Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 26/12: Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở điều trị
D.Ngân - 26/12/2021 09:31
 
Bộ Y tế yêu cầu rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

TP.HCM có số ca giảm nhiều nhất

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 15.218 ca nhiễm mới, trong đó có 36 ca nhập cảnh và 15.182 ca tại 62 tỉnh, thành phố.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là TP.HCM (giảm 341 ca), Cà Mau (giảm 256 ca), Tiền Giang (giảm 197 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Định (tăng 413 ca), Đắk Lắk (tăng 270 ca), Bến Tre (tăng 227 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.865 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.651.673 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.749 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.646.033 ca, trong đó có 1.245.423 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện, có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (500.057), Bình Dương (290.163), Đồng Nai (96.827), Tây Ninh (70.594), Long An (40.083).

Hơn 18.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, nước ta có thêm 18.556 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 26-12, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.248.240 ca. Ngoài ra, hiện có 7.582 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 25/12 đến 17h30 ngày 26/12, nước ta ghi nhận 207 ca tử vong tại 24 tỉnh, thành phố: TP.HCM (36), An Giang (24), Tiền Giang (16), Tây Ninh (15), Đồng Nai (15), Vĩnh Long (13), Đồng Tháp (12), Kiên Giang (12), Bình Dương (9), Sóc Trăng (8), Bến Tre (7), Cà Mau (7), Cần Thơ (6), Trà Vinh (5), Bình Định (4), Bình Thuận (4), Hà Nội (3), Long An (3), Khánh Hòa (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Lạng Sơn (1), Quảng Ngãi (1), Phú Yên (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 235 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.214 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49  quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN); số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 6 ASEAN).

Hà Nội có số mắc cao nhất cả nước

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 24/12 đến 18h ngày 25/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.879 ca Covid-19 (tăng 45 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 549 ca tại cộng đồng, 1.272 ca tại khu cách ly và 58 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca dương tính tại Hà Nội tăng mạnh tới trên 1.800 ca/ngày. Các bệnh nhân mắc mới phân bố tại 350 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (207); Đống Đa (166); Long Biên (120); Thanh Trì (108); Thanh Xuân (104); Đông Anh (96); Hoàn Kiếm (93). Riêng 549 ca cộng đồng được ghi nhận tại 204 xã, phường thuộc 28/30 quận, huyện.

Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Hoàng Mai (60); Thanh Xuân (51); Đống Đa (48); Thanh Trì (46); Long Biên (37); Tây Hồ (30).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay) là 37.522 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 13.539 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 23.983 ca.

Trước thực tế số ca mắc đang gia tăng nhanh trong những ngày gần đây, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động, sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch.

Bộ Y tế yêu cầu đánh giá chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn về tăng cường giám sát, bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2.

Công văn khẩn được gửi tới Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Trường Đại Học Y Hà Nội, Trường Đại Học Y Dược TP.HCM và Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM.

Bộ Y tế thông tin, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường trước nguy cơ xuất hiện biến chủng Omicron được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn chủng Delta, hơn nữa dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương.

Công tác xét nghiệm đã và đang được triển khai kịp thời phát hiện, điều trị, ngăn ngừa, cách ly người bệnh góp phần khống chế dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu lãnh đạo các Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tăng cường công tác bảo đảm chất lượng xét nghiệm, đánh giá chất lượng sinh phẩm xét nghiệm, trong đó tập trung vào xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đồng thời, các trung tâm tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao để hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm SARS-CoV-2.

Các trung tâm chủ động, tích cực theo dõi kiểm tra, giám sát, phân tích nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp kịp thời để duy trì, cải tiến liên tục nâng cao chất lượng xét nghiệm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong bối cảnh dịch còn phức tạp Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vắc xin do thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới.

Rà soát các đối tượng nguy cơ cao chưa tiêm vắc-xin

Bộ Y tế nhận định số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến thể mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động lớn đến hệ thống y tế, vì thế cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vắc-xin.

Hiện nay số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh, thành phố gia tăng, yêu cầu cần nhanh chóng bao phủ vắc-xin mũi 2 và tiêm nhắc lại mũi 3.

Lý do vì thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới.

Bộ Y tế đã công điện yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19. 

Theo đó, hiện nay số ca mắc tại các tỉnh, thành phố gia tăng, đặc biệt trên thế giới đã xuất hiện biến chủng mới siêu lây nhiễm có thể gây tác động rất lớn đến hệ thống y tế.

Theo  đó, Bộ  Y  tế  yêu  cầu  các địa phương cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, trang phục phòng hộ cá nhân, bảo đảm ô-xy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3… 

Đồng thời, cần rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh Covid-19.

Các cơ sở y tế cần thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo hướng dẫn ngay từ trạm y tế, tổ Covid cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.

Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý, theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời. 

Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị.

Bộ Y  tế  cũng lưu ý các địa  phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp: Rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch...) để tiêm đầy đủ vắc-xin ngay cho đủ liều.

TP.HCM tiêm vắc-xin cho F0 khỏi bệnh

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện rà soát, sử dụng nguồn ô-xy hợp lý, không để gián đoạn cung ứng ô-xy trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, lượng ô-xy sử dụng cho công tác điều trị người bệnh Covid-19 của TP dao động từ 300-350 tấn/ngày.

Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện cần tuân thủ đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

Về công tác tiêm chủng, sở yêu cầu các địa phương thực hiện mũi 3 (mũi bổ sung và nhắc lại) và hoàn tất trong tháng 1/2022. 

Các quận, huyện và TP.Thủ Đức phải thực hiện cao điểm tiêm mũi 3 cho cả nhóm nguy cơ, không nguy cơ sau khi đủ 3 tháng tiêm mũi 2. Sở Y tế TP.HCM cũng lưu ý tất cả F0 vừa hoàn thành điều trị cần được tiêm vắc-xin ngay, không chờ đủ 6 tháng.

Theo sở, tất cả F0 thuộc nhóm nguy cơ phải được sử dụng gói thuốc C ngay trước khi đi cách ly và không phải có triệu chứng. Đối với F0 không thuộc nhóm nguy cơ, các địa phương cần cấp phát Molnupiravir khi họ có triệu chứng nhẹ.

Hơn 10.000 F0 đang điều trị tại nhà ở Hà Nội

Do số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh, Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh kế hoạch quản lý F0 tại nhà nhằm giảm tải cho ngành Y tế.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 10.157 F0 tự theo dõi tại nhà, 4.809 ở khu cách ly và 4.800 trường hợp nhiễm Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện.

Trong số này, 3.126 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.386 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 288 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 253 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 10 trường hợp thở ô-xy dòng cao (HFNC), 7 người thở máy không xâm lấn và 18 ca thở máy xâm lấn.

Tại văn bản chỉ đạo trước đó của Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh, Hà Nội yêu cầu các địa phương đẩy mạnh quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà; sẵn sàng kích hoạt cơ sở thu dung điều trị F0.

UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên đánh giá cấp độ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động tập trung đông người; Kịp thời điều chỉnh biện pháp hành chính phù hợp, xem xét dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương theo diễn biến dịch.

UBND Hà Nội vừa cập nhật cấp độ trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn với 6 quận trở thành vùng cam gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Trước đó, hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng được đánh giá cấp độ 3.

Bộ Y tế lo ngại lây nhiễm Covid-19 vì F0 tự ý đến bệnh viện điều trị
Người dân tự test nhanh dương tính, tới bệnh viện điều trị có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư