Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tăng cao trẻ mắc các bệnh hô hấp
D.Ngân - 14/03/2023 12:43
 
Trước việc tăng cao trẻ mắc virus hợp bào, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải có biện pháp phòng chống.

Từ đầu tháng 3 đến nay, số ca đến khám và phải nhập viện do thời tiết giao mùa gia tăng ở nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. 

Trước việc tăng cao trẻ mắc virus hợp bào Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải có biện pháp phòng chống.

Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ghi nhận nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào, cúm A biến chứng viêm phế quản phổi phải nhập viện. 

Các bác sĩ tại đây cho hay, hiện số ca mắc virus RSV đến khám đang có xu hướng tăng, đặc biệt virus này gây ra những diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. 

Virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.

Triệu chứng của bệnh giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành nhiễm trùng phổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, bệnh nền mãn tính… RSV có 2 tuýp, tuýp 1 gây sốt cao, tiên lượng nặng; tuýp 2 gây sốt nhẹ, thậm chí không sốt. 

Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8-22% trên toàn thế giới.

Nói về bệnh do virus hợp bào, PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, virus RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. 

Virus dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra. 

Virus này truyền sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn bắt tay với người bệnh hay chạm vào bề mặt cứng có virus RSV. 

Người bị nhiễm virus hợp bào có khả năng lây lan cao nhất trong vòng vài ngày đầu sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan trong vài tuần sau đó.

Bệnh do virus hợp bào chưa có vắc-xin phòng bệnh, PGS.TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; 

Tránh để trẻ sờ tay lên mặt, mũi, hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch; tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác nếu trẻ bị ho hoặc bị bệnh. 

Khi có triệu chứng chảy nước mũi trong, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc khó thở, giảm cảm giác thèm ăn thì cho con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Bên cạnh đó, trẻ mắc thủy đậu cũng ghi nhận tăng ở nhiều bệnh viện. Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nếu năm trước, cùng thời điểm này không ghi nhận ca mắc thủy đậu nào thì năm nay đã có 24 bệnh nhân khám và điều trị. 

Trong đó, có một số ca bội nhiễm mụn mủ nhiều, biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng.

Điển hình là trường hợp cháu bé 17 tháng tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, các vết phỏng mọc toàn thân kèm theo ho nhiều, tức ngực, kém ăn. 

Bệnh nhi được chẩn đoán thủy đậu biến chứng viêm phế quản phổi, kèm theo bội nhiễm tại các nốt phỏng thủy đậu và phải nằm điều trị kéo dài gần 2 tuần.

Mặc dù đến thời điểm này, Hà Nội chưa bùng phát dịch thủy đậu, tuy nhiên đã ghi nhận các ổ dịch rải rác, đặc biệt tại huyện Chương Mỹ đã ghi nhận 2 ổ dịch tại Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường Mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. 

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, riêng tại huyện này đã có gần 130 ca mắc. Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. 

Do vậy, phụ huynh cần tiêm phòng vắc-xin thủy đậu đầy đủ cho con. Bởi biến chứng của bệnh thủy đậu rất nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.

Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm.

Ngoài các dịch bệnh đang bùng phát trong nước, để chủ động phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh/thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.

Cụ thể, Cục Y tế dự phòng yêu cầu cập nhật thường xuyên các thông tin về các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống, truyền thông tại cửa khẩu. 

Thực hiện nghiêm, đầy đủ, đúng quy trình các hoạt động kiểm dịch y tế được quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

Đồng thời Cục Y tế dự phòng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh/thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch;

Đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2021/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế tại cửa khẩu.

Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại từng cửa khẩu, lưu ý cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để tổ chức tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế. 

Niêm yết, công khai mức thu, giá kiểm dịch y tế theo đúng quy định tại Thông tư số 240/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập và Thông tư số 51/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1).

Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đồng thời, phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tinh hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch.

Công bố kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 2023
Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư