Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Tín dụng, trái phiếu bất động sản diễn biến trái chiều; Vàng được kỳ vọng tăng
P.V - 07/08/2022 08:13
 
Tín dụng bất động sản tăng vọt, trái phiếu bất động sản đóng băng, vàng được kỳ vọng tăng giá, cẩn trọng huyệt tỷ giá, nợ xấu tăng mạnh ở nhiều nhà băng... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Trái phiếu đóng băng nhưng bất động sản vẫn ổn nhờ duy trì tăng trưởng dư nợ vay

Doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn duy trì được tăng trưởng dư nợ vay (tín dụng và trái phiếu) ở mức 25,1%, nhờ vậy vẫn hoạt động ổn định 6 tháng đầu năm dù phát hành TPDN giảm.

FiinGroup vừa công bố báo cáo Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 7/2022.  Theo đó, trong tháng 7 vừa qua, quy mô giá trị phát hành trái phiếu sụt giảm mạnh, với giá trị phát hành chỉ ở mức gần 22 nghìn tỷ VNĐ, giảm lần lượt 65% so với cùng kỳ và 48,23% so với tháng trước đó.

Trong đó, 86% số đợt phát hành thuộc về các doanh nghiệp niêm yết, tăng 4% so với tháng trước, còn lại là 14% đợt phát hành từ các doanh nghiệp chưa niêm yết. Số liệu cập nhật đến hết tháng 7/2022 không ghi nhận có sự xuất hiện của các đợt phát hành ra công chúng.

Hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng cộng 21 đợt phát hành, đạt quy mô là 19,49 nghìn tỷ VNĐ, chiếm 89% thị trường sơ cấp. Tuy thị phần trái phiếu ngân hàng có sự tăng trưởng rõ rệt, song giá trị phát hành lại giảm sâu gần 63,5% so với giá trị tháng trước.

Đứng vị trí thứ hai với ngành Thương mại và Dịch vụ với 2 đợt phát hành, đạt giá trị 1,17 nghìn tỷ đồng và chiếm 8% thị trường sơ cấp. Cả 2 lô trái phiếu này được đồng phát hành bởi công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc.

Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản - ngành liên tục đứng thứ hai về cơ cấu phát hành ở các tháng trước - thì trong tháng 7 hầu như không phát hành. Thị trường TPDN tháng 7/2022 chỉ ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu đến từ CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An thuộc Tập đoàn Đất Xanh. Cụ thể, giá trị phát hành đạt 210 tỷ đồng và chỉ chiếm vỏn vẹn 2% thị trường sơ cấp.

Mặc dù giá trị phát hành TPDN khiêm tốn, song số liệu của FiinGroup lại cho thấy thực tế bất ngờ: 58 doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn duy trì được tăng trưởng dư nợ vay (bao gồm cả tín dụng ngân hàng và trái phiếu) ở mức 25,1% cho giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022.

“Điều này cho thấy dù kênh trái phiếu có diễn biến trầm lắng nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận dòng vốn vay từ ngân hàng”, chuyên gia phân tích FiinGroup nhận định.

Tín dụng vẫn chảy mạnh vào bất động sản là nguyên nhân khiến NHNN lo ngại, không dám nới mạnh room và tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng bất động sản.

Theo NHNN, hiện dư nợ tín dụng bất động sản đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng tín dụng toàn hệ thống và tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và cùng kỳ các năm trước.

NHNN cho rằng, tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường  bất động sản về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này.

Tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào  bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực  bất động sản thường có thời gian vay vốn dài (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng  bất động sản có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống TCTD chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD là tiền gửi ngắn hạn), vì vậy TCTD sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân.

FiinGroup nhận định, trong bối cảnh  kênh tín dụng ngân hàng cho bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ, kênh vốn huy động qua TPDN cũng rất ít ỏi với chỉ một đợt phát hành, thị trường chứng khoán ảm đạm, các doanh nghiệp BĐS đang đứng trước những trở ngại khá lớn về hoạt động huy động vốn trái phiếu cho việc tiếp tục triển khai và mở bán trong nửa cuối năm 2022 và cả năm 2023.

Dù vậy, các chuyên gia FiinGroup kỳ vọng, những điều chỉnh chính sách bao gồm Nghị định 153 sửa đổi  tới đây với những tiêu chuẩn và điều kiện mới về phát hành, phân phối và mua bán trái phiếu được kỳ vọng sẽ giúp kênh huy động TPDN từng bước sôi động trở lại và có chiều sâu hơn để góp phần phát huy kênh dẫn vốn dài hạn và các rủi ro từ thị trường này được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi sẽ nhanh chóng được ban hành để thị trường sớm vận hành trở lại. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 tổ chức giữa tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã trình nhiều lần, nhưng chưa có được sự thống nhất với Bộ Tư pháp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm việc dứt điểm ngay, nếu không giải quyết được thì trình lên Chính phủ.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản riêng tháng 7/2022 giảm tới 98%

Thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) cho thấy, trong tháng 7/2022, chỉ duy nhất một doanh nghiệp phát hành TPDN với giá trị 210 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, trong tháng 7/2022 (tính đến ngày 29/07/2022), có 28 đợt phát hành TPDN riêng lẻ được công bố trong tháng 7 với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng.

Ngân hàng là nhóm ngành có khối lượng phát hành lớn nhất với 15.058 tỷ đồng (chiếm 81% tổng giá trị phát hành). Trong đó, đứng đầu là BIDV với khối lượng phát hành 4.494 tỷ đồng, tiếp theo là MB với 3.000 tỷ đồng.

Nhóm các doanh nghiệp tài chính đứng thứ hai với 2.225 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành). Nổi bật nhất là Công ty Tài chính cổ phần Điện lực khi phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ có bảo lãnh 1 phần của GuarantCo và tuân theo chuẩn mực phát hành của ICMA. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6.7%/năm.

VBMA cho hay, lũy kế 7 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% (chiếm khoảng 4,5% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 191.279 tỷ đồng, giảm 38% (chiếm khoảng 95,5% tổng giá trị phát hành) so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu này được VBMA tổng hợp được ghi nhận theo ngày phát hành trái phiếu, tổng khối lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành là 280,737 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong tháng 7/2022, TPDN bất động sản hầu như vắng bóng, duy nhất một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An với giá trị phát hành 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.

Vào tháng 7/2021, cũng theo dữ liệu của VBMA, khối lượng phát hành TPDN bất động sản riêng lẻ là 10.832 tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 7 năm nay, khối lượng TPDN bất động sản phát hành riêng lẻ giảm tới 98%.

Trong tháng qua, dù lượng trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành vẫn chiếm khối lượng lớn nhất, song so với tháng 7/2021 vẫn giảm hơn 30%.

Tín dụng cả năm 2022 tăng 16%, bất động sản hạ nhiệt do 4 rủi ro hiện hữu

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tín dụng thận trọng và thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, nợ xấu từ bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ rõ ràng hơn từ năm 2023.

Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia phân tích SSI Research cho rằng, nửa cuối năm 2022, bên cạnh áp lực lạm phát, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường.

“Tiền đồng có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nửa cuối năm nay. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của năm 2022 có thể dao động trong khoảng 15% -16%, giảm tốc so với mức 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022”, các chuyên gia nhận định.

Riêng với ngành ngân hàng, SSI Research cho rằng, rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%.

Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023. Theo ước tính của SSI, 25% tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài  sản của các ngân hàng từ năm 2023. 

Với thị trường bất động sản, các động thái mang tính thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường bất động sản từ phía Chính phủ (liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tràn lan không rõ mục đích sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích vốn vay ngân hàng) được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn trong dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc thiếu vắng những hướng dẫn cụ thể trong triển khai có thể dẫn tới khó khăn cho thị trường bất động sản, do trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng và nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tâm lý chung của nhà đầu tư khi môi trường kinh doanh chuyển từ quá nóng sang quá lạnh.

Theo các chuyên gia, vẫn còn 4 rủi ro lớn với thị trường bất động sản.

Thứ nhất, tín dụng ngân hàng trở nên khó khăn hơn đối với cả chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà (do lãi suất tăng, và ít có khả năng hạn mức tín dụng sẽ được nới lỏng.

Thứ hai, kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp không còn sôi động như trước.

Thứ ba, nhu cầu đối với bất động sản nhà ở có thể suy yếu khi lãi suất cho vay tăng.

Thứ tư, tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản (tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2023) có thể bị ảnh hưởng bởi giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng và lãi suất cao hơn.

“Chi phí huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang tăng lên, trong khi các khoản vay mua nhà có thời gian ân hạn 2020-2022 sẽ hết thời gian ưu đãi và có rủi ro trở thành nợ xấu vào năm 2023 khi các khoản thanh toán gốc và lãi đến hạn trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản bị thắt chặt”, chuyên gia phân tích SSI nhận định.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá cho đến nay, ngoại trừ trường hợp các trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, theo báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, cơ quan này cũng lưu ý việc khối lượng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024, chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng.

Chuyển đổi số ngân hàng: Chú trọng nguồn lực, bảo đảm an ninh, chống tội phạm, rửa tiền

Ngày 04/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng. Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của NHNN Việt Nam, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng là một cấu phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.  Kế hoạch được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch mặc dù được phân chia theo nhóm NHNN và các TCTD nhưng đều hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân, cho khách hàng.

Để triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị.

Có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC, tính đến tháng 6/2022); 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, song Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc, nhất là về định danh, xác thực điện tử…; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn bất cập, kết nối, khai thác dữ liệu dân cư, bảo hiểm, thuế… còn ở phạm vi hẹp.

Sự tham gia phối hợp các doanh nghiệp công nghệ tài chính còn hạn chế; tội phạm công nghệ cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; các nguồn lực, nhất là nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin.

Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng tới các quốc gia. Thủ tướng yêu cầu NHNN và ngành ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số… 

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản luật của ngành: Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi… NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cần xây dựng, thử nghiệm và áp dụng khung pháp lý mới đối với phát triển công nghệ tài chính.

Hai là, chuyển đổi số triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Về thúc đẩy triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số…

Ba là, chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền…

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp.

Năm là, quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp…

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng như công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC), công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc…

Giá vàng được kỳ vọng tăng trở lại

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng được kỳ vọng tăng trở lại khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái.

Theo ông Khánh, lạm phát Mỹ tăng cao sau đại dịch Covid-19 buộc Fed phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và lộ trình tăng lãi suất cơ bản với USD cũng đã được vạch ra. Vì thế, thị trường đã phần nào nắm được diễn biến của quá trình tăng lãi suất, nên thị trường vàng không phản ứng thái quá khi Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất USD thêm 0,75% vào ngày 27/7.

Ngược lại, giá mặt hàng kim loại quý này đã bật tăng trở lại từ mức hơn 1.700 USD/ounce lên trên 1.750 USD/ounce trong 2 ngày sau đó. Đầu tuần này, giá vàng thế giới tiếp tục tăng, lên mức 1.777 USD/ounce vào ngày 2/8. Điều này được lý giải là do khi giá vàng xuống đến ngưỡng phù hợp, các nhà đầu tư, đầu cơ, quỹ đầu tư và ngay cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đẩy mạnh mua vào.

Số liệu của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, giá vàng giảm 6% trong quý II/2022 đã tác động đến các quỹ ETF vàng, chứng kiến dòng vốn ra 39 tấn trong quý II/2022. Nhưng dòng vốn vào ròng trong nửa đầu năm lên tới 234 tấn, so với dòng vốn ra 127 tấn trong nửa đầu năm 2021. Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng trong quý II/2022, tăng dự trữ chính thức toàn cầu lên 180 tấn. Mua ròng đạt 270 tấn trong nửa đầu năm, phù hợp với kết quả khảo sát các ngân hàng trung ương gần đây, theo đó, 25% ngân hàng trung ương cho biết, họ dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tiếp theo.

Đồng thời, nhu cầu vàng tăng mạnh tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng Covid-19...

Vì vậy, khi mãi lực vàng tăng cao sẽ tác động tích cực lên giá vàng. Giá vàng được dự báo còn triển vọng tăng trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái.

Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2022 đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau mức giảm 1,6% trong 3 tháng đầu năm. Việc GDP sụt giảm trong 2 quý liên tiếp đã làm dấy lên lo ngại nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

Thông thường, 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lần đầu giảm 5.000 người, xuống còn 256.000 người (đã được điều chỉnh theo mùa) trong tuần kết thúc vào ngày 23/7/2022.

Suy thoái kinh tế ở Mỹ sẽ có lợi cho mặt hàng vàng, vì nó buộc Fed phải giảm mức độ tăng lãi suất vào thời điểm lạm phát tiếp tục tăng cao. Nhà đầu tư sẽ tìm đến “hầm trú ẩn an toàn” là vàng trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Việc giá vàng thế giới quay trở lại mức trên 1.750 USD/ounce cho thấy, mặt hàng này tiếp cận gần hơn giá trị hợp lý của nó, bởi sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng, đặc biệt khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt.

Các thị trường đang tập trung nhiều vào mối đe dọa suy thoái kinh tế hơn là việc Fed tăng lãi suất. Điều này có thể làm suy yếu USD và giới hạn lợi suất trái phiếu, nhưng lại tác động lên hầm trú ẩn an toàn vàng, tác động tích cực đến giá kim loại quý này.

Nếu Fed tiếp tục thực hiện lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ tạo áp lực lên giá vàng. Lãi suất cao hơn thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vì chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như kim loại quý. Nhưng thực tế cho thấy, vàng vẫn bật tăng sau khi Fed hành động.

Theo tôi, giá vàng rất ít có khả năng giảm tiếp, mà có thể cầm cự ở mức hiện nay. Sau đó, nếu lấy lại ngưỡng 1.800 USD/ounce, giá vàng có thể bật tăng lên 1.900 USD/ounce và thậm chí cao hơn, do suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng khiến nhà đầu tư vẫn muốn bảo toàn vốn bằng cách nắm giữ vàng hơn là các tài sản rủi ro khác.

Nợ xấu gia tăng: Rủi ro hay “của để dành” của các ngân hàng?

 Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với mức tăng trưởng khả quan. Theo thống kê của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế quý này của 23/27 ngân hàng (đại diện 97% vốn hóa toàn ngành) tăng 33,4% so với cùng kỳ. Liên tiếp các kỷ lục lợi nhuận ngân hàng được xác lập.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, lợi nhuận chủ yếu đến từ tín dụng và thu từ hoạt động này chiếm 80% thu nhập của các ngân hàng. Thế nhưng, cùng với sự tăng trưởng lợi nhuận, tín dụng tăng nhanh cũng kéo theo nợ xấu tăng mạnh.

Trong các ngân hàng TMCP đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay, xét về giá trị tuyệt đối, top 3 ngân hàng có lượng nợ xấu tuyệt đối “khủng” nhất hệ thống là VPBank, VietinBank và BIDV.

Trong đó, VPBank là ngân hàng có số lượng nợ xấu tuyệt đối lớn nhất, với hơn 20.000 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 tăng 20,6% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 143%. Phần lớn nợ xấu của VPBank đến từ FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ chỉ hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó nợ mất vốn của ngân hàng mẹ chỉ 1.000 tỷ đồng.

VietinBank là ngân hàng xếp thứ nhì về số nợ xấu tuyệt đối (16.650 tỷ đồng). Mặc dù nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 giảm đáng kể, nhưng nợ nhóm 5 tăng tới 128% khiến VietinBank vẫn giữ nguyên thứ hạng về nợ xấu so với quý I/2022.

BIDV từng là quán quân nợ xấu khối ngân hàng TMCP, nay đã tụt hạng đáng kể, đứng vị trí thứ ba với trên 15.100 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 (tăng 1,5 lần), nợ có khả năng mất vốn tăng 18%.

Cho vay phân khúc rủi ro cao, lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nên FE Credit có tỷ lệ nợ xấu cao, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất cao. Trong khi đó, với quy mô tín dụng lớn, nợ xấu tuyệt đối của BIDV, VietinBank cũng là hệ quả tất yếu.

SHB là ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối lớn thứ tư với gần 9.500 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cuối năm ngoái. Trong đó, riêng nợ nhóm 4 tăng mạnh gần 3 lần và chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Ở nhóm ngân hàng còn lại, các ngân hàng có khối lượng nợ xấu tuyệt đối cao gồm: Vietcombank (hơn 6.694 tỷ đồng), VIB (5.332 tỷ đồng), Sacombank (5.281 tỷ đồng), MB (5.000 tỷ đồng)…

Tuy vậy, không phải ngân hàng nào tăng về quy mô nợ xấu tuyệt đối cũng có tình hình tài chính xấu đi. Chẳng hạn, tại Vietcombank, dù nợ xấu tuyệt đối tăng lên, nhưng tỷ lệ nợ xấu lại thấp hơn cuối năm 2021 (chỉ chiếm 0,6%) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục (trên 500%).

Tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ, song tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng chưa từng có, lên mức 279%. Tại VietinBank, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, nhưng tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm nhẹ và bao phủ nợ xấu tăng từ 171% cuối năm ngoái lên trên 200% cuối tháng 6/2022.

Rủi ro nợ xấu tập trung ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ song có tỷ lệ nợ xấu cao như NCB, Vietbank, BaoVietBank, VietcaptialBank, PGBank, ABBank… Ở nhóm ngân hàng tầm trung, SHB và VIB là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao đáng chú ý, chủ yếu do mở rộng quy mô cho vay.

Lợi nhuận tăng mạnh, nhưng nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn cũng có dấu hiệu tăng cao ở hầu hết ngân hàng.  

Việc nợ xấu của các ngân hàng tăng nửa đầu năm nay đã nằm trong dự liệu của giới chuyên gia phân tích. Ảnh hưởng của Covid-19 đang thể hiện dần vào báo cáo tài chính của các nhà băng.  PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các quý tới, bức tranh nợ xấu sẽ rõ ràng hơn khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã chính thức hết hạn vào ngày 30/6.

Việc nợ xấu của các ngân hàng tăng nửa đầu năm nay đã nằm trong dự liệu của giới chuyên gia phân tích.

Ảnh hưởng của việc dừng Thông tư 14/2021/TT-NHNN với nhiều ngân hàng không lớn bởi từ cuối năm 2021, nhiều ngân hàng đã hoàn tất trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu. Tuy vậy, một số ngân hàng nhỏ đầu năm nay vẫn chưa hoàn tất trích lập dự phòng và có thể phải gia tăng trích lập dự phòng trong quý tới.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia , việc dừng Thông tư 14/2021/TT-NHNN sẽ khiến nhiều khoản nợ chuyển nhóm và nợ xấu nội bảng ngân hàng tăng nửa cuối năm nay.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, nợ xấu tăng nhưng sức khỏe của hệ thống ngân hàng không đáng lo ngại, bởi những năm qua, NHNN đã hối thúc hệ thống ngân hàng tăng mạnh dự phòng rủi ro. Hiện tại, đa phần ngân hàng tầm trung trở lên đều đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, thậm chí nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 200%.

Việc tăng trích lập dự phòng không chỉ giúp ngân hàng có bộ đệm để xử lý rủi ro, mà còn là “của để dành” trong tương lai. Nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng những năm gần đây, có thể thấy, hàng năm, nguồn lợi nhuận khác mà mỗi ngân hàng thu về lên tới hàng ngàn tỷ đồng, chủ yếu là từ thu hồi nợ đã xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Có ngân hàng thu về 11.000 tỷ đồng/năm từ nợ xấu đã được xử lý. Có ngân hàng đảo chiều từ tăng trưởng âm thành dương nhờ được hoàn nhập dự phòng rủi ro.

Nói về lý do trích lập dự phòng rủi ro quá cao, lãnh đạo Vietcombank từng nhiều lần chia sẻ với cổ đông rằng, “cơm không ăn gạo còn đó”.

Trong khi đó, lý giải câu chuyện Vietcombank có 1 đồng nợ xấu nhưng lại dự phòng rủi ro lên tới hơn 5 đồng (bao phủ nợ xấu trên 500%), các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán BVSC cho rằng, tỷ lệ trích lập này cao hay thấp ở mỗi NHTM còn tùy thuộc khẩu vị và quan điểm của mỗi ngân hàng. 

“Theo thời gian, bên cạnh việc xử lý nợ xấu, nợ bị ảnh hưởng Covid-19 cơ cấu lại dần hồi phục…, tiềm năng hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận tại Vietcombank cũng là một điểm đáng chú ý”, các chuyên gia phân tích BVSC ngụ ý.

Nói cách khác, theo các chuyên gia, nợ xấu của các ngân hàng quy mô tuyệt đối lớn hay nhỏ không quan trọng bằng tỷ lệ cao hay thấp và đã được dự phòng rủi ro bao nhiêu phần trăm. Nếu tỷ lệ nợ xấu trong mức cho phép mà tỷ lệ bao phủ cao, thì nợ xấu lại chính là “của để dành” với nhiều ngân hàng.

Phó thống đốc nói về khả năng đưa tiền ảo, bitcoin vào nội dung sửa Luật Phòng, chống rửa tiền

NHNN đã nghiên cứu, dự thảo quy định điều khoản mang tính chất khung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền. Trên cơ sở quy định khung này sẽ quy định cụ thể những sản phẩm tài chính hiện nay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề có đưa tiền ảo, tiền Bitcoin vào nội dung sửa Luật Phòng, chống rửa tiền hay không tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/8, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu rất kỹ, rất toàn diện để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Ông Tú khẳng định lại, tiền ảo, Bitcoin, các loại giống như tiền ảo không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Để nhận diện những hệ lụy, những rủi do với tổ chức, cá nhân tham gia chơi, kinh doanh tiền ảo, từ tháng 2/2014, NHNN đã có thông báo rất rộng rãi trên cơ sở nghiên cứu các quy định của các nước để xác định tiền ảo, tiền Bitcoin là thế nào để thông báo rộng rãi cho mọi đối tượng quan tâm đến lĩnh vực này.

Tháng 4/2014, NHNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10 và tiếp theo sau đó 2 ngày, NHNN có Chỉ thị 02 chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các giao dịch đảm bảo không xảy ra những rủi ro và lợi dụng tiền ảo tương tự trong các hoạt động giao dịch.

"Hai chỉ thị này đã đặt ra một cách cụ thể là các tổ chức tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch, nhiệm vụ liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, về tài trợ khủng bố hoặc là gian lận trốn thuế…", Phó thống đốc nêu rõ.

Đồng thời, tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan đến tiền ảo cũng như rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch, mua bán, trao đổi tiền ảo để có biện pháp xử lý, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.

Phó thống đốc cho biết, trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới, các quốc gia đều phải quan tâm đến những tài sản, sản phẩm gọi là công nghệ trong lĩnh vực tài chính để đảm bảo quản lý phải chặt chẽ, không để lợi dụng trong vấn đề rửa tiền hoặc phòng chống khủng bố cũng như các mục đích khác.

Trong việc sửa Luật, vừa qua NHNN đã nghiên cứu, dự thảo quy định điều khoản mang tính chất khung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền. Trên cơ sở quy định khung này sẽ quy định cụ thể những sản phẩm tài chính hiện nay cũng như sử dụng công nghệ, Bitcoin, tiền ảo..."Kể cả những xu hướng thế giới hoặc xu hướng phát triển công nghệ có thể xảy ra các sản phẩm khác nữa thì cũng sẽ được xử lý một cách linh hoạt sau khi Luật này được ban hành", ông Tú nói.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có những văn bản dưới luật như nghị định, quy định về hành vi này để đảm bảo ngăn chặn, phòng, chống rửa tiền, khủng bố, gian lận trốn thuế hoặc thậm chí sử dụng tài sản này để biếu tặng có tính chất tham nhũng, hối lộ.

Cẩn trọng với “huyệt” tỷ giá

Trong nền kinh tế của một quốc gia mở cửa hội nhập, tỷ giá là một “huyệt” rất quan trọng. Do vậy, cần hết sức cẩn trọng khi “bấm” vào “huyệt” này.

Vai trò quan trọng của tỷ giá thể hiện trong quan hệ vay/trả nợ vay ngoại tệ của cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia. Nếu tỷ giá tăng, thì khi vay ngoại tệ tính ra nội tệ sẽ có lợi, nhưng khi trả tính bằng nội tệ sẽ bất lợi. Nếu tỷ giá giảm thì khi vay ngoại tệ tính ra nội tệ sẽ bất lợi, khi trả tính bằng nội tệ sẽ có lợi.

Một vai trò quan trọng khác của tỷ giá là tác động đến lạm phát theo 2 nghĩa.

Nghĩa thứ nhất là tác động đến yếu tố chi phí đẩy. Nếu tỷ giá tăng, thì giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng nội tệ sẽ tăng “kép” (vừa do tính bằng ngoại tệ tăng, vừa do tỷ giá tăng).

Nghĩa thứ hai là tác động đến yếu tố tâm lý. Nếu tỷ giá tăng, thì tâm lý găm giữ ngoại tệ tăng, gửi tiết kiệm giảm, gây sức ép tới lạm phát. Nếu tỷ giá giảm, thì hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ, tăng gửi nội tệ, giảm sức ép đối với lạm phát.

Trong những năm qua, VND so với USD đã chuyển từ mất giá cao (trước năm 2017) sang mất giá ít hơn (2017-2019) và lên giá (nửa đầu năm 2022).

Nguyên nhân của quá trình chuyển dịch trên có nhiều. Có nguyên nhân quan trọng là lượng USD vào Việt Nam có quy mô lớn. Xuất siêu hàng hóa lớn từ năm 2016 đến nay, đạt 46 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 7,02 tỷ USD. FDI thực hiện từ năm 2016 đến nay đạt 122,56 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 18,86 tỷ USD. Vốn ODA giải ngân từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 14 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt khoảng 2,15 tỷ USD. Lượng kiều hối đạt khoảng 90 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt 13,8 tỷ USD. Xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 43,33 tỷ USD, bình quân 1 năm đạt khoảng 6,7 tỷ USD…

Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu. Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp ổn định tỷ giá thông qua 2 biện pháp chủ yếu: tỷ giá trung tâm, lãi suất gửi USD bằng 0%. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Nhờ vậy, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện, dự trữ ngoại hối của quốc gia tăng nhanh trong mấy năm nay, đạt đỉnh khoảng 110 tỷ USD vào quý I/2022 - vượt ranh giới an toàn khi lớn hơn 3 tháng nhập khẩu.

Diễn biến khác biểu hiện ở 2 động thái trái chiều.

Động thái thứ nhất, giá USD tăng cao trên thế giới (khi USD-Index tăng từ dưới 90 điểm lên trên 105 điểm), trong khi giá USD ở Việt Nam đã giảm hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, nếu tính tháng sau so với tháng trước, thì giá USD ở Việt Nam đã tăng từ tháng 3/2022 và sau 6 tháng (tức là tháng 6/2022 so với tháng 12/2021, giá USD đã tăng 1,5%, hay VND đã mất giá 1,5% so với USD). Với sức ép của việc tăng lãi suất sẽ kéo theo giá USD tăng, người viết dự đoán giá USD tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 sẽ tăng trên 2,5%.

Động thái thứ hai, giá đồng nội tệ của nhiều đối tác lớn của Việt Nam (vốn có chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương nhỏ hơn của Việt Nam) lại tăng lãi suất, phá giá đồng nội tệ so với USD. Theo đó, VND lên giá so với các đối tác lớn này, dẫn đến sự thiệt thòi khi xuất khẩu vào các thị trường trên.

Ứng phó với sự lên giá của VND đối với các đồng nội tệ của các đối tác lớn và ngay cả với Mỹ như thế nào?

Tất nhiên, Việt Nam phải giảm giá VND so với USD. Việc giảm 1,5% sau 6 tháng đầu năm 2022 là cần thiết, nhưng người viết cho rằng, sự giảm giá của VND còn quá nhẹ, bởi một số lý do. Sau 6 tháng, Việt Nam xuất siêu, nhưng chỉ trong nửa đầu tháng 7 đã nhập siêu tới trên 2,01 tỷ USD, tính chung từ ngày 1/1 đến 15/7 đã nhập siêu 955 triệu USD. Diễn biến trên đã cảnh báo khả năng cả năm 2022 sẽ chuyển sang nhập siêu sau 6 năm liên tục xuất siêu. Do vậy, có thể giảm giá VND với mức độ lớn hơn (khoảng 3%). Tuy nhiên, không nên giảm nhiều hơn mức trên, bởi nếu VND mất giá lớn, với sự tăng lên của giá hàng nhập khẩu sẽ làm cho “nhập khẩu lạm phát” tăng, tạo sức ép tới CPI, làm tăng nợ bằng USD khi trả nợ bằng VND.

Riêng đối với các đối tác thương mại lớn, ngoài Mỹ, do các đối tác này giảm mạnh đồng nội tệ thì xuất khẩu sẽ gặp khó khăn hơn, nhập khẩu sẽ tăng. Do vậy, cần có nhiều giải pháp khác, như cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu; đẩy mạnh nội địa hóa, công nghiệp hỗ trợ; giảm tình trạng gia công, lắp ráp…

Vụ chuyển 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài: NHNN khẳng định thường xuyên rà soát giao dịch đáng ngờ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về thị trường chợ đen, mua bán, trao đổi ngoại tệ, nhất là gần đây có vụ chuyển tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) về thị trường chợ đen mua bán ngoại tệ, nhất là gần đây có vụ chuyển tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, theo quy định hiện hành, hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới hiện nay được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối; Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

 Theo đó, khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ xuất trình.

Tổ chức tín dung có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, tổ chức tín dụng có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước: số liệu chuyển tiền thông qua hệ thống báo cáo thống kê; các giao dịch có giá trị lớn; khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam vượt mức giá trị theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)…

Về phía Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở kết quả phân tích, xử lý các thông tin nhận được từ các ổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên thanh tra, kiểm tra và cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ, có biện pháp phòng ngừa sai phạm, đảm bảo các giao dịch chuyển tiền đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật; đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác minh, làm rõ các giao dịch đáng ngờ và có biện pháp phát hiện, phòng ngừa việc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã hoàn thành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1985, ở quận Tây Hồ) cùng 12 bị can khác về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".

Theo truy tố, năm 2016, thấy nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của bị can Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh). Sau đó, Nguyệt cùng đồng phạm hợp thức hồ sơ dưới dạng xuất nhập khẩu hàng hóa để chuyển tiền thông qua 3 doanh nghiệp và 8 công ty "ma" do vợ chồng Nguyệt lập ra, cấu kết với một số nhân viên ngân hàng có chi nhánh ở Móng Cái (Quảng Ninh) để thực hiện các phi vụ chuyển tiền.

Cáo trạng thể hiện từ năm 2016 - 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, Nguyệt cùng đồng phạm nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài. Qua đó, Nguyệt thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng.

 Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 3 văn bản cảnh báo cho các ổ chức tín dụng liên quan đến việc tăng cường phối hợp ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thuế, trốn thuế, rửa tiền, trong đó có đề cập đến hành vi lợi dụng các hợp đồng ngoại thương để chuyển tiền qua biên giới.

Thống đốc khẳng định, thị trường ngoại tệ phi chính thức không được pháp luật thừa nhận, vì vậy, mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của thị trường phi chính thức cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương… và UBND các tỉnh, thành phố.

Theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối, người dân có ngoại tệ được bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoặc các tổ chức kinh tế được cấp phép làm đại lý đổi ngoại tệ; Khi có nhu cầu mua ngoại tệ, người dân phải mua tại các tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ chứng minh mục đích sử dụng, đảm bảo giao dịch là hợp pháp, hợp lệ.

Trên thị trường ngoại tệ chính thức, những năm qua, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của cá nhân và tổ chức được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, thị trường hoạt động thông suốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phát triển kinh tế.​

Cấp bách tìm lối thoát cho trái phiếu doanh nghiệp
Hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn, trong khi doanh nghiệp không thể phát hành mới, khiến rủi ro ngày càng hiện hữu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư