Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Thuốc và thực phẩm chức năng giả hoành hành
Hải Vân - 02/10/2022 07:36
 
Sau đại dịch Covid-19, thị trường thuốc và thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc, nhập nhèm nhãn mác xuất xứ gia tăng. Nhiều công nghệ chống hàng giả đã được các công ty dược phẩm áp dụng, nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Cán bộ quản lý thị trường phát hiện sâm Ngọc Linh giả
Cán bộ quản lý thị trường phát hiện sâm Ngọc Linh giả

Lừa dối người tiêu dùng

Tại Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”, do Viện Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức mới đây tại TP.HCM, các chuyên gia dẫn lời cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, 1/10 số thuốc được bán ra ở các nước đang phát triển là giả hoặc không đạt tiêu chuẩn, khiến hàng chục ngàn người tử vong mỗi năm.

Theo bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân ngày càng gia tăng. “Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả, đa số là kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng”, bà Hà nói.

Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc. Điều này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp thuốc dùng cho đường tiêm hoặc dùng cho những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2022 tới nay, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện 60 vụ về quảng cáo sai về chất lượng công dụng thuốc; hơn 350 vụ giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; 34 vụ tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; 162 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện chiếm nhiều nhất, với 982 vụ, tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng; cơ quan chức năng xử phạt hơn 6,6 tỷ đồng.

PGS-TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc cho hay, ngoài thuốc thì thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh. Có điều, thực phẩm chức năng hiện được quảng cáo công dụng quá sức tưởng tượng, lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài việc quảng cáo sai sự thật, cũng phổ biến hiện tượng làm giả. Bà Kim Anh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh V.N bức xúc, có đến 90% sâm Ngọc Linh trên thị trường là sâm giả. Thậm chí, có đối tượng còn lấy cây tam thất lừa là cây giống sâm Ngọc Linh để bán, khiến người nông dân vô cùng khốn khổ khi trồng sau 5 năm đến kỳ thu hoạch mới vỡ lẽ.

Tem chống giả bị làm giả đẹp hơn hàng thật

Nói về khó khăn trong việc phát hiện thuốc giả, bà Nguyễn Diệu Hà chia sẻ, thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau.

“Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty dược phẩm áp dụng, nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi. Thậm chí, các đối tượng đã làm giả cả… tem chống giả, còn đẹp hơn tem do cơ quan nhà nước in”, bà Hà nói.

Trong khi đó, theo PGS-TS Lê Văn Truyền, việc bùng nổ tình trạng kinh doanh online, quảng cáo qua mạng xã hội, Internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, bán hàng đa cấp, chuyển hàng qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển… đã tạo điều kiện cho thuốc và thực phẩm chức năng giả được tiêu thụ trót lọt ra thị trường.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lê, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, thuốc giả tràn lan còn do người tiêu dùng vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng. Ngoài ra, việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh; sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan còn chưa cao, chưa đồng bộ, cũng như hạn chế về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng của lực lượng quản lý thị trường, khiến việc chống lại vấn nạn này rất khó khăn.

Doanh nghiệp phải “cao tay” hơn

PGS-TS. Lê Văn Truyền cho rằng, với lợi nhuận kếch sù của các hoạt động buôn lậu và hàng giả, giới tội phạm đã đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, đòi hỏi doanh nghiệp phải “cao tay” hơn.

Liên quan vấn đề này, bà Kim Anh cho hay, để bảo vệ các sản phẩm của mình, Công ty TNHH Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh V.N đã phải gắn chip TrueData cho từng cây sâm Ngọc Linh. Chíp ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng để chống giả.

Nhiều chuyên gia còn khuyến nghị, các nhà sản xuất chân chính cần kết hợp nhiều giải pháp khoa học - công nghệ như: công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn trên hệ thống mã hóa (blockchain), Internet vạn vật (IoT), nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID), xử lý ảnh kỹ thuật số (IP)… để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo.

Đặc biệt, giải pháp áp dụng công nghệ RFID - sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận người tiêu dùng, được khuyến nghị các nhà sản xuất sử dụng.

“Nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn công nghệ tội phạm dùng, thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng”, PGS-TS. Lê Văn Truyền khẳng định.

Nhức nhối vấn nạn thực phẩm chức năng chứa chất cấm
Thực phẩm chức năng ngậm chất cấm vẫn liên tục được phát hiện khiến người tiêu dùng bất an.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư