Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sửa đổi Thông tư 36: Vừa xoa dịu, vừa cảnh báo
Hà Tâm - 30/05/2016 14:23
 
Dù đã giãn thời gian và mức độ “siết” với tín dụng giao thông, bất động sản, song Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành cuối tuần qua vẫn thể hiện thái độ dè chừng, cảnh giác cao độ với lĩnh vực này.

Gạt bỏ nỗi lo cho ngân hàng, doanh nghiệp

Cuối tuần qua, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, NHNN đã thay đổi một số nội dung của dự thảo ban đầu, trên tinh thần lắng nghe ý kiến của ngân hàng, doanh nghiệp. Cụ thể, hệ số rủi ro cho các khoản vay bất động sản đã được Thông tư 06 nâng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự thảo.  Ngoài ra, thời hạn thực hiện cũng được lùi đến ngày 1/1/2017.

.
Thông tư 06 được ban hành vừa đưa ra được các tín hiệu cảnh báo cần thiết, vừa gạt bỏ được nỗi lo lắng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp

Về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, trước sự lo ngại của khối ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như căn cứ khuyến cáo của giới chuyên gia, NHNN đã đưa ra một lộ trình thực hiện như sau: tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giữ nguyên 60% từ nay đến ngày 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ ngày 1/1/2017 và từ ngày 1/1/2018 sẽ xuống 40%. Như vậy, so với dự thảo ban đầu, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm.

Một sửa đổi đáng lưu ý nữa là Thông tư 06 đã cho phép tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%. 

Như vậy, Thông tư 06 được ban hành vừa đưa ra được các tín hiệu cảnh báo cần thiết, vừa gạt bỏ được nỗi lo lắng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngân hàng thích cho vay bất động sản là dễ hiểu, vì đây là thị trường nền tảng và đang có dấu hiệu phục hồi bền vững. Do đó, nếu muốn cảnh báo ngân hàng và thị trường, NHNN nâng hệ số rủi ro lên 200% là hợp lý, bởi nếu nâng lên mức 250% là mức cao nhất thế giới, sau này không còn dư địa điều chỉnh.

Việc kéo dài lộ trình co hẹp vốn vay trung, dài hạn cũng đúng ý nhiều doanh nghiệp. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đã kiến nghị, cần lộ trình để thực hiện giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% về 40%. “Đề nghị sau 12 tháng thì đưa về mức 50%, và sau 24 tháng thì đưa về mức 40%”, ông Trần Bắc Hà kiến nghị.

Luôn cảnh giác với “mẹt thuốc súng”

Cũng cần nói thêm là, dù giảm mức độ, giãn thời gian siết tín dụng trung, dài hạn, nhất là tín dụng giao thông, bất động sản, song NHNN vẫn thể hiện sự cảnh giác. Trong Chỉ thị số 04/CT-NHNN ban hành cuối tuần qua, Thống đốc NHNN đã nhắc nhở các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và với các dự án BOT, BT giao thông.

Đối với các ngân hàng, Thống đốc cũng nhắc nhở phải có biện pháp tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay trong các lĩnh vực này. Đồng thời, hướng tín dụng lĩnh vực bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo chủ trương của Chính phủ.

Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách, quy trình, quy chế nội bộ về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và các dự án thu hồi vốn thời gian dài nhằm đảm bảo kiểm soát rủi ro đối với các lĩnh vực này.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, việc NHNN lo ngại tín dụng tăng trưởng nóng là có cơ sở, bởi dòng vốn hiện nay chưa đi vào những lĩnh vực hiệu quả. Sửa đổi Thông tư 36 là để cảnh báo, không để ngân hàng lặp lại vết xe đổ những năm trước đây.

Còn theo Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, việc NHNN giảm nhẹ mức độ “siết” tín dụng của Thông tư 36 là để tháo gỡ khó khăn của ngân hàng, doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP. Trên thực tế, NHNN vẫn rất lo ngại về lĩnh vực này. Những lo lắng là có cơ sở, bởi hai năm qua, các ngân hàng rót rất nhiều vốn vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, giao thông trong khi tính hiệu quả vẫn chưa rõ. Đáng nói là, vốn cho vay vốn trung, dài hạn đều đa phần lấy từ nguồn ngắn hạn.

Ngân hàng nào chưa thoái vốn theo đúng lộ trình Thông tư 36?
Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng thương mại đang sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư