Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tăng số trẻ mắc sởi và nhập viện do biến chứng
D.Ngân - 21/12/2024 10:25
 
Số ca mắc sởi tại Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, khoảng 30% các bệnh nhi mắc sởi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy.

Khuôn mặt đầy lo lắng, chị V.T.P (mẹ bé V.A.K, 7 tháng tuổi, trú Hoàng Mai, Hà Nội) khum nhẹ bàn tay, làm theo hướng dẫn của điều dưỡng để vỗ lưng giúp con dễ chịu hơn. Bé K. nhập viện với chẩn đoán biến chứng viêm phổi nặng do mắc sởi.

Bác sỹ đang điều trị cho bệnh nhi.

Chị P. chia sẻ, cách đây một tuần, con vừa điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi về nhà vài ngày, con lại xuất hiện sốt cao, ho và khó thở. Khi đưa cháu đi khám, bác sỹ kết luận con bị viêm phổi tái phát do biến chứng từ sởi. 

Cùng phòng, bé V.L.H.T, 3 tháng tuổi (Thanh Trì, Hà Nội), cũng đang ho liên tục khiến mẹ vô cùng lo lắng. Chị L.T.H, mẹ của bé T, cho biết, trước đó, con được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì phát hiện hạch ở nách. Không ngờ con bị lây nhiễm sởi từ cộng đồng. Con chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin sởi nên rất dễ mắc bệnh. Khi thấy con phát ban và sốt, tôi lập tức đưa con vào viện. Chỉ sau vài ngày, con đã bị viêm phổi.

Bé N.H.A, 2 tuổi (Phương Mai, Hà Nội), nhập viện cách đây 5 ngày sau khi sốt cao và phát ban toàn thân. Mẹ bé, chị H.T.H chia sẻ, gia đình chủ quan, không cho con tiêm vắc-xin vì nghĩ bé từng mắc sởi rồi, nhưng không ngờ lần này bệnh nghiêm trọng hơn và có biến chứng. May mắn sau điều trị, tình trạng của bé đã ổn định và dự kiến sẽ xuất viện sớm.

Trong khoảng ba tháng qua, số ca mắc sởi đã gia tăng đáng kể trên cả nước. Tại Hà Nội, hơn 200 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận, trong đó Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca kể từ khi chính thức hoạt động vào đầu tháng 10.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, khoảng 30% bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng.

Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Thời gian cách ly xã hội trong dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng, đồng thời phụ huynh thiếu cảnh giác với lịch tiêm nhắc lại. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng ca mắc, đặc biệt trong nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi – nhóm chưa đủ tuổi tiêm vaccine.

Để kiểm soát dịch bệnh, TS.Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch tiêm vắc-xin sởi. Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi.

Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sỹ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa như tăng cường miễn dịch, giữ vệ sinh cá nhân và theo dõi sát sao sức khỏe trẻ đóng vai trò không kém phần quan trọng.

Phụ huynh cần đảm bảo trẻ được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc đông người.

Thời điểm giao mùa không chỉ khiến số ca mắc sởi gia tăng mà còn phản ánh nguy cơ bùng phát của nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác.

Các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Khi phát hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao kéo dài, phát ban hoặc khó thở, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.

Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tử vong vì bệnh dại do gia đình chủ quan không tiêm vắc-xin
Mới đây, một trường hợp tử vong thương tâm do bệnh dại đã xảy ra tại xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư