Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 11/1: Hy vọng về thuốc điều trị Covid-19; ca nhiễm tại Hà Nội vẫn tăng
D.Ngân - 11/01/2022 08:51
 
Pfizer nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid-19 lên Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các tỉnh cần hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên;

Rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.

Quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương (xã/phường/thị trấn); tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn...

Tiếp tục tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19; đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng quản lý tiêm chủng Covid-19 và cập nhật thường xuyên số liệu về đối tượng tiêm chủng, số liều vắc-xin sử dụng;

Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc-xin để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, không chờ đợi, lựa chọn vắc-xin, đảm bảo sử dụng vắc-xin hiệu quả.

Hà Nội: Gần 2.900 ca mắc mới sau 24h

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 10/1 đến 18h ngày 11/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca Covid-19. Trong đó, quận Đống Đa là địa bàn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 2.884 bệnh nhân mới phân bố tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (156); Thanh Xuân (141); Hoài Đức (123); Đông Anh (101); Hoàn Kiếm (75); Gia Lâm (52)…

Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp, Hà Nội ghi nhận số ca mắc vượt mốc 2.800 ca/ngày. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4) là 76.674 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ tháng 3/2021 đến nay, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 13 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19.

Đến nay, kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỷ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2;

Tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,8% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỷ lệ 99,5% mũi 1 và 90,3% mũi 2;

Trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 93,9% mũi 2. Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ, ngành trên địa bàn đã tiêm được hơn 1,4 triệu mũi.

Cùng với việc tăng độ bao phủ vắc-xin cho người trên 50 tuổi, nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, thành phố đang triển khai tiêm mũi 3 (mũi vắc-xin bổ sung và nhắc lại). Đến nay, Hà Nội đã tiêm được hơn 221 nghìn mũi tiêm bổ sung và hơn 1 triệu mũi vắc xin nhắc lại. 

Hiện tại, các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Thêm 16.019 người mắc Covid-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 11/1, Việt Nam có thêm 16.035 ca nhiễm mới, trong đó 16 người nhập cảnh và 16.019 F0 ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 10.691 ca F0 trong cộng đồng.

Đồ thị tổng số ca nhiễm mới của Việt Nam tiếp tục dao động ở mức cao. Tổng số ca mắc trong ngày 11/1 tăng 1.236 ca so với ngày trước đó. Trong đó, các địa phương như Hà Nội, Khánh Hòa, Cà Mau, Bình Phước, Bình Định tiếp tục có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước.

Tính đến nay, Việt Nam có 1.930.428 ca nhiễm, trong đó có 4.486 ca nhập cảnh và 1.925.942 ca trong nước. Riêng đợt dịch bùng phát lần 4 (từ 27/4/2021) đến nay, số ca mắc ghi nhận là 1.924.372.

Tính đến ngày 11/1, Việt Nam phát hiện tổng cộng 31 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron, đều là những người được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

256 ca tử vong trong ngày

Số bệnh nhân nặng đang được điều trị tại Việt Nam 6.317 ca, trong đó có 4.541 trường hợp thở ô-xy mask; 909 người thở ô-xy dòng cao (HFNC); 125 bệnh nhân thở máy không xâm lấn; 125 người phải thở máy xâm lấn và 22 ca được can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 10/1 đến 17h30 ngày 11/1, Việt Nam có thêm 256 ca tử vong. TP.HCM có 19 ca, trong đó có 8 người từ các tỉnh chuyển đến gồm Đồng Nai (4), Bình Dương (2), Tây Ninh (2).

Những trường hợp khác được ghi nhận tại: Long An (30 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (24 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (21 ca trong 2 ngày), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Bến Tre (11), Tây Ninh (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (11), Tiền Giang (11), Cần Thơ (11), Sóc Trăng (11), An Giang (9), Hà Nội (9), Trà Vinh (7), Hậu Giang (7), Bình Dương (6), Bạc Liêu (6), Bình Định (5), Huế (4), Cà Mau (4), Hà Giang (4 ca trong 2 ngày), Bình Thuận (2), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1), Lâm Đồng (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.787 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Hy vọng thuốc điều trị Covid-19

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu sẽ có đánh giá toàn diện về thuốc điều trị Covid-19 có tên gọi Paxlovid và quy trình đánh giá sẽ diễn ra trong vài tuần.

 Pfizer nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid-19 lên Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 10/1 đã tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid-19 có tên gọi Paxlovid do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất.

EMA cho biết cơ quan này sẽ có đánh giá toàn diện về biệt dược này. Dự kiến, quy trình đánh giá sẽ diễn ra trong vài tuần.

Trước đó, Mỹ đã cấp phép sử dụng Paxlovid tại nước này. Đây là thuốc điều trị Covid-19 dạng uống, chỉ định dùng cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ đến vừa phải với các yếu tố bắt buộc đi kèm là từ 12 tuổi trở lên, có trọng lượng cơ thể hơn 40kg và có nguy cơ cao bệnh trở nặng.

Hà Nội tăng nhanh ca bệnh nặng 

Thống kê của Bộ Y tế, hiện có 450 bệnh nhân Covid-19 điều trị ở Hà Nội trong tình trạng nặng, nguy kịch, tăng hơn 40 ca so với ngày trước (ngày 8/1). 

Trong các bệnh nhân nặng, nguy kịch có gần 400 ca thở ô-xy qua mặt nạ, gọng kính (tăng 24%), số còn lại là bệnh nhân thở máy, lọc máu và đặt ECMO (hệ thống tim phổi ngoài màng cơ thể).

Tính đến hết ngày 10/1, toàn Thành phố có hơn 48.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị và cách ly. Các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân ở tầng 2 và 3. 

Hiện có hơn 43.300 F0 thuộc tầng 1, chiếm 93% tổng bệnh nhân đang điều trị tại Hà Nội. Từ 29/4 đến nay, Hà Nội có 270 bệnh nhân tử vong. Tỷ lệ tử vong trên tổng số mắc tăng từ 0,3% lên 0,4%.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, hiện có khoảng 200 bệnh nhân điều trị tại đây. Trong đó hơn 1 nửa là bệnh nhân nặng, nguy kịch, phải can thiệp ECMO, thở máy, HFNC, ô-xy mask/gọng kính...

Tổn thương nặng nhất trong Covid-19 là tổn thương phổi, hô hấp, đòi hỏi nhiều thời gian phục hồi của cơ thể, có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của bệnh nhân. Thậm chí, những người bị tổn thương phổi lớn hai bên, không còn khoảng lành rất khó hồi phục.

Ngoài ra, có những tổn thương khác như bệnh nhân nằm hồi sức lâu sẽ bị yếu cơ do bệnh lý hồi sức, dùng thuốc, thở máy... Trong quá trình điều trị Covid-19, bệnh nhân cũng có thể bị đột quỵ do tình trạng tăng đông máu, sự tương tác với bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.

Bắc Kạn: Số ca mắc Covid-19 giảm

Ngày 10/1, Sở Y tế Bắc Kạn thông tin, sau nhiều ngày liên tiếp phát hiện từ 30 đến 50 ca mắc Covid-19 mới/ngày, 2 ngày trở lại đây số ca ghi nhận mới ở tỉnh này đã giảm rõ rệt.

Trong ngày 9/1, trên địa bàn Bắc Kạn ghi nhận 25 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới. Như vậy, trong ngày 9/1, số F0 mới toàn tỉnh giảm 1 ca so ngày 8/1 và chỉ có huyện Na Rì và TP.Bắc Kạn ghi nhận ca F0 mới.

Cụ thể, tại huyện Na Rì, liên quan ca F0 tại thôn Cốc Càng, xã Xuân Dương, truy vết phát hiện thêm 20 ca. 

Trước đó, ngày 8/1, Bắc Kạn chỉ ghi nhận 26 ca mắc mới liên quan các chùm ca bệnh đã phát hiện ở thành phố Bắc Kạn, Na Rì và Pác Nặm. 

Như vậy, 2 ngày qua, Bắc Kạn liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống dưới 30 ca/ngày. Điều đó cho thấy nỗ lực và giải pháp của ngành chức năng, người dân đã phát huy hiệu quả. 

Trong đợt dịch từ ngày 27/12/2021 tới nay, Bắc Kạn ghi nhận tổng cộng 521 ca F0, trong đó 58 ca đã điều trị khỏi, 463 ca đang được theo dõi, cách ly tại các khu cách ly điều trị tại các huyện, thành phố và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Mặc dù đã kiểm soát tình hình bước đầu, nhưng dự báo diễn biến dịch sẽ rất phức tạp dịp cuối năm khi lượng người về tỉnh tăng cao. 

Vì vậy, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu tất cả mọi công dân (trong độ tuổi tiêm chủng và đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin Covid-19) từ Hà Nội và các khu vực có dịch của tỉnh, thành phố khác (kể cả đi, về hằng ngày) khi đến hoặc về tỉnh phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19; thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) trước khi vào tỉnh và phải thực hiện nghiêm túc khai báo y tế tại trạm y tế địa phương nơi đến.

Các ngành, đơn vị liên quan bảo đảm công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, hạn chế thấp nhất các ca diễn biến nặng. 

Giữ vững an toàn sinh học, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện y tế đối với tình huống khi có 500, 1.500, 3.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn.

Thái Nguyên thành lập cơ sở điều trị người nhiễm Covid-19 thể nhẹ

Trước tình hình số người mắc Covid-19 tăng cao, mỗi ngày từ hơn 100 đến 200 ca, tỉnh Thái Nguyên triển khai kế hoạch thành lập cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Thái Nguyên.

Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 này được giao cho Bệnh viện A Thái Nguyên quản lý, điều hành với quy mô từ 800 đến 1.200 giường bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế Thái Nguyên trình bày kế hoạch, giải pháp quản lý, hướng dẫn quản lý điều trị F0 tại nhà.

UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện A Thái Nguyên phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khẩn trương củng cố cơ sở vật chất tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Thái Nguyên, nhanh chóng thu dung và điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng; thành phố Thái Nguyên làm tốt công tác thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở thu dung, điều trị.

Người đã tiêm Pfizer hoặc AstraZeneca mũi 1 được tiêm mũi 2 bằng Moderna
Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, Bộ Y tế cho phép phối hợp tiêm mũi 2 vắc-xin Moderna cho người đã tiêm mũi 1 bằng Pfizer hoặc AstraZeneca.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư