Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thế giới Di động sẽ dừng chân?
Anh Hoa - 03/10/2017 10:12
 
Khi không thể vượt qua giai đoạn bão hòa và đi xuống, những người đứng đầu doanh nghiệp bán lẻ nội địa thường dễ đi đến quyết định chuyển nhượng để tìm cơ hội khác. Điều này liệu có đúng với Thế giới Di động?

Màn thâu tóm chốt hạ với Trần Anh

Cuối tuần qua, thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) Trần Anh - Thế giới Di động đã hé lộ thông tin mới về biến động nhân sự.

Cụ thể, Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) đã ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Đăng Linh vào vị trí quyền Giám đốc tài chính từ ngày 1/10/2017 đến hết ngày 30/9/2018 hoặc khi có quyết định khác thay thế. Ông Linh giữ chức Giám đốc tài chính của Thế giới Di động từ năm 2013 đến nay.

Theo đó, ông Linh được quyền ký kết các hợp đồng vay nhân danh Trần Anh, quản lý thu chi, ngoại trừ các hợp đồng vay yêu cầu người đại diện của Trần Anh ký kết. Đồng thời, ông Linh sẽ thực hiện các hoạt động quản lý khác với vai trò quyền Giám đốc tài chính và Chủ tài khoản của Trần Anh.

.
Thế giới Di động mua lại Trần Anh để gia tăng vị thế, thị phần khu vực miền Bắc

Bên cạnh việc bổ nhiệm ông Vũ Đăng Linh kiểm soát tài chính, TAG còn thông qua việc bổ nhiệm ông Võ Hà Trung Tín vào giữ chức vụ Phó tổng giám đốc. Ông Tín sẽ làm việc với vai trò người đại diện ký kết các giao dịch hợp đồng với bên thứ 3 để phục vụ hoạt động kinh doanh, vận hành của Trần Anh.

Ông Hà Trung Tín cũng là một trong những lãnh đạo cấp cao của Thế giới Di động và đang giữ chức Giám đốc miền Bắc của Điện máy Xanh.

Đây được xem như động thái tiếp quản đầu tiên của Thế giới Di động tại doanh nghiệp này sau khi cổ đông của Trần Anh đã thông qua chủ trương bán lại công ty cho Thế giới Di động.

Theo ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới Di động, thương vụ này đang đi vào giai đoạn cuối. Những thông tin chi tiết về tỷ lệ hay giá mua lại sẽ được hai bên công bố chính thức trong tháng 10 này.

Tin đồn “bán mình”

Thế giới Di động mua lại Trần Anh để gia tăng vị thế, thị phần khu vực miền Bắc đối với Điện máy Xanh là điều không ngạc nhiên cho giới đầu tư cũng như giới bán lẻ. Thậm chí, đây là tin tốt lành cho cả hai bên. Mô hình Trần Anh và Điện máy Xanh bổ trợ cho nhau để đi tắt được khá nhanh. Theo đó, hai bên sẽ phục vụ hai nhóm khách hàng khác nhau. Cụ thể, Điện máy Xanh phục vụ dưới dạng siêu thị mini tiện lợi, còn Trần Anh ở dạng đại siêu thị.

.

Tuy nhiên, thông tin khiến nhiều người giật mình là gần đây, giới kinh doanh trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ Việt Nam đồn đoán rằng, cùng với việc thực hiện một số thương vụ M&A với các đối tác trong lĩnh vực điện máy, dược phẩm, Thế giới Di động cũng sắp “bán mình” cho đối tác nước ngoài. Những động thái truyền thông mạnh mẽ trong thời gian qua nhằm phục vụ việc “bán mình” đó.

Thậm chí, có thông tin về cả dàn sáng lập viên của Thế giới Di động quyết định hưu non, nhường lại sân cho lớp kế cận, làm nhiều người trong giới bán lẻ lấy làm tiếc.

Họ tiếc vì những sáng lập viên này là lý tưởng, là bộ gene, là ngọn hải đăng... của doanh nghiệp này. Nếu lý tưởng không còn, bộ gene sẽ biến tướng, ngọn hải đăng sẽ tắt... và tinh thần chiến đấu sẽ khác. Điều này sẽ tác động tới tâm lý chung của những doanh nhân đang ngày đêm “cày cuốc” để vun vén cho vị thế trong ngành của mình, và trên hết là vì ngành bán lẻ Việt do chính người Việt làm chủ.

“Hàng loạt thương hiệu trong và ngoài nước phải thực hiện M&A để tự cứu mình. Điều này phần nào cho thấy, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Quan trọng hơn, việc này khiến tinh thần ham kinh doanh của nhiều người đi xuống”, giám đốc một chuỗi siêu thị bán lẻ ở Hà Nội cho biết.

Lời đồn trên cũng có lý, khi báo cáo mới nhất về thị trường bán lẻ của Savills Việt Nam cho biết, “khẩu vị” M&A tại thị trường Việt Nam của các ông lớn ngành bán lẻ nước ngoài ngày càng phổ biến và có xu hướng không ngừng tăng lên.

Không phải doanh nghiệp Việt Nam không muốn tiếp tục phát triển và xây dựng bền vững, mà do quy mô càng lớn thì khả năng vượt ra khỏi tầm kiểm soát càng cao. Khi không thể vượt qua giai đoạn bão hòa và đi xuống, những người đứng đầu doanh nghiệp bán lẻ nội địa thường dễ đi đến quyết định chuyển nhượng để tìm cơ hội khác.

Điều này có vẻ đúng khi Thế giới Di động đang tìm lối ra cho bài toán tăng trưởng trong thị trường bán lẻ công nghệ, di động đang có dấu hiệu bão hòa. Năm nay, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu gần 3 tỷ USD và muốn hướng đến con số 10 tỷ USD vào năm 2020. Nhiệm vụ là không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cửa hàng chủ lực của Thế giới Di động đang tăng trưởng chậm lại.

Bắt đầu từ cuối năm 2016, tốc độ mở rộng của Thế giới Di động chỉ còn 10 - 20 cửa hàng mỗi tháng, thay vì “mỗi ngày mở 2 cửa hàng” như giai đoạn trước đó. Thậm chí, trong những tháng vừa qua, số cửa hàng mở mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, doanh thu của Thế giới Di động vẫn chỉ khoảng 2.700 tỷ đồng/tháng, hiếm hoi mới có tháng vượt qua con số 3.000 tỷ đồng (là tháng cận Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao).

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), chuỗi cửa hàng điện thoại di động của Thế giới Di động đã xuất hiện dấu hiệu bão hòa khi giá trị đóng góp doanh thu vẫn lớn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Thị phần mảng này giữ nguyên ở mức 42%, trong khi trước đây, công ty thường giành thêm 1 - 2% thị phần trong mỗi quý.

Nguyên nhân, theo HSC, là do Công ty đã tận dụng gần như toàn bộ các vị trí có lưu lượng khách hàng tốt tại các địa phương. Tốc độ mở cửa hàng mới nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của thị trường, khiến cửa hàng mới cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng hiện tại, làm doanh thu gần như không tăng trưởng.

Chuỗi cửa hàng điện thoại di động của Thế giới Di động đã xuất hiện dấu hiệu bão hòa khi giá trị đóng góp doanh thu vẫn lớn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

Đối với điện máy, Thế giới Di động vẫn duy trì tốc độ mở rộng đúng như kế hoạch và tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng cũng sát với kỳ vọng là 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, động lực cho sự tăng trưởng chủ yếu đến từ phát triển chuỗi tại các thành phố cấp 2 và giành thị phần từ cửa hàng bán lẻ nhỏ. Trong khi đó, tại một số thị trường quan trọng ở phía Bắc, Công ty đang vấp phải sự cạnh tranh khá mạnh từ các chuỗi có sẵn.

Do đó, chuỗi cửa hàng Điện máy Xanh dường như là cứu cánh cho bài toán tăng trưởng của Công ty. Mọi động thái của Thế giới Di động vẫn đang cho thấy tham vọng mở rộng phạm vi hoạt động để tiếp tục tăng thị phần kinh doanh điện máy. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, ông lớn ngành bán lẻ công nghệ này đã mở thêm 414 siêu thị mới trên cả nước. Trong đó,

chỉ có 90 siêu thị Thegioididong.com, nhưng lại mở mới được 219 siêu thị Điện máy Xanh và 105 siêu thị trong chuỗi bách hóa xanh. Tính đến cuối tháng 8/2017, Thế giới Di động có 1.669 siêu thị, trong đó, chuỗi Thegioididong.com có 1.041 siêu thị, chuỗi Điện máy Xanh có 475 và 153 siêu thị Bách hóa Xanh.

Ngoài ra, mọi lời đồn đoán cũng xuất hiện sau khi Thế giới Di động xin ý kiến cổ đông tăng ngân sách thực hiện M&A trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó. Số tiền này ngoài, việc chi cho thương vụ mua lại Điện máy Trần Anh, Thế giới Di động còn tìm kiếm cơ hội M&A để kinh doanh dược phẩm. Đây là lĩnh vực đang còn nhiều dư địa để khai thác. Thậm chí, những đối tượng để M&A trong lĩnh vực này đã được chỉ rõ và nếu các thương vụ này diễn ra thuận lợi, Thế giới Di động có thể nâng chuỗi cửa hàng bán dược phẩm lên 500 - 800 cửa hàng.

Tuy nhiên, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới Di động khẳng định, hoàn toàn không có chuyện Thế giới Di động “bán mình”. “Nhiều khả năng, chúng tôi còn tìm mua thêm đối tác khác”, ông Doanh nói.

Đối với Thế giới Di động, ngành bán lẻ luôn phải rượt đuổi những mục tiêu... di động. Nếu một ngày nào đó, mục tiêu này chững lại thì cũng là lúc công ty dừng chân, nhường sân chơi bán lẻ công nghệ lại cho đối thủ. Lúc này, câu hỏi ai đủ sức mua Thế giới Di động vẫn còn bỏ ngỏ và họ vẫn đang trên bước đường trở thành “gã khổng lồ” trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Những toan tính của Thế giới Di động khi thâu tóm Trần Anh
Vốn hóa thị trường của TAG là 820 tỷ đồng, sau khi M&A thành công, MWG sẽ điều hành các cửa hàng hiện tại của TAG và giữ nguyên thương hiệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư