Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thương vụ khủng khuấy động thị trường M&A công ty tài chính
Thùy Liên - 03/05/2021 09:09
 
VPBank đã chính thức bán 49% cổ phần công ty tài chính cho đối tác Nhật Bản, trong khi SHB và MSB cũng dự kiến hoàn thành thương vụ tương tự trong năm nay.
VPBank vừa ký kết bán 49% vốn tại Công ty Tài chính FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF)

Sau thương vụ tỷ USD của VPBank, nhiều thương vụ khác chuẩn bị chốt

Ngân hàng VPBank vừa ký kết bán 49% vốn tại Công ty tài chính FE Credit cho Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF), công ty con của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC, Nhật Bản). Giá trị thương vụ lên tới 1,37 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Kế hoạch bán 49% vốn tại FE Credit đã được Chủ tịch VPBank tuyên bố tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020. Tuy nhiên, thương vụ diễn ra chậm so với dự kiến do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Từ khi thành lập đến nay, FE Credit đã đóng góp cho VPBank trên dưới 20.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Sự xuất hiện của Tập đoàn SMBC tại FE Credit tiếp tục cho thấy, các tập đoàn tài chính Nhật Bản vẫn rất quan tâm đến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Trước đó, Ngân hàng HDBank và Ngân hàng MB cũng đã bán 49% vốn cho đối tác Nhật Bản (Credit Saison và Shinsei Bank).

Ngoài VPBank, nhiều ngân hàng khác cũng lên kế hoạch bán lại phần lớn cổ phần nắm giữ tại công ty tài chính, như SHB, MSB.

Ông Võ Đức Tiến, Phó chủ tịch SHB cho biết, ngân hàng này đã lựa chọn được một số đối tác lớn và đang đàm phán để thoái vốn tại SHB Finance, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Trong khi đó, MSB, sau khi đàm phán thất bại với Hyundai Motor (Hàn Quốc) trong việc bán 50% cổ phần Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) với giá 42 triệu USD, cũng đang ráo riết đàm phán với đối tác khác.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho hay, năm 2020, MSB ký kết hợp đồng bán 50% vốn FCCOM cho Hyundai Card. Toàn bộ quá trình chuyển đổi, đánh giá đã gần như kết thúc. Tuy nhiên, cuối năm 2020, các cổ đông lớn của Hyundai lại chuyển hướng kinh doanh tại Việt Nam và châu Á, nên không hoàn thành thương vụ này. Phía Hyundai cũng đã bồi thường một phần cho MSB.

“MSB đang làm việc với một đối tác nước ngoài khác, hiện gần như kết thúc quá trình đàm phán để định giá, hy vọng việc thoái vốn khỏi FCCOM sẽ mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn cho MSB”, ông Linh kỳ vọng.

Trong khi đó, TPBank đang có kế hoạch tham gia sân chơi tài chính tiêu dùng. Lãnh đạo TPBank cho hay, cho vay tiêu dùng là lĩnh vực rủi ro, song lợi nhuận cao. TPBank đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục với Ngân hàng Nhà nước và đàm phán với đối tác để tham gia cơ cấu lại một công ty tài chính đang chịu kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước . Tuy vậy, việc có sở hữu công ty ty tài chính năm nay hay không còn phụ thuộc quy trình, thủ tục. Quan điểm của TPBank là nếu tham gia sân chơi tài chính tiêu dùng, thì vẫn phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro.

Thị trường tiếp tục sôi động, song không hề dễ “ăn”

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho rằng, dù thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam những năm qua có tốc độ phát triển rất nhanh, song quy mô thị trường chưa tương xứng với tiềm năng của dân số Việt Nam. Do đó, ông Kalidas kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của thị trường này sẽ ở mức 2-3 lần so với hiện tại.

Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến ngành cho vay tiêu dùng trên thế giới sụt giảm mạnh, song tại Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn hoạt động khá tốt.

Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến ngành cho vay tiêu dùng trên thế giới sụt giảm mạnh, song tại Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn hoạt động khá tốt.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, cho vay tiêu dùng là ngành có nhiều cơ hội bứt phá. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn, bởi triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế (6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2030), tăng thu nhập của người dân (khoảng 6%/năm đến năm 2030) là tương đối khả quan, trong khi quy mô tài chính tiêu dùng còn khiêm tốn.

Tuy vậy, để tồn tại trong thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, các công ty tài chính phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch.

Trên thực tế, dù triển vọng thị trường còn rất lớn, song việc NHNN siết chặt quản lý cộng với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn khiến tài chính tiêu dùng không phải là miếng bánh dễ xơi. Thực tế, SHB sau hơn 3 năm mua lại Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) và đổi tên thành SHB Finance vẫn chưa thể bứt phá.

Tương tự, MSB sau khi mua Tài chính dệt may (FCCOM hiện nay) vẫn chưa thể vực dậy công ty này. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận của FCCOM chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.

Thương vụ M&A khủng nhất lĩnh vực ngân hàng: SMBC chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn FE Credit
Ngân hàng TMCP VPBank tiết lộ, thương vụ bán 49% vốn FE Credit mang về cho Ngân hàng 1,37 tỷ USD (tương đương 31.500 tỷ đồng), là thương vụ có giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư