Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Think Tank Mỹ: Washington - Bắc Kinh vẫn bất hòa dưới thời Tổng thống Joe Biden
Lê Quân - 26/01/2021 15:12
 
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn dĩ đã trở nên xa cách trước khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống và xu hướng này tiếp tục dưới thời chính quyền Joe Biden.
Thay vì hội nhập hợp tác, hai siêu cường kinh tế thế giới có xu hướng tách biệt trong nhiều lĩnh vực từ thương mại đến công nghệ. Ảnh: AFP
Thay vì hội nhập hợp tác, hai siêu cường kinh tế thế giới có xu hướng tách biệt trong nhiều lĩnh vực từ thương mại đến công nghệ. Ảnh: AFP

Doanh nghiệp Mỹ khó trụ lại Trung Quốc

Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông William Reinsch, cho rằng: "Ông Trump đã làm mọi thứ tồi tệ hơn. Nhưng phải khẳng định rằng, sự chia rẽ trong quan hệ Mỹ - Trung đã bắt đầu trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống và xu hướng này sẽ tiếp tục, dù ông Joe Biden có làm gì đi nữa. Tôi không nghĩ ông ấy (Biden) sẽ ra lệnh cho các công ty rời đi (thị trường Trung Quốc), nhưng tôi cũng không cho rằng ông ấy sẽ khuyến khích họ ở lại".

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang trong những năm gần đây. Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận "đình chiến" - thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, nhưng mâu thuẫn hai bên không dừng ở thương mại, mà còn lan sang các lĩnh vực khác như công nghệ và tài chính. Điều này dẫn đến những lo ngại rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể "tách biệt". Nghĩa là, thay vì hội nhập hợp tác, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tách biệt trong nhiều lĩnh vực từ thương mại đến công nghệ.

Trong khuôn khổ Chương trình nghị sự Davos năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Reinsch nhận định: "Doanh nghiệp Mỹ khó lòng 'sống' được ở Trung Quốc". "Thành thật mà nói, những hành động gần đây của Trung Quốc đã khiến các công ty rất khó trụ lại ở đó, đặc biệt là những công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ", ông Reinsch nói thêm.

Theo chuyên gia này, những hành động trên bao gồm cả việc Trung Quốc được cho là đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm người thiểu số sống chủ yếu ở phía Tây Trung Quốc.

Ngoài "think tank" uy tín toàn cầu như Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Viện Chính sách Chiến lược Australia cũng chung nhận định rằng, người Duy Ngô Nhĩ đã được chuyển đến các nhà máy khắp Trung Quốc và bị ép buộc làm việc.

Theo kênh truyền hình CNBC, Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động Mỹ cũng đã ban hành các báo cáo ghi nhận tình trạng người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc phản bác những cáo buộc trên là "thông tin sai lệch", đồng thời khẳng định vào tháng 12/2020 rằng, "tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương đều lựa chọn nghề nghiệp theo ý muốn của họ".

Tờ New York Times đưa tin vào cuối năm 2020 rằng Apple, Nike, và Coca-Cola đã vận động hành lang nhằm suy yếu dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa có liên quan đến lao động cưỡng bức. Nike cho biết hãng này đã vận động chống lại dự luật trên, trong khi Apple và Coca-Cola khẳng định hai doanh nghiệp này cấm chuyện lao động cưỡng bức và tiến hành kiểm tra các chuỗi cung ứng nhằm thực thi các quy định liên quan.

Ngoài ra, chuyên gia William Reinsch từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cũng cho rằng các hành động "gây hấn" của Trung Quốc trên Biển Đông, vốn là điều gây tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc tuyên bố hầu hết 1,4 triệu dặm vuông của Biển Đông là “của riêng”, mặc dù phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague đã bác bỏ tuyên bố này.

“Những (hành động) này có tác động đến doanh nghiệp Mỹ, rất khó để (họ) khẳng định tiếp tục làm ăn với Trung Quốc trong tình huống đó,” ông Reinsch nói.

Đề cập đến lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự tự cường nhiều hơn, ông Reinsch cho rằng: “Các chính sách của Trung Quốc là phần quan trọng của vấn đề. Và tôi nghĩ rằng nếu thỉnh thoảng bạn lắng nghe những đánh gía của ông Tập Cận Bình (Chủ tịch Trung Quốc), thì ông Tập Cận Bình đang ủng hộ mức độ tách biệt nhất định".

"Khúc dạo đầu" cho đàm phán ngoại giao

Cuối tuần qua, căng thẳng Mỹ - Trung dường như trở nên nghiêm trọng hơn. Reuters đưa tin, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan vào hai ngày 23 và 24/1, trong khi Đài Loan đã phản ứng bằng cách cử lực lượng không quân riêng đến giám sát hoạt động này.

Trong một tuyên bố liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng gây sức ép lên Đài Loan. Mỹ cũng đã điều một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tiến vào Biển Đông để thúc đẩy “quyền tự do trên biển”.

Tuy nhiên, Li Daokui, Giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) cho biết ông không "lo lắng nhiều" trước những diễn biến ở Đài Loan.

“Tôi tin rằng... (đó) là khúc dạo đầu cho một vòng đàm phán ngoại giao mới giữa ... Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, trước bất kỳ cuộc đàm phán nào, bạn phải thực hiện một số động thái để thể hiện... quan điểm tổng thể của mình", GS. Li Daokui bình luận.

Chính quyền Biden "rất cứng rắn" với Trung Quốc là điều không còn nghi ngờ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ duy trì lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, theo ông Kishore Mahbubani, học giả cao cấp tại Viện Nghiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư