Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Tai nạn thương tích ở trẻ tăng cao dịp Tết
D.Ngân - 12/02/2024 12:50
 
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương hiện tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, nhiều trẻ gặp tai nạn thương tích đang được các y bác sĩ chăm sóc và điều trị.

BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 70-80 trẻ vào viện trong tình trạng cấp cứu.

Các bác sĩ đang khám cho bệnh nhân.

Đặc biệt, vào ngày Tết, số bệnh nhi bị tai nạn thương tích vào nhập viện tần suất nhiều hơn nhưng tăng không quá cao.

Các cháu đến khám, cấp cứu chủ yếu bị tai nạn thương tích, hoặc tình trạng bệnh nặng phải vào viện. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhi bị tai nạn thương tích cần nhập viện.

Các nguyên nhân do tai nạn thương tích khiến trẻ phải nhập viện rất đa dạng, có thể chỉ là tổn thương phần mềm, gãy xương, chảy máu bên ngoài…nhưng cũng có thể là những trường hợp nặng như tổn thương tạng, ngộ độc nặng… ảnh hưởng đến chức năng sống của trẻ.

Nguyên nhân do thời gian này trẻ được nghỉ học,  không có sự theo dõi sát sao của người lớn, bên cạnh đó bản thân trẻ chưa có đủ khả năng, kĩ năng để có thể tự bảo vệ bản thân.

Điển hình là cháu bé 11 tuổi (Hải Phòng) vừa nghỉ Tết, đi chơi. Cháu cùng bạn lao xe đạp từ trên đê xuống, nhưng do không làm chủ được tốc độ nên bị ngã văng xa, hôn mê và đưa đến bệnh viện tỉnh sơ cấp cứu.

Tại đây, trẻ được xử trí sơ cấp cứu, và chụp CT sọ não. Trên phim CT có hình ảnh tụ máu nội sọ và đụng dập nhu mô não, được chỉ định chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

"Cháu bé vào viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, tăng áp lực nội sọ. Tại đây bệnh nhân được cấp cứu thở máy, hỗ trợ hô hấp, chống phù não và chỉ định can thiệp ngoại khoa cấp cứu. Hiện bệnh nhi vẫn phải nằm tại đơn vị Điều trị tích cực ngoại khoa", bác sĩ Hùng cho biết.

Theo vị bác sĩ này, trẻ em là lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá, ngày Tết cha mẹ thường bận việc, có những lúc sao nhãng trong việc trông nom con, khiến trẻ có thể dễ bị tai nạn thương tích.

Đơn cử trong tuần qua Khoa vừa tiếp nhận cháu bé hơn 2 tuổi ở Thanh Hóa uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ, do cha mẹ tận dụng đựng trong chai nước không dán nhãn và cất tại nơi trẻ có thể lấy được.

Khi nhập viện, cháu bé đã trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp và được điều trị hồi sức tích cực, thở máy.

Tại đây cũng có những ca bệnh khá hy hữu tưởng như khó xảy ra. Đó là trường hợp bé trai 4 tuổi (Thanh Hoá), cùng chị gái sang nhà hàng xóm chơi, nhìn thấy băng phiến chống gián trong tủ, cháu tưởng là kẹo và lấy ăn.

Hậu quả cháu bị ngộ độc gây tan máu, vào viện trong tình trạng thiếu máu và phải truyền máu tích cực.

Hay cách đây 2 ngày, một bé gái 2 tuổi ở Hưng Yên đã uống nhầm nước hóa chất làm sạch bề mặt, tẩy rửa đồ trang sức có thành phần axit, khiến trẻ bị tổn thương đường tiêu hóa phải vào đây…

Cháu bé dễ có nguy cơ bị bỏng gây xơ sẹo, chít hẹp đường tiêu hoá. Ca bệnh này cần phải theo dõi và đánh giá lâu dài. Một số trường hợp còn cần can thiệp về ngoại khoa..

Nhiều năm trực Tết, bác sĩ Hùng đã gặp nhiều ca tai nạn thương tích ở trẻ em thương tâm, xuất phát từ sự chủ quan, bất cẩn của người lớn, cũng như sự thiếu hiểu biết và thiếu khả năng tự phòng tránh của trẻ.

Vì vậy, để phòng tránh các tai nạn thương xảy tích có thể xảy ra dịp Tết Nguyên đán đối với trẻ em, các bậc cha mẹ, gia đình cần có sự quan tâm, chăm sóc sát sao và tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó cần giáo dục, hướng dẫn trẻ có thể phòng tránh.

Chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện. Các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng.

Sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc  trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn.

Thuốc diệt chuột có hình dáng bên ngoài khá giống với một số loại thạch và nước uống cho trẻ em, do vậy nếu gia đình có dự trữ thuốc diệt gián chuột cần nên được cất giữ cẩn thận.

Các thuốc điều trị bệnh mạn tính của người trong gia đình  như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch cần cất giữ cẩn thận, như để  trong hộp riêng, có khóa

Khi trẻ ăn uống, cha mẹ cần quan sát con. Hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ…Giám sát chặt chẽ khi con ăn các loạt hạt lạc, hạt dưa, hạt bí,.. ngày Tết; không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.

Hướng dẫn trẻ tham gia giao thông an toàn. Cần có người lớn giám sắt chặt chẽ khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối, không cho trẻ chơi dưới  lòng đường… và các bề mặt trơn trượt

Tránh để các đồ vật như thuỷ tinh, sắc nhọn,.. gần tầm tay của trẻ. Cha mẹ cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các động vật xung quanh để biết cách phòng tránh, không trêu đùa với động vật lạ.

Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu thì việc đầu tiên là băng bó vết thương, nếu trẻ gãy xương thì cố định xương gãy.

Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở, thiếu oxy, chúng ta cần kích thích xem trẻ có đáp ứng hay không, có tuần hoàn không; sau đó gọi hỗ trợ từ những người xung quanh;

Đánh giá đường thở, khai thông đường thở, nếu trẻ không thở thì ngay lập tức thực hiện ép tim, thổi ngạt. Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư