Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 4/6: WHO khuyến cáo về bệnh đậu mùa khỉ
D.Ngân - 04/06/2022 10:56
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người và giữa người với người.

Số ca mắc Covid-19 trong nước giảm còn 881

Tính từ 16h ngày 3/6 đến 16h ngày 4/6, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 881 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 881 ca ghi nhận trong nước tại 36 tỉnh, thành phố, có 755 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-43), Phú Thọ (-19), Hà Nam (-16). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (+14), Hải Phòng (+13), Quảng Trị (+9).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.010 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.724.554 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.331 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.716.796 ca, trong đó có 9.493.590 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.601.416), TP Hồ Chí Minh (609.496), Nghệ An (484.790), Bắc Giang (387.587), Bình Dương (383.781).

9.601 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.496.407 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 41 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 30 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 4 ca; ECMO: 2 ca.

Từ 17h30 ngày 3/6 đến 17h30 ngày 4/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 0 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.080 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.510.036 mẫu tương đương 85.818.197 lượt người. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 221.884.464 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 199.697.221 liều: Mũi 1 là 71.480.043 liều; Mũi 2 là 68.794.299 liều; Mũi 3 là 1.507.118 liều; Mũi bổ sung là 15.055.471 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.479.592 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 380.698 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.480.125 liều: Mũi 1 là 8.939.527 liều; Mũi 2 là 8.540.598 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 4.707.118 liều: Mũi 1 là 4.175.664 liều; Mũi 2 là 531.454 liều.

Hà Nội còn gần 53.800 ca dương tính đang điều trị, theo dõi

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua, thành phố ghi nhận 218 ca Covid-19: 74 ca cộng đồng; 144 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 119 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (17); Đông Anh (17); Hoàng Mai (15); Đống Đa (14); Nam Từ Liêm (11).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 1.602.202 ca. Đây là ngày thứ 47 Hà Nội không có ca tử vong vì Covid-19.

Trên địa bàn thành phố còn gần 53.800 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 108 ca điều trị tại bệnh viện. Số còn lại được theo dõi tại nhà. Trong 108 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có 87 ca mức độ trung bình, 15 ca nhẹ hoặc không có triệu chứng, 1 ca phải thở máy, 11 ca thở oxy gọng kính, mask...

Một số lời khuyên nhằm phòng ngừa và kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ 

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người và giữa người với người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đậu mùa khỉ là bệnh lây nhiễm từ động vật, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người và giữa người với người.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch, tổn thương da hoặc phát ban ở mặt, lòng bàn tay, chân, miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Ban thường bắt đầu từ 1-3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày nhưng cũng có thể từ 5-21 ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng 2-4 tuần. Tuy nhiên ở một số ít người, trẻ nhỏ, người có bệnh nền và suy giảm miễn dịch bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng hơn và tử vong.

Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác.

Có khoảng 3-6% ca bệnh được báo cáo đã dẫn đến tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm bệnh trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2-4 tuần).

Bệnh có thể lây sang người khi người có tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối, đệm... từ người bệnh.

Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.

Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ, chỉ có một số vắc-xin phòng bệnh đậu mùa được cho là có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra một số lời khuyên nhằm phòng ngừa và kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ như hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh bao gồm tránh tiếp xúc da với da hoặc mặt đối mặt với người có triệu chứng.

Nếu cần tiếp xúc thì đeo khẩu trang, sử dụng gang tay dùng một lần. Đồng thời thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, giữ tay sạch bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn; khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che bất cứ vùng tổn thương da nào.

Người nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh hoặc đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ cần liên hệ với cán bộ y tế để được tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc y tế.

Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác cho đến khi các tổn thương da đóng vảy và vảy bong ra

Hiện tại chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa các ca bệnh được báo cáo với việc di chuyển từ các nước lưu hành bệnh và không có mối liên hệ nào với động vật nhiễm bệnh.

Theo WHO điều quan trọng nhất lúc này là cần nâng cao nhận thức về bệnh đậu mùa khỉ ở những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất và cung cấp tư vấn về cách hạn chế sự tiếp tục lây lan giữa người với người; không được có thái độ kỳ thị với người nhiễm bệnh.

WHO hiện đang làm việc với tất cả các nước bị ảnh hưởng để tăng cường giám sát và cung cấp hướng dẫn cách để ngăn chặn bệnh lây lan, chăm sóc người bệnh.

Hơn 2/3 dân số trên thế giới đã có kháng thể Covid-19

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 2/3 dân số thế giới có thể đã có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể, có nghĩa là đã từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng.

Trong một bản tổng hợp các nghiên cứu từ khắp thế giới, WHO cho biết tỷ lệ dân số có lượng kháng thể Covid-19 đáng kể đã tăng từ mức 16% vào tháng 2/2021 lên mức 67% vào tháng 10/2021.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron có tốc độ lan truyền nhanh, tỷ lệ này hiện nay có thể thậm chí còn cao hơn.

Mặc dù vắc-xin chỉ có tác dụng phòng ngừa ở mức vừa phải đối với biến thể Omicron, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi miễn dịch nhờ tiêm vắc-xin có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng cao hơn so với miễn dịch có được sau lần mắc trước đó.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy những người vừa mắc Covid-18 vừa được tiêm chủng có khả năng phòng ngừa tốt nhất đối với nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng, mặc dù vẫn chưa rõ kết quả này có đúng đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.

Dữ liệu cho thấy lượng kháng thể Covid-19 ở trẻ em từ 9 tuổi trở xuống và những người trên 60 tuổi thấp hơn so với những người ở độ tuổi 20.

Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn trường hợp có kháng thể là do đã từng mắc Covid-19 hơn là nhờ tiêm chủng.

WHO cho biết lượng kháng thể thường giảm dần theo thời gian và mức độ cũng như khả năng tồn tại của miễn dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy, cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác định khả năng phòng ngừa giảm như thế nào.

Tăng cường giám sát sớm trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cửa khẩu

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống Covid-19 đối với người nhập cảnh.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, tại nước ta, dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cao và để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 416/CĐ-TTg ngày 13/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Công văn số 2118/BYT-DP ngày 26/4/2022 của Bộ Y tế về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với Covid-19 và Công văn số 2213/BYT-DP ngày 29/4/2022 của Bộ Y tế về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế nội địa.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, xử lý kịp thời ngay tại cửa khẩu, đồng thời giám sát chặt chẽ và xử lý sớm các ổ dịch tại cộng đồng theo quy định, không lơ là chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ động tham mưu, lập kế hoạch, thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch, đào tạo, tập huấn, diễn tập các kỹ thuật, phương án để sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi dịch có diễn biến bất thường.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác thực hiện tại tuyến cơ sở, kịp thời hướng dẫn, xử lý các vấn đề phát sinh hoặc báo cáo, trao đổi với Bộ Y tế để cùng giải quyết.

[Infographic] Bệnh Đậu mùa khỉ: Định nghĩa ca bệnh của WHO
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trường hợp xác định mắc bệnh Đậu mùa khỉ là trường hợp nghi ngờ hoặc có thể và có kết quả xét nghiệm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư