Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 11/10: Báo động số lượng trẻ em đuối nước; Đồng Tháp có 12 ca tử vong vì sốt xuất huyết
D.Ngân - 11/10/2022 09:11
 
Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 3 trẻ đuối nước trong tình trạng nguy kịch, có trẻ đã không qua khỏi.

Tại Việt Nam, đuối nước là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em, khi mỗi ngày có tới 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Phổ biến nhất là ở nhóm tuổi còn nhỏ từ 0-5 tuổi chưa tự ý thức được hành động và trẻ từ 9-15 tuổi đã có thể độc lập về mặt hành động, sở thích, ý muốn.

Dù là ở nhóm tuổi nào, trẻ vẫn cần được sự giám sát của cha mẹ, cảnh báo từ những người xung quanh khi đi bơi hoặc vui chơi gần các khu vực ao hồ, bể bơi.

Tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 23/9, bé trai L.N (12 tuổi, Hà Nam) vừa được rút máy thở sau 2 ngày điều trị đuối nước. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết L.N đang giúp ông nội lùa vịt thì không may trượt chân ngã xuống ao, ngay lập tức ông nội đã hô hoán người dân xung quanh ra giúp đỡ.

Ảnh minh hoạ

Thời gian trẻ được vớt lên khỏi mặt nước là khoảng 2 phút kể từ khi tai nạn xảy ra, trẻ vẫn còn thở, chưa bị ngừng tim, trẻ được thực hiện sơ cứu tại chỗ và đưa đến Bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu. Ngay sau đó, bệnh nhi L.N được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, sau khi thực hiện thăm khám và các bước cấp cứu ban đầu, trẻ được thở máy, dùng thuốc vận mạch, chống sốc; kết hợp điều trị viêm phổi do hít. Sau 2 ngày điều trị, trẻ đã qua được cơn nguy kịch, tuy nhiên sức khỏe còn yếu, tâm lý hoảng loạn và tiếp tục được điều trị viêm phổi bội nhiễm.

Nhưng cũng nhập viện cùng thời điểm tuần vừa rồi, bé M.Q (10 tuổi, Bắc Ninh) và gia đình lại không được may mắn như thế. Do không được sơ cứu kịp thời và đúng cách, thời gian chuyển đến Bệnh viện trẻ đã ngừng tim quá lâu nên dù rất nỗ lực các bác sĩ đã không thể cứu được bé.

Chiều ngày xảy ra tai nạn, bé M.Q đi học về và đi bơi cùng các em nhỏ hơn, không may trẻ bị đuối nước. Khi có người đi tập thể dục phát hiện ra thì trẻ đã nổi trên mặt nước, trước đó, các bé đi cùng quá nhỏ nên rất hoảng sợ, không có khả năng báo động để được giúp đỡ.

Trường hợp thứ 3 là bé Đ.H (2 tuổi, Vĩnh Phúc) ngã xuống bể cá cảnh. Khi phát hiện ra trẻ nằm ngửa, tím tái. Gia đình cũng sơ cứu sai lầm theo cách dân gian là dốc ngược chạy, sau đó mới hô hấp nhân tạo. Trẻ nhập Bệnh viện huyện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, suy hô hấp.

Cùng ngày 24/9 trẻ được bóp bóng qua nội khí quản, sủ dụng thuốc vận mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, trẻ cũng được thở máy, điều trị suy tuần hoàn, kiểm soát thân nhiệt chủ động, sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi một cách tích cực. Các chỉ định cận lâm sàng: Xquang tim phổi, điện não đồ,… cũng được tiến hành. Tuy nhiên, tình trạng trẻ không khả quan, tiên lượng rất xấu.

Trước đó, chỉ trong một ngày 03/09/2022, tại Khoa cấp cứu và Chống độc đã liên tiếp nhận 6 trẻ nhập viện điều trị do đuối nước ở độ tuổi từ 3-12 tuổi. Trong đó cũng có trẻ không qua khỏi.

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Vì vậy, cấp cứu tại chỗ đúng cách có thể giúp trẻ đuối nước vượt qua nguy kịch.

Khi trẻ bị tai nạn đuối nước được đưa lên bờ, dù tỉnh hay bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức như sau:

1. Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không bế dốc lên hoặc bế chạy ngược như truyền miệng.

2. Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.

3. Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận: lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.

4. Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực: hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 – 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.

5. Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.

6. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại (hình 3).

7. Cần gọi hỗ trợ cấp cứu 115 hoặc các chuyên gia/bác sĩ quen biết.

Trao quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương giữ chức vụ Viện trưởng Viện Dinh dưỡng.

Quyền Bộ trưởng mong muốn trên cương vị mới, đồng chí Trần Thanh Dương cùng các đồng chí trong Ban Lãnh đạo, Đảng ủy và tập thể Viện phát huy truyền thống tốt đẹp của Viện, tập trung thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân và góp phần đạt được các chỉ tiêu kinh tế xã hội, mục tiêu Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và Chính phủ về các chỉ tiêu dinh dưỡng.

Đề nghị Viện Dinh dưỡng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt các quy chế, quy định trong quá trình hoạt động của Viện, đảm bảo các hoạt động đều công khai, minh bạch, tập trung dân chủ để góp phần phát huy sức mạnh tập thể trong túc trình triển khai chức năng, nhiệm vụ được giao.

Có những giải pháp tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân có lối sống lành mạnh, hợp lý để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn hiện nay đặt ra như suy dinh dưỡng thể thấp còi, thừa cân, béo phì, vấn đề dinh dưỡng không hợp lý gây ra các bệnh không lây nhiễm…

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Trần Thanh Dương cảm ơn đồng chí Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cùng các đồng chí trong  Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Lãnh đạo Bộ Y tế cùng tập thể Viện Dinh dưỡng đã tin tưởng giao nhiệm vụ Viện  trưởng.

Đồng thời tân Viện trưởng cũng hứa sẽ dành toàn bộ tâm huyết, nghị lực và trí tuệ với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao đưa Viện Dinh dưỡng ngày một phát triển vững mạnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân chung của ngành Y tế.

Đồng Tháp ghi nhận 12 ca tử vong vì bệnh sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, số ca mắc sốt xuất huyết ở Đồng Tháp từ đầu năm đến nay là 9.983 ca (tăng 9.091 ca so với cùng kỳ năm 2021)

Số ca mắc nhiều nhất là thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh và huyện Lấp Vò.

Từ đầu năm đến cuối tháng 9/2022, tỉnh Đồng Tháp có 12 ca tử vong vì bệnh sốt xuất huyết, tăng 1 ca so cùng kỳ năm 2021,

Trong số 12 ca tử vong, 2 trường hợp trẻ em có tình trạng béo phì, 7 trường hợp người lớn có bệnh nền kèm theo là tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Để ngăn ngừa, giảm thiểu số ca sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức tập huấn giám sát, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết để củng cố năng lực cán bộ tuyến huyện.

Duy trì thường xuyên phát thanh trên loa, đài và tăng số lượt phát tại những nơi nguy cơ và khi triển khai các chiến dịch; lồng ghép hoạt động truyền thông tại cộng đồng vào hoạt động xử lý ổ dịch và chiến dịch diệt lăng quăng.

Mùa mưa còn tiếp diễn nên ca bệnh trong các tuần tiếp theo có khả năng vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy cần quyết liệt hơn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch (diệt muỗi, diệt lăng quăng).

Tỉnh chỉ đạo sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp tục duy trì hệ thống giám sát ca bệnh từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo việc phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời.

Chủ động chỉ đạo tuyến huyện mở rộng bán kính xử lý ổ dịch tại những nơi có nguy cơ cao; tăng cường công tác điều tra dịch tễ, giám sát và xử lý ổ dịch, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư