Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Thủy sản 4 bất ngờ chuyển lãi thành lỗ sau kiểm toán
Thanh Thủy - 14/05/2020 14:37
 
Kết quả thua lỗ sau kiểm toán kéo phần lợi nhuận tích lũy đến cuối năm 2019 của doanh nghiệp thủy sản này còn vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Thủy sản 4, cũng như không ít doanh nghiệp khác trong bối cảnh khó khăn chung vì đại dịch, đã trễ hẹn công bố thông tin tới vài tháng so với quy định.

CTCP Thủy sản số 4 (mã TS4) đầu tháng 5 vừa qua đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, bất ngờ báo lỗ dù trước đó công bố khoản lãi trước thuế 2,77 tỷ đồng.

Giải trình về sự đảo chiều của lợi nhuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lực cho biết kiểm toán viên đã ghi nhận thêm 11,5 tỷ đồng chi phí lãi vay, trong khi trước đó, các khoản này được hạch toán vào chi phí dở dang trên bảng cân đối tài sản doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh thu bán hàng giảm nhẹ gần 160 triệu đồng, còn giá vốn lại tăng hơn 4,39 tỷ đồng cũng làm thay đổi đáng kể kết quả kinh doanh sau kiểm toán.

Như vậy, doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2019 chỉ còn 200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm trước đó. Mức giảm “khủng” trên một phần cũng do kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến ở năm 2018. Nhưng cũng phải nói thêm rằng đây là mức doanh thu thấp nhất của Thủy sản 4 kể từ năm 2009 đến này.

Điểm đáng chú ý là tỷ suất lợi nhuận gộp bất ngờ ở mức rất cao (gần 32%), dù đã thu hẹp lại so với báo cáo tự lập. Lợi nhuận gộp do đó chỉ giảm 23%, thu về 63 tỷ đồng.

Không kể chi phí giá vốn, chi phí tài chính là khoản chi lớn nhất của Thủy sản 4 các năm gần đây. Nguyên nhân bởi doanh nghiệp thủy sản này phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Tỷ lệ nợ đến cuối năm 2019 là 78%, trong khi mức đòn bẩy tài chính cuối năm 2018 thậm chí còn ở mức 87%.  

Riêng các khoản vay nợ tính lãi suất đã xấp xỉ 680 tỷ đồng, tương đương 57% tổng nguồn vốn. So với thời điểm năm 2018, cơ cấu nợ vay ghi nhận sự thay đổi đáng kể. Dư nợ với ngân hàng giảm, nhưng bù lại, Thủy sản 4 đang đi vay một số cá nhân là lãnh đạo doanh nghiệp như khoản vay với ông Nguyễn Văn Lực (68,6 tỷ đồng), bà Đỗ Thanh Nga – Phó tổng giám đốc (11,1 tỷ đồng).

Quý I vừa qua tiếp tục là một kỳ kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp thủy sản này. Công ty chỉ thu về gần 29 tỷ đồng doanh thu và hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Dù các khoản chi phí đều được tiết giảm, kể cả chi phí tài chính, Thủy sản 4 vẫn lỗ 2,9 tỷ đồng.

Kết quả thua lỗ sau kiểm toán kéo phần lợi nhuận tích lũy đến cuối năm 2019 của doanh nghiệp thủy sản này còn vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Tính thêm khoản lỗ quý vừa qua, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng.

Chậm trễ công bố thông tin

Thủy sản 4 là một trong 20 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE chậm trễ công bố thông tin theo báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán hồi cuối tháng 4. Năm nay, một số doanh nghiệp phải trì hoãn và có đơn tạm hoãn công bố thông tin vì lý do bất khả kháng dịch Covid-19. 

Theo quy định, việc chậm trễ công bố thông tin có thể sẽ khiến cổ phiếu của doanh nghiệp bị đưa vào diện cảnh báo, và không còn được nằm trong danh sách các cổ phiếu được phép ký quỹ. Mới đây, một doanh nghiệp thủy sản khác là CTCP Hùng Vương đã buộc tạm dừng giao dịch kể từ 15/5 do bị HoSE đưa bào diện kiểm soát đặc biệt. Cổ phiếu HVG trước đó đã nằm trong nhóm cổ phiếu bị kiểm soát do ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, công bố thông tin báo cáo tài chính chậm trễ đã khiến Sở giao dịch phải áp dụng hình phạt nặng hơn cho cổ phiếu này. Hùng Vương vừa qua đã chuyển đổi niên độ tài chính, thay vì kết thúc vào tháng 10 hàng năm đã chuyển sang niên độ từ 1/1 đến 31/12 như phần lớn các doanh nghiệp trên sàn. Báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2019 hiện vẫn chưa được công bố. 

Kỳ vọng EVFTA kéo doanh nghiệp thuỷ sản vượt khó trong bối cảnh đại dịch
Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA) nếu có hiệu lực từ tháng 7 sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp thuỷ sản có thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư