Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 11/8: Biến chứng của bệnh nhân mắc đái tháo đường
D.Ngân - 11/08/2023 09:39
 
Ngoài các biến chứng nổi bật của đái tháo đường như cụt chi, mù mắt, người bệnh mắc đái tháo đường còn bị rối loạn cương.

Biến chứng của đái tháo đường

Theo số liệu thống kê, mỗi năm Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tiếp nhận khoảng 9.000 lượt nam giới đến thăm khám về chứng rối loạn cương, trong đó bệnh nhân đái tháo đường có xu hướng mắc hội chứng này tăng cao.

Ảnh minh hoạ.

Theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam (VSSM), Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, rối loạn cương là tình trạng thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi và cảnh báo đến năm 2025 có khoảng 15% nam giới thế giới (322 triệu nam giới) trên 65 tuổi bị tác động bởi rối loạn cương.

Cũng theo bác sĩ Dũng, thời gian gần đây, bệnh nhân rối loạn cương đến thám thường xuất hiện ở các bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như trầm cảm, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Bác sĩ này cũng cho rằng, rào cản lớn nhất là tâm lý tự ti, tuổi tác cao, thiếu niềm tin vào kết quả điều trị… nên có rất nhiều người không tìm đến bác sĩ để được khám, tư vấn mà một bộ phận lớn tự tìm đến "bác sĩ Google" để giải quyết. Việc này dẫn đến những sai lầm trong điều trị bệnh nhân rối loạn cương

Hiện nay, ngoài các phương pháp điều trị truyền thống như uống thuốc điều trị rối loạn cương, Bệnh viện Bình Dân áp dụng kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo điều trị rối loạn cương (sau Bệnh viện Nhân dân 115).

Đây được xem là phương pháp tối ưu hiện nay được áp dụng đối với các bệnh nhân điều trị thuốc ức chế men không hiệu quả. Kỹ thuật này được áp dụng, điều trị thành công cho hơn 300.000 nam giới bị rối loạn cương tại Mỹ.

Theo TS. Benjamin Chua, chuyên gia tư vấn và điều trị cấp cao về phẫu thuật mạch máu, Trung tâm Mạch máu và Can thiệp nội mạch VIC Singapore, Trung tâm đang sử dụng phương pháp siêu âm Doppler và chụp CT thể hang có cản quang nhằm phát hiện chứng rối loạn cương do rò tĩnh mạch hay thông động tĩnh mạch gây ra thì sẽ có thể dùng phương pháp can thiệp nội mạch.

Hầu hết bệnh nhân sẽ thử dùng thuốc trước như Viagra và Cialis nhưng những thuốc này sẽ không hiệu quả mấy với các trường hợp rò rỉ tĩnh mạch và thiểu năng động mạch.

Theo nghiên cứu, 70% trường hợp rối loạn cương tới từ các nguyên nhân tổn thương thực thể như những bệnh lý ảnh hưởng mạch máu, hạn chế dòng máu tới dương vật như đái tháo đường, bệnh tim, huyết áp cao hoặc tăng cholesterol trong máu… Phổ biến nhất là bệnh xơ vữa động mạch hang dương vật, nguyên nhân do hút thuốc và đái tháo đường.

Một số nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất có thể giúp bảo vệ và cải thiện tình trạng rối loạn cương. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả với các trường hợp béo phì, lười vận động hoặc mắc các bệnh tim mạch.

Nam giới có thể tham gia các hoạt động như: chạy bộ; đi bộ nhanh; đạp xe; bơi sẽ giúp lấy lại “bản lĩnh đàn” ông tốt hơn. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) khuyến cáo nam giới nên bỏ thuốc lá và sử dụng ít đồ uống có cồn để đảm bảo an toàn cho khả năng sinh lý.

13 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 ca tử vong. Số mắc và tử vong có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây, dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.

Ngày 10/8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Cục Y tế dự phòng cho biết theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong.

Số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây. Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Cùng đó, các tỉnh, thành cần củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời;

Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch. 

Cùng đó, Sở Y tế các tỉnh, thành cũng cần báo cáo UBND tỉnh bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết để triển khai các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

Bệnh võng mạc đái tháo đường và biến chứng đáng lo ngại
Ngày 16/ 6/2203 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã phổ biến “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý Bệnh võng mạc đái tháo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư