Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 15/4: Hà Nội dự kiến tiêm vắc-xin cho trẻ vào 17/4
D.Ngân - 15/04/2022 12:15
 
Từ ngày 16/4, TP.HCM bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. TP. Hà Nội dự kiến tiêm vào ngày 17/4/2022. Đây là hai địa phương được phân bổ lượng vắc-xin lớn nhất cả nước.

 Hơn 20.000 F0 mới sau 24h

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 20.076 ca nhiễm mới trong nước tại 61 tỉnh, thành phố (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (giảm 252 ca), Lào Cai (giảm 200 ca), Lâm Đồng (giảm 187 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Giang (tăng 253 ca), Hà Giang (tăng 89 ca), Phú Yên (tăng 68 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 25.163 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 14/4 đến 16h ngày 15/4, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 20.076 ca nhiễm mới tại 61 tỉnh, thành phố (có 15.555 ca trong cộng đồng).

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.394.533 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.104 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.386.786 ca, trong đó có 8.860.227 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.531.044), TP.HCM (605.596), Nghệ An (474.374), Bình Dương (382.453), Bắc Giang (378.943).

Vẫn còn hơn 1.200 F0 đang phải thở ô-xy

Về tình hình điều trị, có thêm 6.417 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 8.863.044. Ngoài ra, hiện có 1.242 bệnh nhân đang thở ôxy. 

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 23 ca tử vong tại 19 tỉnh, thành phố.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 22 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.924 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Số ca mắc Covid-19 mới ở Hà Nội giảm mạnh

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 14/4 đến 18h ngày 15/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.425 ca Covid-19, giảm hơn 250 ca so với hôm qua, trong đó có 526 ca cộng đồng và 899 ca đã cách ly.

Cụ thể, 1.425 bệnh nhân phân bố tại 280 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (61), Long Biên (48), Gia Lâm (39), Hoàng Mai (38).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.531.582 ca.

Hiện toàn thành phố còn có 135.482 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi (giảm gần 5.300 ca so với ngày trước đó) trong đó có 521 ca điều trị tại các bệnh viện; gần 140.000 ca theo dõi cách ly tại nhà.

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội báo cáo đã tiêm được hơn 4,3 triệu liều nhắc lại (đạt 93%). Ngoài ra, có thêm gần 140.000 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay Thủ đô sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi kể từ ngày chủ nhật (17/4) tới đây.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Hà Nội triển khai tiêm cho khối học sinh lớp 6 trước, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi.

Ngay trong chiều nay, Hà Nội đã tổ chức tập huấn lần 2 cho các đơn vị y tế và cơ sở giáo dục về sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí một số phản ứng sau tiêm cho trẻ. 

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phân bổ cho Hà Nội 72.700 liều vắc-xin Moderna phòng Covid-19 do Chính phủ Australia viện trợ để tiêm cho nhóm trẻ này.

Đồng loạt cấp vắc-xin điện tử

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, hôm nay, ngày 15/4, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Trước đó, từ ngày 8/4, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thực hiện xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số. Cơ sở nào nhập dữ liệu mũi tiêm thì chịu trách nhiệm ký duyệt thông tin tiêm chủng.

TP.Hà Nội dự kiến sẽ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vào 17/4 tới.

Biểu mẫu hộ chiếu vắc-xin đã được Bộ Y tế ban hành từ tháng 12/2021 gồm 11 trường thông tin, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vắc-xin... Thông tin được hiện thị bằng mã QR Code để bảo mật, tránh sai sót lộ, lọt thông tin cá nhân.

Hộ chiếu vắc-xin được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu.

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp hộ chiếu vắc-xin. Tuy nhiên, để biết hộ chiếu vắc-xin được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào, người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.

Tính đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 19 nước. 

Các nước công nhận hộ chiếu vắc-xin Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.

Phân bổ vắc-xin cho các tỉnh, thành phố

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định phân bổ vắc-xin Moderna cho các tỉnh thành phố để tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6).

Được biết, vắc-xin Moderna sẽ được ưu tiên tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6) trên cả nước. Số vắc-xin Moderna (tính theo liều 0,25ml) này do Chính phủ Australia viện trợ. 

Theo quyết định phân bổ vừa được ký ngày 14/4, TP HCM và Hà Nội là hai địa phương được phân bổ số lượng lớn nhất với lần lượt 87.500 và 72.700 liều.

Các địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An, Đồng Nai được phân bổ từ 31.000 tới 35.700 liều. Địa phương nhận số liều thấp nhất là Bắc Kạn (3.300 liều).

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vắc-xin và tổ chức tiêm ngay khi được phân bổ, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố theo phân vùng quản lý.

Vắc-xin Moderna là một trong 2 loại vắc-xin được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Liên quan việc tiêm vắc-xin cho trẻ, ngày 14/4 Bộ Y tế chính thức phát động chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm cho học sinh lớp 6.

Hà Nội tiêm vắc-xin cho trẻ vào ngày 17/4

Tại Hà Nội, dự kiến, Thủ đô sẽ triển khai tiêm vắc-xin Moderna cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vào ngày 17/4. Thủ đô có khoảng 950.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12. Hà Nội sẽ triển khai tiêm theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc-xin.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ hoàn thành trong quý II/2022. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tìm kiếm nguồn vắc-xin và đã tiếp nhận được lô vắc-xin cho trẻ em về Việt Nam.

Hai loại vắc-xin được tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là: Pfizer và Moderna. Với 2 vắc-xin này, khi triển khai ở một số nước đã gặp một số phản ứng tiêm chủng thường gặp như: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao với liều thứ 2), sưng tại vị trí tiêm.

Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi tứ 5-11 tuổi là sưng tại vị trí tiêm trên 80%, kiệt sức trên 50%, đau đầu trên 30%, tấy đỏ tại vị trí tiêm trên 20%, đau cơ và ớn lạnh trên 10%.

Một số phản ứng thường gặp: Buồn nôn, tấy đổ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp: nổi hạch, phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù, mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Phản ứng nặng: Rất hiếm gặp tỷ lệ 1/10.000 viêm cơ tim, viêm màng tim. Tuy nhiên, luôn phải có tinh thần cảnh giác để tránh xảy ra sự đáng tiếc khi xảy ra phản ứng.

TP.HCM tiêm vắc-xin cho trẻ vào ngày mai, 16/4

Từ ngày 16/4, TP.HCM bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, ngành Giáo dục thành phố đang phối hợp ngành Y tế chuẩn bị cho việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh dưới 12 tuổi.

Theo đó, việc tiêm vắc-xin cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố sẽ bắt đầu từ ngày 16/4, dự kiến tiêm cho tất cả học sinh lớp 6 khối THCS và học sinh lớp 5 ở 5 trường tiểu học: Bàu Sen (quận 5), Tân Sơn Nhì (Tân Phú), Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), và Dương Minh Châu (quận 10).

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố cho biết thêm, cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành thống nhất của Bộ Y tế có nghĩa là phụ huynh, người giám hộ là người quyết định việc tiêm hay không tiêm vắc-xin cho trẻ và khi tiêm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Ông Phạm Đức Hải cho hay, dù các em không tiêm cũng không có sự phân biệt gì với người tiêm. Các em vẫn được ngành giáo dục, địa phương tạo điều kiện đến trường học trực tiếp. Nhà trường vẫn phải bảo đảm thực hiện an toàn phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, luôn luôn bảo đảm sức khỏe cho các em học sinh.

TP.HCM rút ngắn thời gian F0 khai báo qua mạng

UBND TP.HCM ban hành Công văn về việc điều chỉnh số ngày chấp nhận kết quả dương tính khai báo F0. 

Theo hướng dẫn mới này, sau 20 ngày triển khai thí điểm các hoạt động chuyển đổi số trong việc quản lý F0 cách ly tại nhà, đã có 87.010 lượt F0 khai báo qua địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn.

Các Trạm Y tế tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và xác nhận 63.695 trường hợp là F0 do có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ 73%. 

Đồng thời, có 1.301 người thuộc nhóm nguy cơ cao và 12.753 người khai báo có triệu chứng nghi nặng đã được Trạm y tế chủ động tiếp cận, chăm sóc và điều trị kịp thời

Khi bắt đầu triển khai thử nghiệm khai báo trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng chưa có thói quen khai báo F0 trực tuyến, Thành phố cho phép các F0 có thể khai báo trong vòng 5 ngày (kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính).

Tuy nhiên, qua phân tích thời gian khai báo của F0 cho thấy 75% F0 đã khai báo trong 48 giờ đầu.

Nhằm tạo thói quen khai báo ngay trong vòng 48 giờ và tạo thuận lợi cho các Trạm Y tế trong giải quyết hồ sơ trực tuyến, theo đề nghị của Sở Y tế, UBND TP đồng ý rút ngắn thời gian F0 hoặc người chăm sóc khai báo kết quả xét nghiệm dương tính khi cách ly tại nhà xuống còn trong vòng 48 giờ đầu (kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính).

Thành phố giao Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, tăng cường giám sát thực tế tại các phường, xã, thị trấn để rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung, điều chỉnh ứng dụng, giảm thấp nhất rủi ro về kỹ thuật và tạo sự tiện lợi nhất cho người sử dụng.

[Infographic] Hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022
Hai loại vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư