Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sửa Luật Doanh nghiệp: Không xin bỏ, chỉ mong đừng lòng vòng
Khánh An - 20/03/2019 08:24
 
Câu hỏi các bộ, ngành có sẵn sàng cắt bỏ thủ tục không đang được các doanh nghiệp đặt ra khi bàn đến việc sửa Luật Doanh nghiệp.
Khách đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.
Khách đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Tại sao bắt doanh nghiệp lòng vòng

Sau hơn một tuần nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội, chủ một doanh nghiệp có trụ sở ở huyện Đông Anh đã phải quay lại phòng này để hoàn tất thủ tục thông báo thông tin tài khoản ngân hàng.

“Tôi mất một buổi sáng, đi hơn 30 cây số chỉ để nộp 1 thông tin là số tài khoản ngân hàng”, chủ doanh nghiệp này nói.

Trước đó, doanh nghiệp cũng đã thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng qua mạng điện tử trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Nhưng theo yêu cầu, trong vòng 30 ngày sau khi hoàn tất việc trên, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gốc cho Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận được giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Trình tự rắc rối tương tự cũng được quy định cho việc nộp tờ khai lệ phí môn bài. Nếu doanh nghiệp chưa hoạt động ngay sau khi đăng ký kinh doanh thì trong vòng 30 ngày phải nộp tờ khai. Với các doanh nghiệp hoạt động ngay, tờ khai này phải được nộp trong tháng đầu hoạt động.

Thời gian nộp lệ phí môn bài cũng phải được thực hiện ngay trong vòng 30 ngày sau khi có giấy đăng ký kinh doanh.

“Có khi đường phố của ta đông vì các quy định bắt doanh nghiệp phải đi đi, lại lại. Các thủ tục này doanh nghiệp sẽ phải làm, khoản thu này Nhà nước sẽ thu được, doanh nghiệp không xin bỏ, nhưng có cách nào để không phát sinh thêm thời gian cho doanh nghiệp không”, vị chủ doanh nghiệp này đặt câu hỏi.

Đăng ký lao động lần đầu: Có nhất thiết phải giữ?

Theo Nghị định 03/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Đây là lần khai đầu tiên. Sau đó, định kỳ 6 tháng, 1 năm, doanh nghiệp sẽ phải làm báo cáo tình hình sử dụng lao động, cập nhật theo mẫu đã khai.

“Tôi suy nghĩ mãi, không hiểu lần khai đầu có ý nghĩa gì, vì theo quy định, các cơ quan quản lý lao động sẽ cập nhật tình hình sử dụng lao động theo kỳ 6 tháng và hằng năm, việc khai giữa chừng, không trùng vào các kỳ báo cáo trên sẽ giúp ích gì cho cơ quan quản lý, hay vẫn phải đợi đến kỳ báo cáo chính?”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban soạn thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đặt vấn đề.

Đây là cơ sở để ông Hiếu đề xuất bỏ thủ tục này, thay vào đó, các thông tin sẽ được thực hiện vào kỳ báo cáo gần nhất.

“Với doanh nghiệp đăng ký thành lập vào nửa đầu năm, kỳ báo cáo đầu tiên là vào tháng 6; với các doanh nghiệp đăng ký vào các quý cuối năm, kỳ báo cáo là cuối năm. Chỉ cần cắt một thủ tục thôi, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được cả thời gian và chi phí”, ông Hiếu giải trình.

Gia nhập thị trường còn mấy ngày?

Cộng trừ thủ tục mà các doanh nghiệp phải hoàn tất để có thể chính thức bắt tay vào hoạt động, tổng thời gian doanh nghiệp đang phải mất là 20 ngày. Các thủ tục và thời gian này là lý do Chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam xếp hạng thứ 106 theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB).

“Thứ hạng này rất thấp và hoàn toàn có thể cải thiện được nếu cắt được các thủ tục chồng chéo”, ông Hiếu nói.

Cụ thể, ông Hiếu đề nghị bỏ thủ tục đăng ký lao động lần đầu, gộp thủ tục thông báo mở tài khoản ngân hàng, nộp lệ phí môn bài. Như vậy, cộng với hai thủ tục đã được đề xuất bãi bỏ trong Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là khắc dấu, thông báo mẫu dấu, công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, số thời gian thực hiện các thủ tục gia nhập thị trường sẽ còn khoảng 6-8 ngày.

“Chúng tôi đang làm việc với cơ quan thuế, đề nghị gộp thủ tục thông báo tài khoản ngân hàng và nộp lệ phí trước bạ vào thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế đầu tiên của doanh nghiệp. Đây cũng là quy trình mà các nước đang thực hiện”, ông Hiếu nói.

Cắt giảm một vài ngày có đáng không?

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM kể, trong một số cuộc làm việc về cắt giảm thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, câu hỏi cắt giảm một vài ngày thủ tục có ý nghĩa gì không vẫn được đặt ra.

“Với tôi, chỉ 1 ngày thôi nếu bỏ được thì phải bỏ. Doanh nghiệp chỉ cần chờ 1 ngày là 1 ngày lãi vay ngân hàng, tiền thuê văn phòng, lương người lao động… phải trả. Một doanh nghiệp là con số nhỏ, hàng ngàn doanh nghiệp sẽ là con số lớn”, ông Hiếu nói.

Chẻ nhỏ thủ tục khởi sự doanh nghiệp, từ ý tưởng đến khi chính thức đi vào hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp ở Việt Nam mất 20 ngày, không kể ngày chờ. Các thủ tục gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh; khắc dấu; thông báo mẫu dấu; mở tài khoản ngân hàng; mua hoặc tự in hóa đơn; công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; nộp lệ phí môn bài; đăng ký lao động lần đầu với cơ quan quản lý lao động; đăng ký bảo hiểm với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nếu cắt giảm được một nửa, chi phí xã hội sẽ giảm đi đáng kể. Chỉ số này trong Báo cáo Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ được cải thiện hàng chục bậc.
Vì sao cần sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chỉ sau hơn 2 năm thi hành?
Theo so sánh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế về năng lực cạnh tranh xét trên chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư