Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tham vọng mới của “đế chế hàng không” IPP Group
Anh Minh - 11/05/2022 08:11
 
Hệ sinh thái dịch vụ hàng không của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của “ông trùm hàng hiệu” Nguyễn Hạnh đang dày lên với Dự án nhà ga hàng hóa sân bay quốc tế Long Thành.
IPP Group là đơn vị tư nhân đầu tiên gửi đề xuất tham gia đầu tư vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
IPP Group là đơn vị tư nhân đầu tiên gửi đề xuất tham gia đầu tư vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Xếp gạch” sớm

Mặc dù còn chờ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chấp thuận, thậm chí có thể phải trải qua bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng đến thời điểm này, IPP Group đang là đơn vị tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gửi đề xuất tham gia đầu tư vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn I.

Cụ thể, cuối tháng 4/2022, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP Group đã ký Văn bản số 118-22/CV-LTBD gửi Bộ GTVT xin được đầu tư vào hạng mục nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, nhà ga hàng hóa số 2, kho giao nhận hàng hóa sân bay Long Thành.

Cần phải nói thêm rằng, đây là các hạng mục thuộc Dự án thành phần 4, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa và được Thủ tướng giao Bộ GTVT toàn quyền tiến hành lên danh mục, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh công khai.

Giới thiệu trên website mình, IPP Group cho biết, sau nhiều năm phát triển, doanh nghiệp này đã phát triển hệ sinh thái lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Đáng chú ý, IPP Group chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp và trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng.

Ngoài hệ thống khu nhà bảo trì, sửa chữa máy bay; khu cung cấp xăng dầu; chế biến suất ăn hàng không, Dự án thành phần 4 còn bao gồm các hạng mục: nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh có diện tích 4,8 ha, công suất 100.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 8,89 triệu USD; nhà ga hàng hóa số 2 có diện tích 7,67 ha, công suất 550.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 189,58 triệu USD; hệ thống kho giao nhận hàng hóa với 8 kho, công suất 770.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 87,92 triệu USD.

Trong trường hợp được Bộ GTVT phê duyệt, IPP Group sẽ phải huy động khoảng 286,3 triệu USD. Quy mô đầu tư này sẽ đưa IPP Group trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai, sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn I.

Để chuẩn bị cho các dự án này, đầu tháng 4/2022, IPP Group đã tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bellazio Logistics, với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó IPP Group nắm 51% vốn điều lệ.

Theo bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, nếu được tham gia vào các dự án nói trên, IPP Group cam kết sẽ đầu tư các trang thiết bị, hệ thống vận hành kho bãi được áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới.

Hoàn thiện hệ sinh thái hàng không

Dù xuất thân là đơn vị kinh doanh, phân phối các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới tại Việt Nam, nhưng IPP Group đang lấn rất sâu và mạnh vào lĩnh vực hàng không.

Sau khi trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, IPP Group tham gia góp vốn vào Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh. Đây là doanh nghiệp đầu tư, vận hành Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa, với tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, được đưa vào khai thác hồi tháng 6/2018.

Hiện IPP Group đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo - doanh nghiệp do ông Nguyễn Hạnh trực tiếp làm Chủ tịch HĐQT; Tổng giám đốc và cũng là người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Thủy Tiên.

Mục tiêu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo là thành lập 1 hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba.

Hiện IPP Air Cargo đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Boeing về việc đặt mua 10 tàu bay B10 B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. “Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Tham vọng của IPP Group chưa dừng ở đây khi vào tháng 3/2022, đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tham gia đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) với các hạng mục lớn như nhà ga hành khách quốc tế, nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa và đường cất hạ cánh. Đây sẽ là những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái dịch vụ hàng không lớn nhất Việt Nam mà IPP Group đang hướng tới.

Liên quan đến đề xuất của IPP Group tại sân bay Long Thành, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP cho Dự án thành phần 4. “Ngay sau khi hoàn tất, chúng tôi sẽ công khai danh mục để kêu gọi đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ diễn ra công khai, minh bạch, tất cả các doanh nghiệp có năng lực đều sẽ có cơ hội như nhau”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.

Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho IPP Air Cargo gia nhập thị trường hàng không
Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch HĐQT sẽ là hãng bay đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư