Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về dịch bệnh ngày 15/5: Khám, tư vấn hậu Covid-19 cho hơn 1 triệu người
D.Ngân - 15/05/2022 10:47
 
Hội Thầy thuốc trẻ TP.Hà Nội và nhiều đơn vị liên quan vừa phát động hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2022.

Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do Covid-19 trong 24h

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.594 ca nhiễm mới tại 47 tỉnh, thành phố (giảm 301 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Vĩnh Phúc (giảm 51 ca), Nghệ An (giảm 35 ca), Lai Châu (giảm 30 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 57 ca), Đà Nẵng (tăng 19 ca), Bình Phước (tăng 15 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 2.493 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.696.630 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.085 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.688.877 ca, trong đó có 9.352.223 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.595.101), TP.HCM (608.954), Nghệ An (483.509), Bắc Giang (386.441), Bình Dương (383.669).

Về tình hình điều trị, có thêm 5.448 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.355.040. Ngoài ra, hiện có 340 bệnh nhân đang thở ô-xy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.065 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội chỉ còn 140 F0 điều trị tại bệnh viện

Chiều 15/5, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 461 ca Covid-19, trong đó có 140 ca cộng đồng và 321 ca đã cách ly. Đến nay, toàn Thành phố chỉ còn 140 ca Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện.

Cụ thể, 461 bệnh nhân ghi nhận trong 24 giờ qua phân bố tại 161 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (44); Hoàng Mai (34); Đông Anh (34); Long Biên (31); Nam Từ Liêm (30). 

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là hơn 1,59 triệu ca, trong đó có 1.335 ca tử vong.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Thành phố còn gần 92.800 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 140 ca Covid-19 điều trị tại bệnh viện (giảm hơn 110 ca) và hơn 92.600 ca theo dõi tại nhà.

Về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính từ chiều 16/4 cho đến hết ngày 14/5, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho gần 169.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (tăng thêm 2.000 trẻ so với ngày trước đó).

Chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19

Hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2022 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19: Chạm “AI” - Chạm sức khỏe”được tổ chức nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu Covid-19. Qua đó, can thiệp chăm sóc và điều trị, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến các hoạt động chức năng và sức khỏe người dân.

Thầy thuốc trẻ khám bệnh cho người dân ngày 14/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hành trình sẽ diễn ra từ ngày 14/5/2022 đến hết năm, với 4 đội hình: Đội hình y bác sỹ khám bệnh tình nguyện; Đội hình chuyên gia tư vấn trực tuyến; Đội hình thanh niên ứng phó phản ứng nhanh; Đội hình tiên phong khoa học kỹ thuật ứng dụng trong chăm sóc hậu Covid-19.

Trên quy mô cả nước, Hành trình đặt ra mục tiêu có 20.000 thầy thuốc trẻ tham gia hành trình (cả trực tiếp và trực tuyến); 100.000 người dân được tư vấn, khám bệnh trực tiếp; 1.000.000 người dân được chẩn đoán bệnh thông qua AI; 3.000.000 người dân được khám tổng quát và tư vấn trực tuyến; Vận động hội viên, thanh niên hiến 50.000 đơn vị máu…

Ngày 14/5, tại Lễ phát động Hành trình diễn ra tại đầu cầu Hà  Nội, 120 y, bác sĩ tình nguyện của Thủ đô đến từ 14 bệnh viện trên địa bàn đã tham gia khám bệnh trực tiếp, hoàn toàn miễn phí cho người dân.

Theo đó, người dân được khám bệnh tổng quát và chuyên sâu; kiểm tra huyết áp, các dấu hiệu di chứng hậu Covid-19 và triệu chứng Covid-19 kéo dài; khám hô hấp; khám tim mạch, kiểm tra nhịp tim và đo điện tâm đồ.

Đặc biệt, người dân cũng chụp X-quang tại chỗ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra cảnh báo bằng cách không in phim cứng và trả kết quả tư vấn ngay trên điện thoại qua ứng dụng AiviCare, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Không chủ quan với dịch Covid-19

Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, trong tuần, cả nước ghi nhận khoảng 2.000 ca trong cộng đồng mỗi ngày và dưới 3 ca tử vong mỗi ngày.

Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn. 

Để duy trì thành quả chống dịch Bộ Y tế đề nghị các địa phương đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị Covid-19.

Đồng thời nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm virus để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.

Về chính sách phòng chống dịch, từ hôm nay, Việt Nam tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh

Trước đó, Việt Nam cũng tạm dừng yêu cầu khai báo y tế với người nhập cảnh từ 0h ngày 27/4 và cả khai báo y tế nội địa từ 0h ngày 30/4.

Ồ ạt đi khám hậu Covid-19 là lãng phí
Theo các chuyên gia y tế, không phải bệnh nhân nào sau Covid-19 cũng cần đi khám Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư