Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường Trung Quốc thay đổi lâu rồi, nhiều doanh nghiệp không chịu hiểu, nên bị động
Thế Hoàng - 07/03/2022 22:49
 
Tập quán sản xuất, chế biến theo hướng xuất khẩu tiểu ngạch đã ăn sâu đang đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản Việt Nam ra xa khỏi thị trường Trung Quốc quen thuộc.
Chuẩn hóa khâu sản xuất, chế biến, đóng gói để nâng cao chất lượng nông sản là con đường
Chuẩn hóa khâu sản xuất, chế biến, đóng gói để nâng cao chất lượng nông sản là con đường bền vững nhất của doanh nghiệp.

Đối với thị trường Trung Quốc, xưa nay nông dân, doanh nghiệp vẫn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như chợ huyện, cứ trồng, cấy, đến ngày thu hoạch là chất lên xe rồi mang lên biên giới. Với cách làm này, hàng hóa xuất đi theo đường tiểu ngạch, qua đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ, qua các đầu mối trung gian, nên không có hợp đồng hoặc các chứng từ thương mại.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích, cách này dễ làm, không đòi hỏi đầu tư công nghệ, đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất theo hệ thống các tiêu chuẩn.

"Thị trường Trung Quốc đã thay đổi, không còn dễ tính nữa, nhưng nhiều doanh nghiệp không theo kịp, chỉ muốn làm dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch, nên bị động trước các đỏi hỏi mới", ông Chinh nói.

Để giải bài toán này, ông Chinh cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đến 3 công đoạn, dù chọn xuất khẩu theo cửa khẩu chính hay phụ.

Thứ nhất là, phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường.

Thứ hai là, tổ chức xuất khẩu bài bản, trong đó làm rõ vai trò các địa phương, cơ quan hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật. Nguyên tắc là các thủ tục hành chính thuận lợi, thông tin công khai, minh bạch.

Thứ ba là hiểu rõ thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO, các hiệp định định RCEP, FTA  ASEAN-Trung Quốc nên phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc trong các hiệp định.

Tuy nhiên, để "học và hành" được các công đoạn trên, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, doanh nghiệp sẽ cần thời gian và cả quyết tâm thay đổi 

"Để chuyển đổi hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch, phải hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng. "Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều, doanh nghiệp phải cập nhật và tuân thủ", ông Bình nói.

Nhưng thực tế, theo bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho dù thông tin về Lệnh 248, 249 từ phía Trung Quốc được công bố  một thời gian khá dài, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân trực tiếp sản xuất chưa nắm đầy đủ, chưa hiểu rõ các thông tin này. 

Phải nhắc lại, giữa tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Lệnh 248 quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài. Những thay đổi này tiệm cận với các tiêu chuẩn của các nước phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có lộ trình thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.

Tất nhiên, những thay đổi này là khó khăn, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thẳng thắn cho rằng, nếu không khởi hành thì sẽ không có kết thúc.

"Trong quá trình này, sẽ có phần việc của các cơ quan trung ương, có phần việc của địa phương, có phần trách nhiệm của hiệp hội, doanh nghiệp... Mục tiêu là phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường", người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 22/2, có 1.656 doanh nghiệp Việt Nam được cấp mã số để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiếp tục làm đầu mối trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc và phối hợp với các Bộ Công thương, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý tại các địa phương để thúc đẩy tiến độ đăng ký, cấp mã số cho doanh nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Bộ Công thương, Bộ Y tế trực tiếp hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm theo thẩm quyền quản lý....

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục tăng cường đôn đốc và trao đổi với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248, 249

Quy mô 1,4 tỷ dân, nhu cầu nhập khẩu nông sản hàng trăm tỷ USD, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu mơ ước với bất kỳ quốc gia nào. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, nông sản Việt Nam cần chuẩn hóa các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng để tăng tốc khai thác thị trường tỷ dân này.

Chuyển nhanh, chuyển mạnh xuất hàng sang Trung Quốc theo hình thức chính ngạch
Để tránh ùn tắc, tồn đọng hàng hóa khi Trung Quốc thay đổi quy trình kiểm tra hàng hóa, các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư