Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 13/6: Đậu mùa khỉ khó bùng phát thành dịch
D.Ngân - 13/06/2022 12:18
 
Theo một số chuyên gia y tế dù dịch này đang tăng nhanh số ca mắc nhưng sẽ khó có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Có nên tiêm vắc-xin phòng ngừa?

Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp tục lây lan và sẽ có thêm nhiều nước có trường hợp mắc bệnh. 

Theo WHO, kể từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022 cho đến nay, trên thế giới đã ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 30 quốc gia ngoài châu Phi - nơi lưu hành phổ biến của bệnh. Trong đó, Anh có nhiều bệnh nhân nhất, tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada và Đức.

Theo một số chuyên gia y tế dù dịch này đang tăng nhanh số ca mắc nhưng sẽ khó có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Trước thực tế đó, nhiều người lo ngại về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ bùng phát thành đại dịch như Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, khả năng này là khó xảy ra.

Các chuyên gia cho rằng, đậu mùa khỉ có hai chủng, một chủng có nguồn gốc từ Congo. Nếu con người mắc phải chủng này thì tỷ lệ tử vong là 10%. Còn chủng khác lưu hành ở Tây Phi, tỷ lệ tử vong 1%. 

Hiện tại, bệnh đậu mùa khỉ đang lưu hành, gây dịch ở Anh và châu Âu là chủng ở Tây Phi. Theo y văn thế giới, khả năng lây truyền của bệnh này không cao.

Những nghiên cứu về virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua đường không khí nhưng rất khó. Thực tế, con người phải tiếp xúc với một lượng lớn nước bọt của người bệnh mới có khả năng mắc bệnh. 

Ngoài ra, việc lây nhiễm bệnh còn qua niêm mạc, đường máu, tiếp xúc bề mặt chứa vi rút… Do vậy, khi giao tiếp thông thường khó lây nhiễm bệnh. Một bệnh muốn bùng phát thành đại dịch thì khả năng lây lan của nó phải rất lớn. Tuy nhiên, cấp độ lây lan của đậu mùa khỉ không nhiều nên bệnh này khó bùng phát thành đại dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, đậu mùa khỉ rất khó bùng phát thành đại dịch như Covid-19. Nếu bùng phát thì cũng chỉ ở phạm vi hẹp, cấp quốc gia hoặc bé hơn theo từng vùng.

Chuyên gia dự đoán, bệnh đậu mùa khỉ khó bùng phát thành đại dịch. Dù vậy, với dịch bệnh không thể nói trước được điều gì. Do đó, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác nhưng không nên quá hoang mang. 

Hiện, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhưng với các du khách khi đi đến những vùng dịch tễ lưu hành đậu mùa khỉ thì cần hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã như khỉ, động vật gặm nhấm… 

Khi về Việt Nam, nếu có biểu hiện sốt cao, mỏi người, phát ban trên cơ thể thì người dân cần phải báo ngay cho cơ sở y tế và chính quyền địa phương. Cho tới nay, trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng đậu mùa khỉ.

Theo PGS.TS.Trần Đắc Phu, việc tiêm vắc-xin đậu mùa có thể phòng tránh được đậu mùa khỉ, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không nên tiêm tràn lan mà chỉ tiêm ở vùng có nguy cơ, người tiếp xúc gần. 

Ngoài ra, hiện nay, bệnh chỉ mới xuất hiện ở một số nước châu Phi và châu Âu nên việc tiêm vắc xin thời điểm này là chưa thực sự cần thiết.

PGS.TS.Trần Đắc Phu khuyến cáo, nếu ca bệnh xuất hiện tại nước ta thì chỉ là những ca xâm nhập, do đó không được để lây lan, cần can thiệp sớm, cách ly người mắc kịp thời. 

Dù bệnh đậu mùa đã được thanh toán từ nhiều thập kỷ trước, chưa phát hiện thấy có bệnh nhân đậu mùa khỉ nhưng nước ta vẫn lưu hành bệnh thủy đậu, zona vi rút, bệnh phát ban có mọng nước… 

Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ. Ngoài ra, người dân cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn, không ngủ chung chăn, gối với người nhiễm bệnh, cách ly y tế người nhiễm...

Lo ngại biến chủng mới của Sars-Cov-2

Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Từ ngày 15/3 đến nay, cả nước ghi nhận tỷ lệ chết/mắc là 0,04% đã giảm mạnh so với hơn 3 tháng trước đó với tỷ lệ chết/mắc là 0,25%.

Riêng 30 ngày qua, số chết/mắc là 0,05%, trong đó có 18 ngày không ghi nhận ca tử vong trên toàn quốc và chỉ còn hơn 30 ca nặng đang điều trị (thấp nhất trong hơn 11 tháng qua).

Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn;

Bên cạnh đó, tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa miễn dịch có được (do tiêm vắc-xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải) không bền vững.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19;

Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; Sẵn sàng hành động, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, sẵn sàng kịch bản đáp ứng kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

Đối với công tác y tế cần tiếp tục coi vắc-xin là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch Covid-19 đẩy mạnh tiêm vắc-xin mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022;

Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; hoàn thành việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới;

Đồng thời từng bước tự chủ về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế để chuẩn bị cho tình huống mọi tình huống dịch bệnh; Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em…); Tiếp tục rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở...

Tin mới về y tế ngày 4/6: WHO khuyến cáo về bệnh đậu mùa khỉ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người và giữa người với người.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư