Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 12 năm 2024,
Thương mại điện tử khởi sắc nhờ ứng dụng chuyển đổi số
Nguyễn Linh - 08/11/2024 11:31
 
Thương mại điện tử tiếp tục là điểm sáng trong kinh tế số Việt Nam trong 9 tháng từ đầu năm 2024. Thị trường này duy trì tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023.

Sáng 8/11, tại Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử”.

Đây là một trong những hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố kết nối với doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số nói chung của doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa nói riêng.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Hà Nội cho biết, chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ đi ra toàn cầu. 

“Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Năm 2024, chủ đề chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ xác định là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”.

Trước đó, tháng 6/2024, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”. Với tinh thần “Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển”, TP.Hà Nội xác định các mục tiêu và nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số. 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là việc tạo tập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số. Trong thời gian qua, các cơ quan của Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số giới thiệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp khác trên địa bàn Thành phố.

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng xã hội số, quốc gia số thì kinh tế số là một phần tất yếu không thể tách rời và có tính chất quyết định sự thành công của tiến trình phát triển đất nước. 

“Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, là lĩnh vực tiên phong của nền Kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và Chuyển đổi số”, ông Trung khẳng định.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 20 - 25% một năm. Trong 9 tháng từ đầu năm 2024, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử đạt hơn 227.000 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước. 

Dự báo năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng lên 39 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Theo Báo cáo New E-Commerce của Bain & Company, đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD.

“Nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng tôi cam kết đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.”, ông Trung nói.

Toàn cảnh Hội thảo.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, để đảm bảo vị thế trên thị trường ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần ứng dụng các giải pháp số hóa nhằm tối ưu hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi mô hình kinh doanh. 

Một trong những giải pháp quan trọng là tối ưu hóa và tự động hóa quy trình vận hành thông qua các công nghệ như RPA (Robotic Process Automation) giúp tiết kiệm chi phí, giảm sai sót và cải thiện hiệu quả quản lý từ tài chính đến chăm sóc khách hàng. 

Việc xây dựng chuỗi cung ứng số với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến như Internet of Things (IoT), Big Data, Blockchain và Machine Learning giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất, quản lý tồn kho và chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ứng dụng nhà máy thông minh giúp tự động hóa quy trình sản xuất, tăng hiệu quả vận hành và giảm chi phí.

Trong mảng trải nghiệm khách hàng, doanh nghiệp cần mở rộng hệ thống bán hàng đa kênh từ cửa hàng trực tiếp, website, đến các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Sử dụng phần mềm quản trị quan hệ khách hàng (CRM) giúp doanh nghiệp theo dõi hành vi tiêu dùng, tăng cường tương tác và cải thiện dịch vụ, từ đó nâng cao mức độ hài lòng và trung thành của khách hàng. 

“Các chiến lược như thiết kế trải nghiệm khách hàng ấn tượng và cá nhân hóa dịch vụ dựa trên công nghệ AI, phân tích dữ liệu và thực tế ảo giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn sâu đậm và gắn kết khách hàng lâu dài”, bà Ngân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Ngân cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự. Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức này, các giải pháp cụ thể được đề xuất bao gồm cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, thiết lập chính sách thuế ưu đãi cho các hoạt động số hóa, và cung cấp các gói tài trợ trực tiếp cho các dự án chuyển đổi số. 

Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số và tư vấn từ các chuyên gia sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa  nắm bắt công nghệ mới, xác định lộ trình và triển khai các giải pháp số hóa hiệu quả. Chính quyền địa phương cũng cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ như mạng 5G và xây dựng quy hoạch thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

“Các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ bắt kịp xu hướng số hóa mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào nền kinh tế số.”, bà Ngân đánh giá.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng đã giới thiệu nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội như: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thương mại điện tử & Bài học kinh nghiệm quốc tế từ VMO; Tăng trưởng bền vững với chiến lược thương mại điện tử đa nền tảng dành cho doanh nghiệp SMEs;...

 

Chuyển đổi số đặt ra nhiều vấn đề mới đối với nghề luật và đào tạo luật
Sự phát triển công nghệ, chuyển đổi số đã đặt ra nhiều vấn đề mới, xuất hiện các lĩnh vực pháp lý mới, đòi hỏi sự cập nhật và thích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư