Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Sởi hoành hành, nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ, không tiêm chủng cho trẻ
D.Ngân - 02/09/2024 12:41
 
Theo các bác sỹ, trong khi dịch sởi đang hoành hành, vẫn có một số phụ huynh "an-ti vắc-xin", không nhận thấy tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ để phòng bệnh.

Nguy cơ dịch sởi mùa tựu trường

Mùa tựu trường sắp tới và từ nay đến cuối năm thời tiết mát dần, đó là điều kiện thuận lợi để bệnh sởi phát triển, nếu không triển khai nhanh biện pháp phòng, chống, sởi sẽ tiếp tục gia tăng.

Theo các bác sỹ, trong khi dịch sởi đang hoành hành, vẫn có một số phụ huynh "an-ti vắc-xin", phải vận động rất nhiều. Ảnh: Chí Cường

Tại TP.HCM, dịch đang diễn biến phức tạp, tăng cao, trong đó hơn 90% số ca mắc sởi ở phía Nam là trẻ dưới 15 tuổi, là gánh nặng cho các bệnh viện nhi.

Để giảm nguy cơ dịch lây lan đại diện Sở Y tế TP.HCM cho rằng, cần kiểm soát dịch tại cộng đồng, trong trường học và bệnh viện.

Đặc biệt, thời điểm hiện tại TP.HCM đang thực hiện tiêm chủng xuyên lễ nhằm bảo đảm miễn dịch cho trẻ, song theo phản ánh của các bác sỹ vẫn còn một số phụ huynh "an-ti vắc-xin", phải vận động rất nhiều.

Theo bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi trong dịp lễ này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sắp xếp công việc, đưa con đi tiêm ngừa nhằm phòng chống dịch bệnh cho trẻ.

Đặc biệt, việc tiêm chủng sẽ bảo vệ cả những trẻ chưa đến độ tuổi được tiêm vắc-xin sởi hoặc có bệnh nặng không thể tiêm.

Bà Nga lưu ý, đối với những em bé chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc là những người không thể chỉ định tiêm do bệnh lý thì những người xung quanh cần phải tiêm chủng để bảo vệ những người này.

“Chúng ta cần thực hiện các biện pháp dự phòng như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, những người có triệu chứng sốt hoặc phát ban thì hạn chế tiếp xúc với những người chưa được tiêm hoặc không được tiêm”, bà Lê Hồng Nga khuyến cáo.

Liên quan tới công tác tiêm chủng tại TP.HCM, PGS-TS.Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh yêu cầu các HCDC, các Trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng, đồng thời, các bệnh viện triển khai ngay các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, tất cả hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Để các nhóm giải pháp trên có thể đạt được hiệu quả kiểm soát dịch sởi, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin.

Đồng thời, yêu cầu Thanh tra Sở Y tế cần kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tuyên truyền “anti vắc-xin” và những trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng.

Giảm lây lan sởi nhờ vắc-xin

Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi được coi là mối đe dọa toàn cầu bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng hoặc thậm chí xuyên biên giới.

Sởi nguy hiểm bởi chúng không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài thậm chí là suốt đời cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…

Bên cạnh đó, sởi còn đặc biệt nguy hiểm bởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, phá hủy trung bình khoảng 40 loại kháng thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh.

Ở trẻ em, một nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Havard vào năm 2019 đã chỉ ra sởi loại bỏ từ 11% đến 73% kháng thể bảo vệ ở trẻ em.

Tức khi mắc bệnh sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hủy và thiết lập trở lại trạng thái ban đầu non nớt, chưa hoàn thiện như đứa trẻ vừa sinh ra.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Bác sỹ Bùi Thị Việt Hoa, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho rằng, trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Việt Hoa, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Chống vắc-xin là mối đe dọa toàn cầu

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có nhiều người thờ ơ trong tiêm chủng, chưa nhận thấy một cách rõ ràng, đầy đủ hiệu quả do vắc-xin mang lại.

Trào lưu chống vắc-xin là hòn đá tảng khổng lồ ngáng đường khiến các loại bệnh tưởng chừng như đã tuyệt chủng đang đe dọa bùng phát trở lại, mà đúng ra có thể phòng ngừa được.

Những người chống vắc-xin chưa hiểu hết cái lợi của tiêm phòng, họ chỉ nghe đồn hoặc thiển cận nhìn vào vài sự cố nhỏ. Đó là lý do tại sao WHO liệt trào lưu chống vắc-xin là một mối đe dọa sức khỏe mới toàn cầu.

Theo bác sỹ Bùi Thị Việt Hoa, việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ cho một cá nhân cụ thể, mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng.

Hiệu quả của vắc-xin là không thể phủ nhận. Đây được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho người tiêm và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, tránh tử vong hay mắc di chứng do bệnh dịch gây ra.

Nhờ có vắc-xin mà hàng năm, khoảng 2,5 triệu trẻ em trên thế giới đã được cứu sống, thoát khỏi nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm.

Hiện đã có vắc-xin phòng bệnh cho 30 bệnh truyền nhiễm và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa chương trình tiêm chủng phổ cập tới toàn người dân.

Những con số này cho thấy lợi ích của vắc-xin đối với toàn xã hội. Cũng theo WHO, vắc-xin có thể giúp hàng ngàn người tránh bị tật nguyền, cứu sống hàng triệu sinh mạng trên thế giới, tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí điều trị y tế mỗi năm.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, gánh nặng về tài chính cho việc điều trị bệnh gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi gia đình và xã hội.

Khi người dân được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, hạn chế ốm đau, giảm thiểu chi phí khám và chữa bệnh trong suốt thời gian dài.

Từ đó, giảm được gánh nặng to lớn về y tế, giúp ổn định và nâng cao chất lượng sống. Chẳng hạn, cứ 1 USD chi cho vắc-xin phòng bệnh sởi - quai bị - rubella, thì sẽ tiết kiệm được 21 USD chăm sóc y tế (theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ).

Tin mới y tế ngày 29/8: Dịch sởi tăng 8 lần, Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư