Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 16/10: Xử nghiêm sai phạm thu phí xét nghiệm
D.Ngân - 16/10/2021 09:38
 
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.Hà Nội và TP.HCM khẩn trương báo cáo Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện và thu phí xét nghiệm Covid-19, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).

3.211 ca mắc mới, giảm 578 ca

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3.221 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 10 ca nhập cảnh và 3.211 ca ghi nhận trong nước (giảm 578 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là TP.HCM (giảm 341 ca), Sóc Trăng (giảm 272 ca), Đồng Nai (giảm 189 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Thuận (tăng 116 ca), Đắk Lắk (tăng 84 ca), Quảng Nam (tăng 60 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.374 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 860.860 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.743 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 856.197 ca, trong đó có 787.687 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (416.665), Bình Dương (224.877), Đồng Nai (58.105), Long An (33.684), Tiền Giang (14.965).

Về tình hình điều trị, có thêm 1.581 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 16/10, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 790.504. Ngoài ra, hiện còn 3.528 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Cũng trong ngày 16/10, nước ta ghi nhận 88 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố: TP.HCM (58), Bình Dương (11), Tiền Giang (3), Long An (3), Tây Ninh (3), An Giang (2), Cần Thơ (2), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1), Đồng Nai (1), Gia Lai (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 98 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.131 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 35/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Sputnik V

Gần 740.000 liều vắc-xin Covid-19 Sputnik V có hạn đến 30/10 sẽ được chuyển tới các điểm tiêm chủng để sử dụng ngay trong tuần này khi có phiếu xuất xưởng.

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), đơn vị nhập khẩu lô vắc-xin này, cho biết doanh nghiệp đã xin phép và được Bộ Y tế thông qua trước khi nhập khẩu.

Lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định đơn vị đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Bộ Y tế về quy trình nhập khẩu và sử dụng cho người dân khi vắc-xin phải còn hạn sử dụng. Hạn dùng của lô vắc-xin này là 30/10.

Cũng theo ông Đạt, khi nhập khẩu loại vắc-xin này, doanh nghiệp phải cam kết cung cấp đúng thời hạn và đủ số lượng loại vắc-xin cho liều nhắc lại.

Đơn vị này đang tiến hành thủ tục nhập khẩu cho các lô vắc-xin tiếp theo để việc tiêm chủng diễn ra đúng thời hạn theo yêu cầu.

Theo quy định của nhà sản xuất, mũi tiêm thứ 2 của vắc-xin Sputnik V sẽ cách mũi tiêm đầu tiên 21 ngày.

Về vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới hướng dẫn các quốc gia cần tính toán để sử dụng vắc-xin Covid-19 ít nhất 2 tuần trước khi hết hạn.

Trước đó, ngày 24/9, VABIOTECH đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế xin phép nhập khẩu vắc-xin Sputnik V có hạn sử dụng ngắn để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Vắc-xin Sputnik V là một trong 8 loại vắc-xin Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép trong tình trạng khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch.

Ngày 16/10, TP.Thủ Đức tổ chức tiêm vắc-xin Sputnik V tại 3 địa điểm trên tinh thần tự nguyện đăng ký của người dân.

Theo thông báo của UBND TP.Thủ Đức, 3 địa điểm tổ chức tiêm vắc-xin này là Trung tâm Y tế Khu vực 2 (quận 9 cũ), Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức và tại Bệnh viện Bưu Điện (số 2 Nguyễn Duy Hiệu, phường Thảo Điền).

UBND TP.Thủ Đức đề nghị người dân khi đi tiêm chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận tiêm mũi 1 (nếu có).

Hà Nội: 12 F0 mới, trong đó có 10 ca từ TP.HCM trở về

Chiều 16/10, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 15/10 đến 18 giờ ngày 16/10 Hà Nội ghi nhận 12 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được cách ly.

Phân bố theo quận, huyện: Thanh Xuân (3), Chương Mỹ (2), Đống Đa (2), Hoàn Kiếm (2), Mê Linh (1), Mỹ Đức (1), Nam Từ Liêm (1). Phân bố theo các chùm: Chùm liên quan Việt Đức (2), chùm về từ các vùng có dịch (10).

Chùm liên quan Việt Đức (2):

1) C.T.T.H., nữ, sinh năm 2008, Thị trấn Thanh Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ. Bệnh nhân là người bệnh vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 29/9 được lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần âm tính.

Ngày 5/10 được chuyển cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính.

2) N.T.K.T., nữ, sinh năm 1965, Mễ Trì, Nam Từ Liêm. Bệnh nhân là người bệnh vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 29/9 được lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần âm tính.

Ngày 5/10 được chuyển cách ly tại Bệnh nhân Thanh Nhàn. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệmvà  kết quả dương tính.

Chùm về từ các vùng có dịch (10):

1) C.V.N., nam, sinh năm 1978, Đông Sơn, Chương Mỹ.  Bệnh nhân là người về từ TP.HCM về tới Hà Nội ngày 13/10. Ngày 15/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

2) N.T.D.V., nữ, sinh năm 1994, Cửa Nam, Hoàn Kiếm. Bệnh nhân là người về từ TP.HCM về tới Hà Nội ngày 13/10. Ngày 15/10 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

3) V.T.T.M., nữ, sinh năm 1997, Liên Mạc, Mê Linh. Bệnh nhân là người về từ Đồng Nai về tới Hà Nội ngày 13/10. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly kết quả dương tính.

4) B.V.H., nam, sinh năm 1993, Đông Sơn, Chương Mỹ. Bệnh nhân về từ Tây Ninh ngày 27/9, đã được xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 15/10 được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính

5) L.X.S., nam, sinh năm 1979, An Mỹ, Mỹ Đức. Bệnh nhân là người về từ TP.HCM ngày 11/10 về đến Hà Nội ngày 13/10. Ngày 15/10 lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

6) N.P.T., nam, sinh năm 1997, Nhân Chính, Thanh Xuân. Bệnh nhân là người về từ TP.HCM  ngày 9/10. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

7) N.H.K., nam, sinh năm 1996, Nhân Chính, Thanh Xuân. Bệnh nhân là người về từ TP.HCM ngày 9/10. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

8) Đ.N.H., nam, sinh năm 1990, Nhân Chính, Thanh Xuân. Bệnh nhân là người về từ TP.HCM ngày 9/10. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

9) C.T.T.H., nữ, sinh năm 1981, Cát Linh, Đống Đa. Bệnh nhân là người về từ TP.HCM ngày 13/10. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

10) Đ.T.G., nam, sinh năm 1981, Cát Linh, Đống Đa.

Bệnh nhân là người về từ TP.HCM ngày 13/10. Ngày 15/10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.091 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.485 ca.

Xử lý sai phạm thu phí xét nghiệm trước ngày 18/10

Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành và các cơ sở y tế tư nhân về việc chỉ định và thu phí xét nghiệm Covid-19.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.Hà Nội và TP.HCM khẩn trương báo cáo Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện và thu phí xét nghiệm Covid-19, xử lý nghiêm các sai phạm - nếu có

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, việc xét nghiệm để phát hiện và kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất cần thiết, tuy nhiên theo phản ánh vẫn có tình trạng một số cơ sở chưa thực hiện đúng chỉ định và mức giá theo hướng dẫn.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị rà soát toàn bộ và thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế đối với việc thực hiện và thu phí xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở xét nghiệm Covid-19 trực thuộc.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, không để tình trạng lạm dụng xét nghiệm, tạo gánh nặng cho người bệnh đặc biệt là người bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày. 

Đối với Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP.HCM khẩn trương báo cáo Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện và thu phí xét nghiệm Covid-19, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) tại địa phương trước ngày 18/10/2021.

Người vào Nam Định không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2

Từ 0 giờ ngày 16/10, người vào tỉnh Nam Định không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng phải tiến hành khai báo y tế với chính quyền địa phương nơi đi và về để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cũng từ ngày 16/10, tỉnh Nam Định cho phép các cửa hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh cà phê hoạt động trở lại, tạm thời phục vụ tối đa 50% công suất...

Người đến, về từ vùng cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ) hoặc các khu vực đang phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19 nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. 

Những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 phải cách ly tập trung 7 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày, xét nghiệm 3 lần.

Người đến, về từ vùng cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam) và vùng cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (có xác nhận của cơ sở y tế) cách ly tại nhà 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm 2 lần.

Những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cách ly tại nhà 14 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm 3 lần.

Người đến, về từ vùng cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh), tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định.

Pfizer/BioNTech xin cấp phép vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi

Hãng dược phẩm Pfizer Inc (Mỹ) và đối tác BioNTech SE (Đức) thông báo đã nộp các dữ liệu về việc sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, do hai hãng phối hợp phát triển, với nhóm trẻ em từ 5-12 tuổi, lên Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) để được xem xét cấp phép.

Dù hiện nay vắc-xin của hai hãng này chưa được cấp phép sử dụng cho nhóm trẻ nhỏ nhưng đã được cấp phép sử dụng cho nhóm trẻ trên 12 tuổi ở cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Đầu tháng này, các hãng trên cũng đã đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 mà hai hãng phát triển cho nhóm trẻ nhỏ.

Dự kiến, Ủy ban cố vấn của FDA sẽ họp vào tháng tới để đánh giá các dữ liệu mà hai hãng cung cấp.

Trước đó, ngày 20/9, Pfizer và BioNTech công bố các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng với 2.268 tình nguyện viên tham gia cho thấy, vắc-xin phòng Covid-19 của các hãng này tạo phản ứng miễn dịch mạnh và an toàn khi sử dụng ở nhóm trẻ nhỏ từ 5-11 tuổi.

Hai hãng cũng dự định tiếp tục xin cấp phép sử dụng vắc-xin ở nhóm trẻ nhỏ tại nhiều quốc gia khác.

Pfizer và BioNTech cũng đang tiến hành thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 ở nhóm trẻ sơ sinh (từ 6 tháng đến 2 tuổi) và trẻ từ 2-5 tuổi.

Các dữ liệu ban đầu về thử nghiệm ở nhóm này có thể sẽ được công bố trước cuối năm nay.

Dù trẻ em nói chung được cho là nhóm có ít nguy cơ bệnh nặng nếu mắc Covid-19 nhưng vẫn có thể lây truyền vi rút cho những nhóm khác, trong đó có cả những nhóm có nguy cơ cao bị bệnh nặng.

Hiện nay, việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ được xem là chìa khóa để mở cửa trở lại các trường học và giúp chấm dứt đại dịch Covid-19.

Israel đã cấp phép đặc biệt cho việc sử dụng vắc-xin của Pfizer/BioNTech với liều lượng thấp hơn để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, nhóm được cho là có nguy cơ đáng kể bị bệnh nặng và tử vong vì Covid-19.

Italy trao tặng Việt Nam thêm hơn 2 triệu liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca qua cơ chế COVAX.

Ngày 15/10, lô hàng bao gồm 2.021.360 liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca do Chính phủ Italy trao tặng Việt Nam thông qua cơ chế COVAX đã về đến Hà Nội. Như vậy, cùng với 812.060 liều vắc-xin tiếp nhận vào ngày 14/9, cho đến nay, Italy đã bàn giao tổng cộng hơn 2,8 triệu liều vắc-xin nhằm hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam và Italy luôn đồng hành, sát cánh với nhau trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm 2020, khi Italy là nước châu Âu đầu tiên chịu tác động của Covid-19, Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang và vật dụng y tế chuyển tới Italy. 

Trong khi đó, với số lượng hơn 2,8 triệu liều, Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên nhận vắc-xin lớn nhất của Italy trên toàn cầu.

Italy là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho cơ chế COVAX. Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19 ngày 22/9 vừa qua, bên cạnh đóng góp tài chính, Italy đã công bố nâng mức cam kết chia sẻ lên 45 triệu liều vắc-xin cho cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ các nước đẩy lùi dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, làm rõ về giá kit xét nghiệm
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tích cực công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư