Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu dùng thực phẩm thông minh trong mùa dịch
Dương Ngân - 19/08/2021 09:16
 
Người dân đang dần thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm theo hướng an toàn và thông minh để bảo vệ sức khỏe, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Ảnh minh họa.
Người dân khi đi chợ hay siêu thị mua thực phẩm cần đảm bảo an toàn, giãn cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn...; không nên tích trữ quá nhiều, chỉ nên mua lương thực đủ dùng trong 2 - 3 ngày.

Tích trữ, lựa chọn thực phẩm hợp lý

Dịch bệnh khiến nhiều người từ bỏ các quán ăn vỉa hè, đường phố để trở về với bữa cơm gia đình với những thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc, xuất xứ từ các cơ sở đạt chuẩn và đảm bảo trong khâu chế biến.

Kinh doanh thực phẩm hữu cơ đã 3 năm nay, chị Đào Thị Duyên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của chị đang trong tình trạng “cung không đủ cầu”, bởi nhu cầu của khách hàng trong những ngày giãn cách rất cao, song nguồn thực phẩm chất lượng lại có hạn.

Thực phẩm ở cửa hàng của chị Duyên gồm các loại thịt, rau, củ, quả có xuất xứ rõ ràng, được dán tem QR code để có thể truy xuất nguồn gốc vàc những thông tin cơ bản. “Tuy giá của các loại thực phẩm hữu cơ, nguồn gốc tự nhiên có giá thành cao hơn thực phẩm thông thường, nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả để đảm bảo sức khỏe cho gia đình”, chị Duyên nói.

Thời điểm hiện tại, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, nên việc tích trữ thực phẩm là chủ đề nóng. Do tâm lý sợ thiếu thực phẩm hoặc hạn chế ra khỏi nhà, nhiều bà nội trợ đã mua nhiều thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, đồ khô để tích trữ.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, tích trữ thực phẩm tươi sống là một thói quen có hại cho sức khỏe, dù thực phẩm được bảo quản kỹ. TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho hay, protein (có trong thịt, cá, trứng, sữa…) nếu bảo quản không tốt và bị vi sinh vật tấn công sẽ sản sinh ra những độc chất có hại, như nitrit, amoniac. Nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều nitrit tại một thời điểm, có thể bị ngộ độc cấp tính; trường hợp hấp thụ hàm lượng nitrit vượt ngưỡng cho phép liên tục, lâu dài, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Còn theo TS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm tươi sống, kể cả thực phẩm đã được chế biến để lâu ngày trong tủ lạnh đều có nguy cơ mất chất, biến chất, nhiễm khuẩn, hoặc trong bản thân thực phẩm có chứa chất độc, nên có nhiều nguy cơ gây ngộ độc.

Ngoài ra, khi tích trữ quá nhiều thực phẩm, do không có chỗ chứa trong tủ lạnh, người dân thường để nhiều loại củ, quả bên ngoài. Dưới tác động của không khí, nhiệt độ, độ ẩm, củ, quả sẽ mọc mầm hoặc nhanh hỏng, nếu người dân vì tiếc của mà vẫn sử dụng, thì hậu họa với sức khỏe là khôn lường.

“Bí kíp” sử dụng thực phẩm an toàn

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chuyên gia khuyến cáo, người dân khi đi chợ hay siêu thị mua thực phẩm cần đảm bảo an toàn, giãn cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn...; không nên tích trữ quá nhiều, chỉ nên mua lương thực đủ dùng trong 2 - 3 ngày, lên trước danh sách những món cần mua để rút ngắn thời gian mua sắm; mua sắm online, thanh toán điện tử để hạn chế tiếp xúc. Khi chế biến thực phẩm, cần rửa sạch, nấu kỹ, ăn chín, uống sôi.

Ngoài các biện pháp đảm bảo an toàn chống dịch khi mua sắm, sử dụng thực phẩm, theo các chuyên gia, người dân cần trang bị các kiến thức để lựa chọn thực phẩm. Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn. Khi mua thực phẩm tươi sống, nên chọn mua ở nơi uy tín như siêu thị, nơi đảm bảo nhiệt độ bảo quản an toàn, sản phẩm còn nhãn mác, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng rõ ràng.

Cũng theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm rau quả có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh. Trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có các thông tin của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Với những loại chế biến sẵn, cần chú ý xem các thành phần phụ gia được tẩm ướp trong đó. Với các loại đồ hộp, cần xem kỹ thời hạn sử dụng, tuyệt đối không mua khi thấy xuất hiện tình trạng phồng ở phần nắp hoặc thân hộp, vì khi đó, sản phẩm rất có thể đã hỏng và mang độc tố chết người như botulinum.

Để bảo quản thực phẩm khoa học, theo chuyên gia dinh dưỡng Cao Thị Hậu, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong điều kiện mua sắm khó khăn, đông lạnh là phương pháp được khuyến khích để dự trữ thực phẩm, nhưng cách này cũng có thể xảy ra nguy cơ. Vì vậy, người dân chỉ nên mua lượng thực phẩm vừa đủ.

Với thịt cá, khi trữ đông nên chia nhỏ thành từng phần đủ ăn, tránh rã đông một lượng lớn rồi cấp đông lạnh trở lại phần thừa, làm tăng nguy cơ nhiễm vi sinh. Trong tủ đông, ngăn đá tủ lạnh, nên sắp xếp thực phẩm hợp lý, thực phẩm chín để trên, thực phẩm sống để dưới và khác ngăn, tầng để tránh nhiễm chéo. Nên bảo quản thực phẩm trong hộp có nắp đậy kín, ghi rõ để theo dõi sử dụng…

Hiểm họa khi tận dụng thực phẩm nhiễm nấm mốc
Thực phẩm có thể bị nhiễm nấm mốc độc hại do thời tiết, cách bảo quản, thói quen tích trữ... Người tiêu dùng tuyệt đối không nên ăn các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư