-
Hà Nội kiểm nghiệm 2.400 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm năm 2025 -
Nhiều bệnh viện công lập vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế -
Viêm phổi và cúm mùa lây lan nhanh -
Trao giải Báo chí toàn quốc về sức khỏe Nhân dân lần thứ II -
Quyền lợi bảo hiểm y tế theo phân cấp chuyên môn của 48 bệnh viện -
Phòng ngừa ngộ độc rượu cuối năm
Giải pháp nào cho nhiều người bị hoãn tiêm chủng?
Trong quá trình tổ chức tiêm chủng, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp phải trì hoãn tiêm hoặc cần chuyển vào bệnh viện nhưng không được hướng dẫn các bước tiếp theo.
Sở Y tế TP.HCM ký văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế và trung tâm y tế quận, huyện liên quan việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người thuộc nhóm trì hoãn hoặc nhóm thận trọng khi tiêm chủng.
Nhằm hỗ trợ cho người dân tiếp cận tiêm vắc-xin đầy đủ, đảm bảo trường hợp thuộc nhóm trì hoãn tiêm được theo dõi và sắp xếp tiêm chủng khi có đủ điều kiện, Sở Y tế TP.HCM đề nghị lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở tiêm chủng chỉ đạo đội tiêm, nhân viên y tế phụ trách khám sàng lọc xác định đúng nhóm, giải thích rõ nguyên nhân phải trì hoãn tiêm.
Đối với những lý do trì hoãn ngắn ngày (đang dùng thuốc, mắc bệnh cấp tính), người dân cần được hướng dẫn thời điểm có thể trở lại điểm tiêm nếu tình trạng sức khỏe ổn định hoặc không còn lý do trì hoãn.
Đối với những người thuộc nhóm cẩn thận trong khi tiêm chủng, ngành y tế đã có quy định họ được tiêm tại tất cả điểm cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị như trước đây.
Do đó, các đơn vị cần đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe của người đến tiêm, xử trí chuyên môn để tạo điều kiện cho người dân được tiêm ngay tại chỗ.
Với người có bất thường về mạch, huyết áp. Tùy theo năng lực và phạm vi chuyên môn của bác sĩ khám sàng lọc, điều kiện thực tế của điểm tiêm, có thể xử trí theo phác đồ điều trị.
Nếu ổn định được các chỉ số trong giới hạn cho phép, nhân viên y tế có thể thực hiện tiêm vắc-xin.
Tại điểm tiêm ngoài cộng đồng, nếu người dân buộc chuyển đến theo dõi ở bệnh viện, đội tiêm cần thực hiện chuyển tuyến phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Trước đó, người dân cần được giải thích rõ lý do chuyển tuyến tiêm chủng và thông tin về bệnh viện sẽ được chuyển.
Ứng dụng Telehealth trong điều trị Covid-19
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành yêu cầu tăng cường sử dụng Telehealth trong điều trị.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án, ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa/phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.
Các bệnh viện được giao nhiệm vụ trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất (mạng Viettel, VNPT, zoom, zalo, viber, điện thoại...) để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.
Các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, báo cáo các khó khăn, vướng mắc để được hỗ trợ kịp thời.
Cảnh báo khẩu trang giả từ thiện
Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều khẩu trang nhận từ các nguồn tài trợ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây có thể là nguyên nhân khiến một số nhân viên y tế lây nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian qua nhiều nhà tài trợ, nhóm hảo tâm đã kêu gọi, quyên góp ủng hộ trang thiết bị bảo hộ tặng các cán bộ y tế để giúp bảo vệ những người trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19.
Theo ông Giang, khẩu trang N95 là "lá chắn" quyết định việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy rất nhiều khẩu trang nhận từ các nguồn tài trợ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thực tế cho thấy, hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn.
“Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế", lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận định.
Thực tế, gần đây cơ quan quản lý đã bắt một vụ buôn bán khẩu trang N95 giả rất lớn.
Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng có khả năng nhiều khẩu trang tặng cho các cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng được cung cấp từ nguồn này.
Do vậy Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hy vọng các nhà tài trợ, đơn vị cá nhân từ thiện khi mua trang bị bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang N95 tặng cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cần tìm hiểu rõ xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, mã nơi sản xuất, đảm bảo trang bị đạt tiêu chuẩn để bảo vệ các thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi chăm sóc điều trị cho người bệnh, góp phần cùng cả nước đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.
Liên quan tới vấn đề khẩu trang giả, thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cơ quan này vừa thu giữ hơn 17.000 chiếc khẩu trang có dấu hiệu giả nhãn hiệu 3M.
Theo đó, vào hồi 15 giờ 15 phút ngày 6/8 vừa qua, nhận được thông tin, Đội Quản lý thị trường số 2 đã kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh khẩu trang 3M (địa chỉ: C34 khu đô thị Embassy Garden, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thuộc Công ty Cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện kiểm tra, đại diện cơ sở đang hoạt động kinh doanh có biểu hiện chống đối, không hợp tác với đoàn kiểm tra; đã có hành vi tẩu tán hàng hóa là khẩu trang 3M từ tầng 4 của nhà C34 sang tầng 4 nhà kề sát cạnh.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có tổng cộng 17.100 chiếc khẩu trang 3M 1860 với giá niêm yết: 22.000 đồng/chiếc. Nhưng đáng chú ý là toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Đội Quản lý thị trường số 22 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; yêu cầu người đại diện theo pháp luật của Công ty tiếp tục làm việc với đoàn kiểm tra.
Hiện Đội tiếp tục phối hợp Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm và các lực lượng chức năng khác để tiếp tục làm việc xác định hành vi vi phạm của đối tượng và xử lý theo quy định.
Hơn 600 người liên quan Bệnh viện Đa khoa Hà Đông âm tính lần 1 với SARS-CoV-2
Ngày 9/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố thêm 18 trường hợp là công nhân làm việc tại dự án dự án cải tạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông dương tính với SARS-CoV-2. Tính từ ngày 6/8 đến nay, 50 công nhân ở dự án này được xác định mắc Covid-19.
Theo lãnh đạo quận Hà Đông, sau khi phát hiện các ca dương tính ở công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, quận đã lấy mẫu cho 121 y, bác sĩ làm việc trong bệnh viện và hơn 600 người cư trú xung quanh. Kết quả lần 1 đều âm tính. Quận đã tạm thời dỡ phong tỏa cứng Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Đối với 40 công nhân còn lại tại công trường này, quận đã đưa đi cách ly tập trung hôm 6/8. Công trường thi công cải tạo bệnh viện đã tạm dừng để chờ chỉ đạo từ Thành phố.
Theo UBND quận Hà Đông, ngày 4 và 5/8, trước khi công trình thi công, địa phương yêu cầu xét nghiệm nhanh cho 90 cán bộ, công nhân làm việc tại đây. Kết quả xác định 4 ca dương tính. Những người này ăn ở tại công trường từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 hôm 24/7. Từ đó đến nay, công trình chưa thi công.
Các đơn vị chức năng đang phối hợp với chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố và nhà thầu thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 1.831 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.082 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 749 ca.
Bắc Ninh nói gì về xét nghiệm âm tính trống tên?
Tối 8/8, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về phiếu xét nghiệm Covid-19 âm tính để đi qua chốt kiểm soát phòng chống dịch giữa huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đặt tại xã Mai Đình, Hiệp Hòa, với nhiều điểm bất thường.
Trên phiếu này có chữ ký của bác sĩ chỉ định Khổng Đức Thành và cán bộ kỹ thuật thực hiện xét nghiệm là Nguyễn Văn Hai, có dấu đỏ của Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh với phần kết quả ghi âm tính.
Tuy nhiên, điều bất thường là toàn bộ tờ giấy không có bất cứ một thông tin nào như họ tên, năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của đối tượng được xét nghiệm, thậm chí không ghi ngày lấy mẫu và ngày thực hiện mẫu.
Ngay sau khi phát hiện ra trường hợp công dân này, Tổ kiểm soát phòng chống dịch tại chốt kiểm dịch xã Mai Đình đã báo cáo sự việc với cơ quan chức năng.
Liên quan đến sự việc này, đại diện Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh cho biết đơn vị này đã có công văn gửi UBND thành phố Bắc Ninh và Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh về việc xác minh việc làm giấy xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh Lại Thị Nguyệt, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc công dân sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 test nhanh âm tính tại địa bàn huyện Hiệp Hòa, Trung tâm đã kiểm tra, xem xét và khẳng định, tại phiếu xét nghiệm của công dân Hiệp Hòa có tên và chữ ký của cử nhân Nguyễn Văn Hai, bác sĩ Khổng Đức Thành là cán bộ của Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh.
Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, qua điều tra ban đầu, bác sĩ Khổng Đức Thành và cử nhân xét nghiệm Nguyễn Văn Hai khẳng định chữ ký tại phiếu xét nghiệm của công dân đó không phải chữ ký của mình.
"Vì vậy, Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh đã có báo cáo Sở Y tế Bắc Ninh, UBND TP Bắc Ninh và đề nghị Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh chỉ đạo Công an TP. Bắc Ninh làm rõ vụ việc nêu trên", đại diện Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh cho hay.
Hơn 71.000 ca Covid-19 khỏi bệnh
Theo bản tin 6h ngày 9/8 của Bộ Y tế, hai địa phương có số lượng ca mắc mới cao là TP.HCM (2.349) và Bình Dương (1.725).
Tính từ 18h30 ngày 8/8 đến 6h ngày 9/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.155 ca nhiễm mới gồm 15 ca nhập cảnh và 5.140 ca trong nước (789 ca cộng đồng).
Như vậy, tính đến sáng ngày 9/8, Việt Nam có 215.560 ca nhiễm gồm 2.360 ca nhập cảnh và 213.200 ca trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 211.630 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình điều trị, theo Bộ Y tế đã có 71.497 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 501 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Bộ Y tế quy định sau khi được công bố khỏi bệnh, những người này sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và báo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện bất thường.
Từ 28/7, số bệnh nhân được xuất viện tại nước ta luôn ở mức từ 3.500 đến hơn 4.500 người mỗi ngày. Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu tốt cho hệ thống điều trị Covid-19 tại Việt Nam.
Trong ngày 8/8, 514.503 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều.
Hiện dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp với số lượng lớn ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong vòng 20 ngày, thành phố đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến và chỉ sau 7 ngày, 4 trung tâm hồi sức Covid-19 được hình thành.
Mục tiêu hàng đầu của thành phố hiện nay là giảm tối đa số ca F0 chuyển nặng, tử vong. Do đó, việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực..., sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân trên địa bàn.
Hà Nội: Khó thở, nhập viện phát hiện mắc Covid-19
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 9/8, Thủ đô ghi nhận 9 trường hợp mắc Covid-19 mới. Các trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 chủ yếu từ quá trình xét nghiệm sàng lọc và truy vết những người liên quan.
Một trường hợp có biểu hiệu ho, sốt trong cộng đồng và có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với virus là anh T.Q.H., 37 tuổi, trú tại Trương Định, Hai Bà Trưng. Người này lên cơn sốt, ho khan, mệt mỏi từ ngày 3/8. Đến 8/8, anh H. khó thở nhiều, lơ mơ và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài trường hợp trên, 8 người khác đều là F1, liên quan F0 phát hiện qua sàng lọc trước đó. Họ có độ tuổi từ 8 đến 68, trú tại các khu vực: Phương Mai (Đống Đa); Trung Hòa (Cầu Giấy); Viên An (Ứng Hòa) và Ngọc Lâm (Long Biên).
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.792 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 1.523 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, việc Hà Nội xuất hiện nhiều ca nhiễm virus trong cộng đồng thời gian qua chính là điều đáng lo ngại nhất.
"Các ca mắc không rõ nguồn lây vẫn xuất hiện và có thể còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Chúng tôi lo ngại những ca đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Do đó, virus tiếp tục lây lan mà chúng ta không biết.", ông Phu nhận định.
Đã có hơn 9.000 người mắc Covid-19 được Bệnh viện Dã chiến số 1 TP.HCM xuất viện
Sáng 9/8, lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 1 TP.HCM cho biết, đã có hơn 9000 người mắc Covid-19 được bệnh viện này xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Dã chiến số 1 TP.HCM cho biết, từ 26/6 đến nay, Bệnh viện có tổng 11.700 ca nhập viện. Sáng 9/8 đã có tổng cộng hơn 9000 ca được xuất viện, dự kiến chiều cùng ngày thêm 300 trường hợp sẽ được ra viện.
Bệnh viện Dã chiến số 1 đã đi vào hoạt động được hơn một tháng, số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện khá lớn, nhưng đã có hơn 9.000 người được xuất viện trở về với gia đình. Đây là điều rất đáng mừng đối với tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 1.
Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 đi vào hoạt động từ 26/6, có quy mô 4.500 giường đặt tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Bệnh viện Dã chiến số 1 là loại hình cơ sở thu dung điều trị F0 ở tầng 2 theo mô hình “tháp 5 tầng”. Trong đó, tầng 1 cách ly tạm thời ca test nhanh dương tính, chờ kết quả PCR. Tầng 2 tiếp nhận F0 không triệu chứng, nhẹ. Tầng 3 là F0 có triệu chứng. Tầng 4 điều trị F0 có bệnh nền hoặc bệnh lý nền nặng, nguy kịch. Tầng 5 điều trị bệnh nhân có nặng, nguy kịch.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai thí điểm rút ngắn thời gian điều trị F0 không triệu chứng tại bệnh viện. F0 xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp sẽ chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. F0 tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.
-
Viêm phổi và cúm mùa lây lan nhanh -
Trao giải Báo chí toàn quốc về sức khỏe Nhân dân lần thứ II -
Nỗi lo tai nạn thương tích dịp Tết và cách phòng ngừa -
Quyền lợi bảo hiểm y tế theo phân cấp chuyên môn của 48 bệnh viện -
Tin mới y tế ngày 9/1: Nguy cơ viêm tụy cấp và sỏi thận dịp cuối năm -
Phòng ngừa ngộ độc rượu cuối năm -
Tránh gây hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là với virus viêm phổi HMPV
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 10/1 -
2 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất giải pháp giúp Lào đột phá trong thu hút đầu tư -
3 Ngân hàng phải báo công an khi phát hiện ít nhất 5 tờ tiền giả trong một giao dịch -
4 Thông tin cụ thể về hướng tuyến, vị trí 31 ga tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng -
5 Chỉ đạo mới của lãnh đạo Chính phủ về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
- Japfa Việt Nam lọt Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín
- Ngân Tín Group tiếp tục vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- Newtown Diamond tại Đà Nẵng có gì thu hút nhà đầu tư mới?
- Agribank tiếp sức doanh nghiệp với 5 chương trình tín dụng ưu đãi đặc biệt năm 2025
- Cathay Life lọt Top Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- ACB năm 2024: Tăng trưởng bứt phá, quản trị rủi ro hiệu quả