Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường đảo chiều chóng mặt, nhưng chốt năm 2022, Vinatex báo lãi gần 1.100 tỷ đồng
Thế Hải - 23/12/2022 13:00
 
Thị trường "đảo chiều", thuận lợi trong 9 tháng đầu năm, quý 4 đôt ngột chuyển xấu, song Vinatex vẫn cán đích vượt chỉ tiêu với mức lợi nhuận 1.090 tỷ đồng trong năm 2022.
Vinatex báo lãi gần 1.100 tỷ đồng trong năm 2022.
Vinatex báo lãi gần 1.100 tỷ đồng trong năm 2022.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu năm 2022 của Vinatex trong bối cảnh thị trường có nhiều cung bậc, nóng - lạnh bất thường.

Theo đó, Tập đoàn này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt đạt 19.535 tỷ và 1.090 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 14,6% so với năm 2021.

Lãnh đạo Vinatex nói đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường khó khăn về đơn hàng, lao động và có dấu hiệu xấu đi từ tháng 9. Đồng thời cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén trong công tác dự báo và điều hành của HĐQT, Cơ quan điều hành Tập đoàn, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống Tập đoàn.

"Tại thời điểm 9 tháng năm 2022 lợi nhuận đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Nhưng, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý IV/2022, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng  giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại", ông Trường kể.

Nhiều nhà mua lớn trước đây đặt hàng chục nghìn sản phẩm, giờ còn khoảng 1.000, thậm chí chỉ vài trăm sản phẩm cho mỗi đơn hàng, doanh nghiệp rất sốc. Trong bối cảnh thị trường đột ngột chuyển xấu, các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất, giữ người lao động, tối đa hoá lợi thế, điều phối giữa các đơn vị thành viên để cân đối, tận dụng sản xuất trong chuỗi cung ứng nội bộ, đảm bảo dòng tiền...

Về tổng thể toàn ngành, xuất khẩu dệt may năm 2022 vẫn đạt trên 44 tỷ USD, tăng hơn 10%,  trong đó, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, với hơn 18 tỷ USD. Kế đến là Hàn Quốc 4,2 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc gần 4 tỷ USD...

Với mức tăng trưởng hai con số năm nay, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 sau Bangladesh, nhưng xét về quy mô kim ngạch xuất khẩu thì đứng thứ 3, sau Trung Quốc và Bangladesh. 

Dự báo dệt may năm 2023, ông Trường nói, ngành dệt may sẽ xấu hơn năm 2022 và lúc này, tình hình 3 tháng đầu năm sẽ "chưa có gì sáng sủa hơn quý cuối năm 2022". Từ quan điểm này, ông Trường nêu: "Đối với ngành dệt may, phải làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi trong chuỗi cung ứng, giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường". 

Cùng với giải pháp trọng tâm để giữ được hai tài sản chiến lược về lao động; giữ được đối tác tên tuổi trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần tập trung cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí, đổi mới công nghệ, tự động hóa, đầu tư sản xuất theo nhu cầu và đòi hỏi từ các nhà nhập khẩu lớn tại Mỹ, EU...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư