ tăng nhu cầu tiêu dùng và Việt Nam cũng được hưởng lợi, vì là một trong những nước xuất khẩu lớn vào Mỹ.

Theo ông, Fed hạ lãi suất ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam? 

Chúng tôi đánh giá sơ bộ và thấy rằng, có 4 tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Thứ nhất, Fed giảm lãi suất sẽ kích cầu đầu tư, tiêu dùng và du lịch toàn cầu, nhất là vào Mỹ. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ toàn thế giới tăng lên. Việt Nam là nước có kim ngạch ngoại thương lớn, nên đây là cơ hội tốt để tăng thu hút đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ hai, Fed giảm lãi suất sẽ tạo ra hiệu ứng domino, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ hạ lãi suất. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam ổn định tỷ giá đồng nội tệ với các ngoại tệ khác, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại ổn định mặt bằng lãi suất những tháng cuối năm.

Thứ ba, Fed hạ lãi suất khiến độ chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp, nên giảm bớt áp lực tỷ giá, qua đó, giảm áp lực lên lạm phát, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ tư, Fed hạ lãi suất sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp. Qua đó, triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán sẽ tăng lên, nhờ dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổi chiều, mua ròng thay vì bán ròng, qua đó kéo thị trường chứng khoán phát triển.     

Lượng giao dịch VietQR tăng gấp hơn 1.000 lần chỉ sau 2 năm

Trong 7 tháng đầu năm nay, giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch, tăng gần 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch VietQR năm 2023 tăng trưởng gấp 8 lần năm 2022, gấp hơn 1000 lần so với năm 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, trong 7 tháng đầu năm nay giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng (tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị) so với cùng kỳ năm ngoái.

Giao dịch qua kênh Internet đạt 1,72 tỷ giao dịch với giá trị đạt 42,08 triệu tỷ đồng (tăng 49,83% về số lượng và 33,72% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt 6,48 tỷ giao dịch với giá trị đạt 41,09 triệu tỷ đồng (tăng 59,09% về số lượng và 37,97% về giá trị).

Đặc biệt, giao dịch qua QR Code tăng rất mạnh, đạt 151,7 triệu giao dịch với giá trị đạt 84,6 nghìn tỷ đồng (tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị).

Giao dịch qua ATM, POS giảm, người dân tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu qua hệ thống NAPAS cho thấy, sự phát triển bùng nổ của mã VietQR trở thành phương thức được người dân lựa chọn như một thói quen thanh toán tiêu dùng hàng ngày, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.

Số lượng giao dịch VietQR năm 2023 tăng trưởng gấp 8 lần năm 2022, gấp hơn 1000 lần so với năm 2021. Năm 2023 có gần 62 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, gấp hơn 10 lần so với số lượng mã VietQR được tạo năm 2022 (khoảng 5,9 triệu mã).

Bên cạnh VietQR, dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247 cũng tăng mạnh qua các năm, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch, phản ánh rõ nét sự chuyển dịch từ nhu cầu thanh toán tiền mặt bằng các dịch vụ thanh toán thông minh trong các hoạt động thường ngày.

NAPAS cho biết sắp tới sẽ nâng cấp dịch vụ QR, khách hàng có thể dùng thẻ tín dụng nội địa để thanh toán QR.

Với dịch vụ công, NAPAS đã tích hợp thanh toán thông minh vào cổng dịch vụ công quốc gia, VNEID, thanh toán hồ sơ bằng các phương thức không tiền mặt. Khách hàng thực hiện ngay trên phần mềm dịch vụ công quốc gia, hay thành phố.

Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục chú trọng phát triển mở rộng hệ sinh thái thanh toán số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Siết tín dụng khó chặn đầu cơ bất động sản

Theo các chuyên gia, nếu nguồn cung nhà không được cải thiện, việc áp dụng thuế cao hay siết dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản thứ hai sẽ không chặn được đầu cơ bất động sản, ngược lại càng khiến giá nhà tiếp tục tăng cao.

Mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị thắt chặt chính sách tín dụng với người đầu cơ để chặn bong bóng giá bất động sản. Theo đó, để giảm số lượng người vay vốn với mục đích đầu cơ hoặc sử dụng đòn bẩy quá cao, VARS đề nghị các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm hạn mức cho vay thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, yêu cầu tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn, hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn với những người mua nhà thứ hai trở lên. 

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể áp đặt các quy định về việc kiểm soát chất lượng tín dụng, yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo chi tiết hơn về các khoản vay liên quan đến bất động sản, từ đó tăng cường giám sát rủi ro. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách nới lỏng tín dụng với người mua nhà lần đầu, thiết lập cơ chế tín dụng ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền…

Đề xuất trên không phải không có cơ sở. Theo GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hiện nay, những người mua nhà vay 50 - 70% giá trị tài sản chủ yếu là mua để đầu cơ (mua chờ tăng giá để bán), không phải dùng để ở. Vì vậy, kiểm soát cho vay mua nhà của ngân hàng để hạn chế đầu cơ là cần thiết. Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra những quy định về lãi suất, thuế… với cho vay tiêu dùng bất động sản từ căn thứ hai trở lên để ngăn đầu cơ.

Chẳng hạn, cách đây 7 năm, Trung Quốc đưa ra các quy định nghiêm ngặt về sở hữu căn nhà thứ hai như yêu cầu người mua phải đặt 60 - 85% giá trị căn hộ (đến căn thứ ba phải đặt cọc 100%); bất kỳ ai mua nhà đều phải nắm giữ tài sản ít nhất ba năm rưỡi, một số địa phương áp trần tín dụng vay mua nhà, nâng lãi suất đối với các khoản vay mua nhà và thắt chặt các quy định về thế chấp…

Tại Singapore, nhằm kiểm soát tình trạng đầu cơ và ngăn ngừa bong bóng bất động sản, Chính phủ nước này đã tăng tỷ lệ đặt cọc tối thiểu khi vay mua bất động sản với người mua từ căn thứ hai trở lên. Đồng thời, Singapore cũng giới hạn thời gian vay mua nhà kết hợp với chính sách tín dụng thắt chặt.

Thực tế, ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần khẳng định, không khuyến khích các ngân hàng cho vay bất động sản cao cấp, mà chủ yếu khuyến khích cho vay phân khúc nhà ở hợp túi tiền, nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, hiện nay, phân khúc nhà ở phù hợp túi tiền gần như “bốc hơi” khỏi thị trường. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án nhà ở trên thị trường đều thuộc “sân sau” hoặc có mối quan hệ mật thiết với các ông chủ nhà băng. Chính vì vậy, việc siết tín dụng chảy vào các dự án nhà ở - chủ yếu là cao cấp - là bất khả thi. 

Ngoài đề xuất siết tín dụng, tăng lãi suất cho vay với trường hợp mua nhà từ căn thứ hai trở lên, đang có đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ. Đề xuất này được Bộ Tài chính ủng hộ. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm như hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị cần cẩn trọng áp dụng biện pháp tăng thuế, tăng lãi suất hay siết tín dụng với bất động sản.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, một khi nguồn cung nhà ở khan hiếm, người mua sẵn sàng chấp nhận thuế, lãi suất cao, vì cứ mua là có lãi. Một khi cầu cao hơn cung, càng đánh thuế, tăng lãi suất cho vay, thì bất động sản càng tăng giá.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, giải pháp căn cơ nhất lúc này là phải tăng cung cho thị trường. Hiện có hàng ngàn dự án bất động sản đắp chiếu tại Hà Nội, nếu có giải pháp mạnh tay, các dự án này sẽ được “giải phóng”, tăng cung cho thị trường, giảm sức nóng giá nhà.

Về lâu dài, theo chuyên gia này, Nhà nước phải có chiến lược tài chính nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Đến nay, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ ở nước ta gần như thất bại, trong khi giá nhà ở thương mại tăng với tốc độ tên lửa. 

Để phát triển phân khúc này, không chỉ cần có cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, mà còn phải có chính sách ưu đãi về tài chính cho người vay mua nhà. Ở Việt Nam, gói 120.000 tỷ đồng sở dĩ “ế” là bởi lãi suất cao, thời gian ưu đãi ngắn (do sử dụng hoàn toàn nguồn lực của ngân hàng thương mại), không đủ sức hấp dẫn với người vay.

Nhà đầu tư tổ chức vẫn “chê” trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng hạn chế nhà đầu tư cá nhân, trong khi lại chưa thu hút được nhà đầu tư tổ chức.

Dữ liệu gần đây cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có sự phục hồi rõ rệt sau hai năm tăng trưởng chậm kèm theo tâm lý kém lạc quan của thị trường.

Những thay đổi về các quy định trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang giúp định hình hành vi của các bên tham gia, hoàn thiện cấu trúc thị trường và thúc đẩy sự hồi phục của các đợt phát hành mới.

Báo cáo của Vis Rating cho thấy, kể từ sau giai đoạn khủng hoảng về thanh khoản và chậm trả gốc lãi tăng mạnh từ tháng 9/2022 - 6/2023, tâm lý thị trường tích cực hơn, chủ yếu nhờ các nghị định liên quan đến hoạt động giải quyết nợ xấu. Từ tháng 3/2023, hơn 200 trái phiếu đã thực hiện kéo dài ngày đáo hạn, phần lớn gia hạn thêm khoảng 22 tháng, sau khi đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP.

Nhiều tổ chức phát hành có mức vay nợ cao và sức khỏe tài chính yếu, gồm cả những doanh nghiệp mới thành lập mà không có hoạt động kinh doanh cốt lõi và dòng tiền kinh doanh hạn chế, liên quan đến các Dự án bất động sản, đã tránh được tình trạng chậm trả nhờ nghị định này.

Với tỷ lệ chậm trả trái phiếu giảm và tỷ lệ thu hồi chậm trả đang tăng lên, các tổ chức phát hành và nhà đầu tư đã lạc quan hơn và đang chủ động thích ứng với yêu cầu phát hành chặt chẽ hơn.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng phát hành mới đã tăng gấp đôi lên 298.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu bởi khối ngân hàng và bất động sản. Hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn kể từ khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ được triển khai vào tháng 7/2023.

Dù hành vi của các thị trường đã được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, xu hướng của các giao dịch trái phiếu gần đây cho thấy các bên tham gia còn nhận thức chưa đầy đủ về rủi ro và cơ cấu nhà đầu tư chưa đủ đa dạng để duy trì thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Hầu hết các trái phiếu được phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp đều là các trái phiếu phát hành riêng lẻ, hoặc do các doanh nghiệp mới thành lập và không có hoạt động kinh doanh cốt lõi phát hành, do đó có rất ít thông tin công khai để nhà đầu tư có thể theo dõi và phân tích.

Gần 50% các trường hợp chậm trả gốc/lãi trong giai đoạn 2022 - 2023 đến từ các doanh nghiệp mới thành lập, tình hình tài chính yếu, nhưng vẫn phát hành với mức lãi suất không tương xứng với rủi ro.

Hiện nay nhiều trái phiếu từ nhóm doanh nghiệp này vẫn đang được giao dịch với mức lợi suất không chênh lệch nhiều so với các trái phiếu của các công ty có tình hình tài chính lành mạnh hơn.

Cơ quan quản lý dự định giảm bớt rủi ro quá mức trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bằng cách giới hạn trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức.

Theo Vis Rating, sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức là rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường. So với nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tập trung vào mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn, các nhà đầu tư tổ chức thường phải cân nhắc rủi ro đầu tư kỹ hơn, chấp nhận đầu tư dài hạn và có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn đối với các biến động ngắn hạn.

Tuy vậy, theo dữ kiện từ Bộ Tài chính và thống kê từ báo cáo tài chính bán niên, nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 6/2024.  

So với các thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn trong khu vực, Việt Nam thiếu sự hiện diện các nhà đầu tư tổ chức có thời gian đầu tư nằm giữ dài hạn và khả năng chịu đựng rủi ro cao để vượt qua các biến động ngắn hạn.

Trong Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, dự kiến có thể được thông qua vào quý IV/2024, cơ quan quản lý có dự định đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm giảm bớt trường hợp các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức, chẳng hạn giới hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức.

 Nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Việt Nam là Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tuy nhiên, tổ chức này vẫn chưa bắt đầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Không giống như các nhà đầu tư cá nhân - thường tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn - các nhà đầu tư tổ chức thường phải cân nhắc rủi ro đầu tư kỹ hơn, có thể đầu tư dài hạn và có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn đối với các biến động ngắn hạn. Nhà đầu tư tổ chức lớn nhất hiện tại là Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với quy mô tài sản quản lý đạt 1.200.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2023, tuy nhiên, Quỹ chưa thực hiện đầu tư vào thị trường.

.

Đã đến lúc bỏ room tín dụng

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ​.

Trong 3 quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng phân hóa rất mạnh. Có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi tốc độ tăng trung bình toàn hệ thống (tín dụng tính đến ngày 17/9 tăng 7,38%), song vẫn có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng chậm, thậm chí tăng trưởng âm, dẫn đến tình trạng room tín dụng nơi thừa, chỗ thiếu.

Theo ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank, tính tới thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của LPBank đã đạt gần 16%. Trong khi đó, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HDBank thông tin, tín dụng của ngân hàng này đã tăng trên 15% so với đầu năm và rất mong muốn được NHNN cấp thêm room tín dụng. Một số ngân hàng như ACB, Techcombank, MB, NamABank... cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 8 tháng đầu năm và đang kỳ vọng được NHNN nới thêm room.

Ở chiều ngược lại, tại một số ngân hàng (đa phần là ngân hàng nhỏ), tăng trưởng tín dụng lại chậm chạp. Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 10 ngân hàng tăng trưởng tín dụng dưới 5% so với cuối năm, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp phải kể đến là ABBank (-7,2%), Saigonbank (1,8%), Bac A Bank (2,3%), SeABank (3,5%), BVBank (3,2%)…

Năm nay, NHNN phân bổ hết room cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trước tình trạng một số ngân hàng sử dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng, NHNN đã có văn bản thông báo, từ ngày 28/8, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng từ đầu năm đến nay không chỉ phụ thuộc vào room tín dụng NHNN cấp, mà còn phụ thuộc rất lớn vào sức cạnh tranh và sức khỏe của mỗi ngân hàng. Theo đó, những ngân hàng có nền tảng tài chính lành mạnh, vốn dồi dào, kiểm soát được nợ xấu, hệ sinh thái và tệp khách hàng đa dạng, có lợi thế cho vay bất động sản… đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.

Ngược lại, các ngân hàng có chất lượng tài sản xấu, thanh khoản kém dồi dào, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường lớn, lãi suất cho vay kém cạnh tranh…, dù có được cấp hạn mức cao, cũng không thể tăng trưởng tín dụng.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị diễn ra gần đây, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng.

Dù vậy, Phó thống đốc cũng cho hay, NHNN đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ​.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên bãi bỏ công cụ room tín dụng để tạo điều kiện cho các ngân hàng khỏe, dồi dào thanh khoản được đẩy mạnh bơm vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Đồng thời, việc bãi bỏ room tín dụng cũng khiến các ngân hàng chủ động hơn trong hoạch định chiến lược kinh doanh, khắc phục tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” về room tín dụng.

Trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội giữa năm nay, NHNN lý giải nguyên nhân chưa thể bỏ room tín dụng là do lo ngại tình trạng tăng trưởng nóng quay lại, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống cũng như rủi ro lạm phát.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, NHNN hoàn toàn có thể ngăn chặn tín dụng tăng nóng thông qua công cụ dự trữ bắt buộc. Một khi NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng sẽ phải “phanh” tín dụng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thông qua Hệ số An toàn vốn (CAR), mà không cần đến room tín dụng. Ngân hàng muốn tăng tín dụng bao nhiêu, thì phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng bấy nhiêu. Điều này sẽ khiến các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao không bị thiệt thòi, không bị bó buộc bởi room tín dụng, mà lại gây sức ép cho các ngân hàng nhỏ, có tỷ lệ an toàn vốn thấp phải nâng cao “đệm” thanh khoản của mình. 

Chưa kể, NHNN cũng đã đưa ra nhiều công cụ đảm bảo khả năng thanh khoản, ngăn rủi ro tín dụng, cũng như ngăn ngân hàng thương mại tăng trưởng quá nóng. Đơn cử, NHNN đã có quy định ngân hàng thương mại chỉ được cho vay 80% nguồn vốn từ thị trường dân cư, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn còn 30%, siết tỷ lệ cho vay với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan... Các quy định về hệ số rủi ro hiện nay cũng buộc các ngân hàng phải cân nhắc lĩnh vực cho vay hiệu quả, không rót quá nhiều vốn vào các lĩnh vực rủi ro.

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Hiện NHNN vẫn chưa hé lộ về cơ chế điều hành room tín dụng năm 2025. Tuy vậy, trong bối cảnh tín dụng bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc, phục hồi như hiện nay, các chuyên gia kỳ vọng, NHNN sẽ sớm bỏ công cụ hành chính này để các ngân hàng tận dụng cơ hội tăng trưởng, dòng vốn đổ vào nền kinh tế được khơi thông. Với việc áp dụng các cơ chế trên, NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tổng mức tăng trưởng tín dụng, cũng như chất lượng tín dụng, mà không cần phải sử dụng đến công cụ room tín dụng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư