Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 2/8: Hà Nội truy vết chùm ca bệnh tại Công ty Thanh Nga
D.Ngân - 02/08/2021 08:18
 
Hà Nội đang khẩn trương truy vết, xét nghiệm các đối tượng liên quan tới chùm ca bệnh tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga.

TP.HCM: Cần tăng cường chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người dân

Chiều 2/8, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận huyện và TP.Thủ Đức về công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Thành ủy TP.HCM họp về chính sách người nghèo

Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Hồ Hải cho biết, thời gian qua, TP.HCM đã cố gắng huy động các nguồn, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người nghèo ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng chưa thật sự phủ kín đầy đủ mọi nhóm đối tượng.

Nguyên do bởi đặc thù của TP.HCM là nhiều hộ gia đình không có hộ khẩu Thành phố, nơi cư trú không ổn định. Bên cạnh đó, Thành phố có đông lực lượng công nhân, người dân các tỉnh về đây sinh sống và làm việc. Do đó, phải làm sao để các đối tượng này được quan tâm, chăm lo đầy đủ, không được để vướng mắc, khốn khó. Không để người dân nào bị đói trong thời gian giãn cách xã hội, cần rà soát để chăm lo cho dân.

“Thời điểm họ gặp khó khăn như hiện nay, chúng ta cần quan tâm, chăm sóc họ nhằm đảm bảo an dân và góp phần phát triển lại kinh tế sau đại dịch”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, Thường trực Thành ủy đã có kết luận về thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ cấp phát nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân ở 3 cấp gồm: cấp thành phố; cấp quận, huyện và cấp phường, xã.

Để có thể thành lập các trung tâm này, TP.HCM sẽ hoàn thiện các bước về pháp lý, phương thức vận hành để đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện xuyên suốt. Điểm quan trọng nhất là các cơ sở cần đảm bảo sát dân, nắm chắc số liệu để đảm bảo từng đối tượng không bị bỏ sót. Nếu không nắm chắc cơ sở, hỗ trợ không đầy đủ, bỏ sót là có lỗi với người dân.

Vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu trong 2 tuần tới, các quận huyện và TP.Thủ Đức cần tìm thêm phương án để tăng cường việc chăm lo, hỗ trợ đời sống cho người dân thuộc địa bàn mình. Các địa phương cần tính tới phương án tính toán và tiếp tế nhu yếu phẩm, lương thực tới từng hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, thời gian qua, Thành phố đã thực hiện giải quyết hỗ trợ người chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố. Trong đó đã chi hơn 467 tỷ đồng để hỗ trợ toàn bộ người lao động không có kết giao hợp đồng, lao động tự do. Bên cạnh đó, 100% hộ kinh doanh đã dừng hoạt động do dịch Covid-19 đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng...

Tính đến hết tháng 7, các quận huyện và TP.Thủ Đức đã triển khai Nghị quyết 09 của HĐND TP tới 379.639 đối tượng với tổng số tiền hơn 578 tỷ đồng.

***

Chuẩn bị phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội

Ngày 2/8 Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội), quy mô 500 giường bệnh.

Bệnh viện này được thiết lập tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội huy động nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, của TP. Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bệnh viện này sẽ tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch do các cơ sở y tế chuyển đến, bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả, tuân thủ theo các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.

Dự kiến trung tuần tháng 8/2021, Bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động.

Song song đó, Bộ Y tế đang tiến hành thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực tại cơ sở 2 của Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương nhanh chóng nâng công suất giường bệnh, đặc biệt tại khu vực hồi sức.

***

Trong ngày hôm nay hơn 200 y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã vào TP.HCM để nhanh chóng bắt tay vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực 500 giường tại Bệnh viện dã chiến số 16 của Thành phố.

Cũng trong ngày hôm nay, tại Trung tâm hồi sức tích cực ở Bệnh viện Quốc tế Thành phố do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đảm nhiệm đã tiếp nhận điều trị 70 bệnh nhân nặng.

***

Khoảng 5% ca Covid-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số ca tử vong do Covid-19 ở trẻ em trên toàn cầu (78 nước) là 8.700/2,7 triệu ca tử vong, chiếm khoảng 0,3% số ca tử vong.

Những con số này cho thấy, số trẻ em tử vong do Covid-19 ở Indonesia cao gấp 3 lần so với số trẻ em tử vong do Covid-19 trên toàn cầu (tính từ đầu dịch).

Cũng theo thống kê tại nước này, số ca tử vong ở trẻ em tăng nhanh trong hơn 1 tháng gần đây, chiếm khoảng 1/2 số ca tử vong trẻ em từ đầu dịch.

Trẻ tử vong thường có các bệnh nền kèm theo như suy dinh dưỡng, bệnh ác tính nhưng có thể do quá tải của hệ thống y tế và do nhiễm biến chủng Delta. Thời gian gần đây, nhiều trẻ không có bệnh nền cũng đã diễn biến nặng và tử vong.

Còn tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số trẻ em mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch này cũng đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể.

Tính từ ngày 5/7 tới 30/7, có khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi.

Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình nhưng cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em.

Điều may mắn là hầu hết trẻ mắc Covid-19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.

Từ những phân tích trên, bác sĩ Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, tuy hầu hết trẻ em nhiễm Covid-19 chỉ ở thể nhẹ nhưng một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt là với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ.

Nguyên nhân là sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ "5K", hạn chế tiếp xúc.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện chưa có chỉ định tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ nhưng người lớn tiêm vắc-xin giúp hạn chế sự lây truyền cho trẻ.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch.

"Khi trẻ có các dấu hiệu như: Ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn..., các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Phan Hữu Phúc khuyến cáo.

***

7.455 ca mắc mới trong ngày

Tính từ 6h đến 18h30 ngày 2/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.254 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 4.247 ca ghi nhận trong nước.

Trong ngày 2/8 ghi nhận 7.455 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 7.445 ca ghi nhận trong nước. Cao nhất vẫn thuộc TP.HCM.

Tính đến chiều ngày 2/8, Việt Nam có 161.761 ca nhiễm trong đó có 2.272 ca nhập cảnh và 159.489 ca nhiễm trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 157.919, trong đó có 44.191 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày có 3.808 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 46.965 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 436 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 14 ca.

Ngày 2/8 Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo bổ sung 389 (1307-1695) ca tử vong tại 4 tỉnh, thành phố như sau:

Tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 17/7-2/8: 354 ca; Bình Dương từ ngày 17-24/7:25 ca; Đồng Nai từ ngày 29/7-2/8: 6 ca; Long An từ ngày 31/7-2/8: 4 ca

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 6.415.219 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều.

Bộ Y tế đã vận động, huy động lực lượng chống dịch với gần 10.000 người tại TP.HCM (8.293 người), Bình Dương (1.134 người) và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.

Trong đó lực lượng của Bộ Y tế với gần 8.000 người; các tỉnh, thành phố khác khoảng gần 2.000 người.

Bộ Y tế thành lập Tổ công tác điều phối máy thở phục vụ điều trị người bệnh Covid-19 toàn quốc do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng.

Tại Hà Nội, số ca mắc mới từ 12 giờ ngày 2/8 đến 18 giờ ngày 2/8 là 1 ca. Như vậy từ 18 giờ ngày 1/8 đến 18 giờ ngày 2/8 TP ghi nhận thêm 98 ca mắc mới.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 1.345 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 821 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 524 ca.

***

Không phun hóa chất ngoài trời

Ngày 2/8 Bộ Y tế có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu không phun hóa chất khử khuẩn diệt Covid-19 ngoài trời, vào người, chỉ phun diện hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2, việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo do kém hiệu quả, ảnh hưởng sức khỏe người phun và xung quanh khu vực phun, lãng phí hóa chất phòng chống dịch và có thể gây hại môi trường.

Bộ Y tế cũng cho biết WHO và CDC Hoa Kỳ khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất kỳ tình huống nào, do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành không thực hiện phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời, không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất kỳ tình huống nào, gồm cả biện pháp phun hóa chất trực tiếp và sử dụng buồng khử khuẩn.

Bộ Y tế khuyến cáo việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp, khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng, sử dụng loại đã được cấp phép và theo đúng liều lượng, phương pháp sử dụng trên nhãn sản phẩm.

Trước đó, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu 2020, đã có nhiều đợt phun hóa chất diện rộng được triển khai ngoài trời, gần nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương... 

Nhiều thiết kế "buồng khử khuẩn" cũng được tung ra, song có các ý kiến việc phun khử khuẩn ngoài trời là không có hiệu quả và tốn kém, nhưng đến nay Bộ Y tế mới có hướng dẫn này.

***

Bộ Y tế cấm nhận bồi dưỡng khi tiêm vắc-xin Covid-19

Ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có công văn gửi các tỉnh, thành, yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm an toàn, tiêm chủng hoàn toàn miễn phí và không nhận "bồi dưỡng" từ các tổ chức, cá nhân.

Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm chủng vắc-xin theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng.

Tuy nhiên, qua phản ánh tại một số cơ sở tiêm chủng có hiện tượng người đến tiêm chủng bồi dưỡng tự nguyện cho cơ sở tiêm chủng, việc này chưa đúng với chỉ đạo của Chính phủ về miễn phí tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị được phân công tiêm chủng vắc-xin tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng Nghị quyết 21 ngày 26/2 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 năm 2021-2022 ngày 8/7.

Theo đó, việc tiêm chủng hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận bồi dưỡng từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19.

Theo Bộ Y tế, trong ngày 1/8, Việt Nam có thêm 209.156 liều vắc-xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 6.415.219, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều.

***

Thành lập tổ điều phối máy thở điều trị Covid-19 toàn quốc

Ngày 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định thành lập Tổ công tác điều phối máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc (Tổ điều phối).

Theo văn bản của Bộ Y tế, Tổ điều phối sẽ do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm tổ trưởng. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giữ chức vụ tổ phó.

Nhiệm vụ của Tổ điều phối bao gồm rà soát thực trạng, cập nhật số lượng, chủng loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC tại các bệnh viện, cở sở y tế trên toàn quốc.

Tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC theo diễn biến dịch bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế.

Điều phối (kể cả trưng dụng từ các cơ sở y tế) các loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Phối hợp với các bệnh viện, sở y tế và những đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Đồng thời, Tổ điều phối cũng cần phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác điều phối oxy y tế của Bộ Y tế để cập nhật, điều phối các thiết bị sử dụng trong cũng cấp oxy.

Chỉ đạo, tổ chức tập huấn, quản lý máy thở được điều động nhằm sử dụng hiệu quả tại các đơn vị; kiểm tra việc sử dụng máy thở, báo cáo tiến độ, tình hình triển khai của các đơn vị.

***

Nhiều nhân viên giao hàng thực phẩm dương tính với Sars-Cov-2

Theo CDC Hà Nội, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 1/8 đến 6 giờ ngày 2/8 là 45 trường hợp. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 1.292ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 789 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 503 ca.

Hà Nội phong tỏa tạm thời khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên. Ảnh: Zing.vn

Sau khi nhận được thông báo về chùm ca bệnh gồm 21 trường hợp mới mắc Covid-19 liên quan tới Công ty Thực phẩm Thanh Nga tại địa chỉ 82/651 Hai Bà Trưng, Đội đáp ứng nhanh số 2 của CDC Hà Nội đã ngay lập tức xuống địa bàn phối hợp cùng Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng điều tra truy vết và xử lý ổ dịch.

Thông tin ca chỉ điểm là bệnh nhân V.N.A., nữ, sinh năm 2000. Địa chỉ tại 170 Văn Chương, Văn Chương, Đống Đa. 

Nghề nghiệp là sinh viên thực tập tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga đến hết ngày 30/7/2021, địa chỉ 82/651 Minh Khai, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ngày 28/7 xuất hiện ho, sốt, đau họng, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho kết quả sàng lọc dương tính SARS-CoV-2, ngày 31/7 kết quả khẳng định tại CDC Hà Nội.

Công ty Thực phẩm Thanh Nga có 2 cơ sở: Cơ sở chính tại 15/651 Minh Khai, Hai Bà Trưng và kho đông lạnh tại địa chỉ 82/651 Minh Khai (nơi có nhiều nhân viên sinh sống), hoạt động lĩnh vực cung cấp thịt bò. Tổng số nhân viên: 43 người.

Tại địa chỉ ngõ 651 Minh Khai có 5 công ty cùng làm việc là: Công ty Tân Ngọc Lan; Công ty Thiên Linh; Công ty Minh Long, Công ty Liên Thái Bình, Công ty cổ phần tập đoàn Century Hoàng.

Ngày 31/7, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng đã tiến hành điều tra xác minh và lấy mẫu tổng số 30 trường hợp F1 bệnh nhân V.N.A., trong đó 3 trường hợp được chuyển cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. 

27 trường hợp còn lại cách ly trên địa bàn quận Hai Bà Trưng gồm 24 người tại địa chỉ Công ty (16 người sống tại công ty và 8 người từ địa phương khác đến cách ly), 3 trường hợp cách ly tại nhà;

Ngày 1/8, CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định thêm 20 trường hợp nhân viên công ty dương tính mới là F1 của Bệnh nhân V.N.A, chủ yếu là nhân viên giao hàng.

Ngay sau khi xác định các ca nhiễm trên, CDC Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm y tế Hai Bà Trưng và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra lịch trình di chuyển và người tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính.

Tính đến ngày 20 giờ, ngày 1/8/2021, Hà Nội đã tiến hành phong tỏa tạm thời khoảng 300 hộ với 1.000 nhân khẩu, các trường hợp xác định đã được liên hệ chuyển điều trị Bệnh viện Bắc Thăng Long.

Tổng số người liên quan, người trong khu vực ổ dịch khoanh vùng đã được lấy mẫu: 750 người (trong đó 500 mẫu gộp sàng lọc cộng đồng và 230 người sống trong ngõ 651 Minh Khai) gửi Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hiện chưa có kết quả.

***

Phong tỏa tạm thời khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên

Ngoài chùm ca bệnh nêu trên, ngày 1/8, Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về 1 trường hợp mắc Covid-19 thuộc chùm sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng.

Cụ thể, bệnh nhân N.T.C., nữ, sinh năm 1981; địa chỉ: Đội 3 Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Bệnh nhân là người bán hàng tôm, cá thường xuyên lấy hàng tại chợ Tam Hiệp và Long Biên, ngày 31/7 được test nhanh sàng lọc tại Trạm Y tế Ngọc Hồi nghi ngờ dương tính, lấy mẫu PCR, kết quả dương tính.

Theo UBND quận Ba Đình, trường hợp nữ bệnh nhân N.T.C đã đến lấy hàng tại khu vực kinh doanh hải sản (chợ Long Biên). Bệnh nhân có tiếp xúc với 3 người, được xác định là các trường hợp F1; trong 3 người này chỉ có 1 người tạm trú trên địa bàn quận đã được ra quyết định cách ly.

Ngay trong ngày 1/8, quận Ba Đình đã tiến hành khử khuẩn khu vực kinh doanh hải sản và toàn bộ chợ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người có liên quan tại chợ Long Biên, gồm 260 mẫu sẽ có kết quả trong sáng 2/8.

Đại diện UBND quận Ba Đình khẳng định, chỉ tiến hành phong tỏa khu vực kinh doanh hải sản bởi đây là khu vực hoạt động độc lập, các khu kinh doanh khác tại chợ Long Biên vẫn hoạt động bình thường.

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã phát hiện rất nhiều ca nhiễm Covid-19 qua sàng lọc ho sốt trong cộng đồng, có triệu chứng không rõ ràng.

Và trước việc gia tăng nhanh các ca mắc Covid-19 những ngày qua trong Chỉ thị số 17 của Chủ tịch Hà Nội về thực hiện cách ly xã hội toàn TP cũng đã yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác.

Lãnh đạo TP yêu cầu mọi người thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác..

***

Thêm 3.198 ca mắc từ các ổ dịch

Theo bản tin sáng 2/8 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 3.198 ca trong nước và 3 người nhập cảnh nhiễm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cho hay đây là số liệu tính từ 18h30 ngày 1/8 đến 6h ngày 2/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Các tỉnh, thành phố có thêm người nhiễm virus là TP.HCM (1.997), Bình Dương (496), Đồng Nai (189), Cần Thơ (119)…

Tính đến sáng 2/8, Việt Nam có 157.507 ca nhiễm gồm 2.265 ca nhập cảnh và 155.242 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 153.672, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, tổng số bệnh nhân khỏi Covid-19 là 43.157 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 432 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Trong ngày 1/8, 209.156 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 6.415.219, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều.

Các chuyên gia nhận định hệ thống điều trị Covid-19 tại Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan. Trong vòng nửa tháng nay, số bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19 tại Việt Nam liên tục tăng, mỗi ngày dao động khoảng 1.000 đến hơn 4.000 người. Số lượng bệnh nhân ở TP.HCM xuất viện ngày một nhiều hơn.

Theo các chuyên gia về phòng, chống dịch, mục đích của giãn cách xã hội nhằm hạn chế tiếp xúc để tiến tới cắt đứt nguồn lây, vì vậy, việc thực hiện yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là rất quan trọng. 

Tương tự, khi "ai ở đâu ở đó", nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở, việc liên hệ ngay với cơ sở y tế nhằm sàng lọc kịp thời, sớm phát hiện F0 trong cộng đồng.

Tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi hệ thống y tế tư nhân ở TP.HCM cùng chống Covid-19.

Về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết quan điểm của Bộ Y tế là luôn ưu tiên phân bổ vắc-xin cho TP.HCM. Thành phố cũng đang nỗ lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm. Nếu có thêm sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân, tiến độ tiêm sẽ được đẩy nhanh hơn trong tháng 8.

Hiện nay, Bộ Y tế huy động bệnh viện lớn tuyến trung ương vào thiết lập các Trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM và nỗ lực từng giờ, từng phút, làm việc suốt đêm ngày để đưa các trung tâm này vào hoạt động.

Tuy nhiên, trung tâm sẽ có những khó khăn nhất định ban đầu về labo xét nghiệm, mua sắm vật tư tiêu hao, giường bệnh, chăn ga… với số lượng nhiều trong cùng một thời điểm rất ngắn.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng bày tỏ lời cảm ơn đến hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn thành phố thời gian qua đã có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Doanh nghiệp tại Hà Nội làm gì để “lội ngược dòng” trong đại dịch?
Để “lật ngược thế cờ” trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư, các doanh nghiệp tại Hà Nội có thể tham khảo một số gợi ý về chiến lược...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư