Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Thương hiệu, tài sản góp sức "nâng tầm" doanh nghiệp
 
Theo đánh giá của các chuyên gia định giá thương hiệu, tài sản vô hình của doanh nghiệp, điển hình là thương hiệu, chưa bao giờ trở nên quan trọng như hiện nay.

Báo cáo Theo dõi Tài sản tài chính vô hình toàn cầu 2016 (GIFT) cho thấy, trong năm 2015, tài sản vô hình, trong đó giá trị thương hiệu đóng góp tỷ trọng lớn, chiếm tới 48% giá trị của các công ty niêm yết. Giá trị tài sản này đã tăng liên tục kể từ khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, thể hiện sự thay đổi đáng kể cán cân giữa tài sản vô hình và hữu hình trong cấu thành giá trị doanh nghiệp.

Theo ông Rick Yvanovich, Giám đốc điều hành Công ty Cung cấp dịch vụ IT và giải pháp công nghệ TRG, tài sản vô hình đang ngày càng trở nên quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn, làm nên giá trị gia tăng khổng lồ cho doanh nghiệp.

“Trước đây, các công ty thường dựa vào tài sản hữu hình như nhà máy, bất động sản, thiết bị để xây dựng giá trị của mình. Tuy nhiên, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, sở hữu trí tuệ, dữ liệu, nguồn lực nhân sự và khách hàng, đã trở thành kim chỉ nam và là tài sản làm nên giá trị lớn cho doanh nghiệp”, ông Yvanovic nói.

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành của Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương chỉ ra rằng, thương hiệu là một trong những yếu tố tác động quan trọng và lớn nhất đối với giá trị cổ phiếu và doanh số kinh doanh.

“Nếu trên 50% giá trị công ty nằm trong tài sản vô hình, việc quản lý thương hiệu như một tài sản kinh doanh chiến lược là hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, trong cạnh tranh, doanh nghiệp có thương hiệu mạnh luôn thuận lợi hơn nhiều so với doanh nghiệp có thương hiệu thấp hơn ”, ông Samir cho biết.

Tại Việt Nam, theo ước tính của công ty định giá thương hiệu Brand Finance, tính dến cuối 2015, giá trị tài sản vô hình đạt khoảng 21 tỷ USD, chiếm 26% tổng giá trị doanh nghiệp tại Việt Nam. Báo cáo Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2016 vừa được hãng định giá thương hiệu này công bố cho thấy, ngành Viễn thông có giá trị tài sản vô hình cao nhất, ước đạt 2,1 tỷ USD, tiếp đó là ngành Thực phẩm và đồ uống với tổng giá trị ước đạt 1,6 tỷ USD. Đáng chú ý, các thương hiệu lớn của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này như Mobifone, Vinafone và Viettel đều có những bước tiến ngoạn mục về tốc độ tăng trưởng thương hiệu. Bên cạnh đó, Vinacafe Biên Hòa là thương hiệu có giá trị cao nhất, đạt 58% tổng giá trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Brand Finance, mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, song giá trị tài sản vô hình này của Việt Nam mới tương ứng 1% tổng giá trị tài sản vô hình trong các nuớc ASEAN và thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 53%.

Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Tư vấn thương hiệu Mibrand, mặc dù trong những năm gần đây, việc xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị vô hình và giá trị tài sản đích thực cho doanh nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng, song trên thực tế, việc tạo dựng thương hiệu mạnh và quan điểm xây dựng thương hiệu hướng tới phát triển bền vững vẫn chưa thực sự “ngấm” trong các doanh nghiệp.

“Xây dựng thương hiệu không chỉ dể phục vụ bán hàng, mà là cơ hội để bán thêm những giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ. Thương hiệu mạnh hơn cũng sẽ đem lại doanh thu cao hơn. Các nhà đầu tư cũng sẽ sẵn sàng trả cao hơn cho các công ty có thương hiệu mạnh. Do đó, đầu tư vào thương hiệu chính là đầu tư cho tương lai”, ông Mạnh phân tích.

Một điểm yếu cố hữu hiện nay của các doanh nghiệp Việt được các chuyên gia định giá thương hiệu chỉ ra, đó là phần lớn trong số họ vẫn chưa nhận thức được thương hiệu là một tài sản quý giá mà họ có thể chuyển hóa thành tiền. Điều này dẫn tới sự thiệt thòi lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt trong các thương vụ M&A, do giá trị của tài sản vô hình như thương hiệu bị định giá thấp.

Theo phân tích của Công ty Mibrand, trong hầu hết các truờng hợp, giá trị của tài sản vô hình được dựa trên lợi thế thương mại giữa bên mua và bên bán, mà không được tính toán một cách hợp lý. Thậm chí, trong một số truờng hợp, bên mua còn từ chối trả tiền cho giá trị thương hiệu và giá của thương vụ chỉ giới hạn trong tài sản hữu hình.

Ðiều này gây bất lợi lớn cho bên bán, khi đã mất rất nhiều công sức vào việc xây dựng thương hiệu. Ðiểm hạn chế trong thông lệ mua bán này là do thực tế định giá giá trị thương hiệu vô hình vẫn còn là một khái niệm mới tại Việt Nam, trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nhận thức và đánh giá đúng giá trị đích thực của thương hiệu. Theo ông Mạnh, đây là một quan điểm mà cộng đồng kinh doanh Việt nên thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Techcombank lọt Top những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016
Được định giá tới 2.000 tỷ đồng (tương đương 88 triệu USD), Techcombank đứng vị trí thứ 18 trong danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư