Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 15/6: Chỉ đạo khẩn về phòng, chống và điều trị bệnh tay chân miệng
D. Ngân - 15/06/2023 08:40
 
Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có văn bản khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống và điều trị bệnh tay chân miệng nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong.

Hà Tĩnh chỉ đạo khẩn về phòng, chống và điều trị bệnh tay chân miệng

Sở Y tế đề nghị các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo trung tâm y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Hà Tĩnh chỉ đạo khẩn về phòng, chống và điều trị bệnh tay chân miệng.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Đảm bảo cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp với ngành y tế triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non; đảm bảo các cơ sở giáo dục đào tạo có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện.

Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành để có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chỉ đạo khắc phục các tồn tại của địa phương, tập trung cao độ các biện pháp phòng chống để ngăn chặn tình trạng dịch bệnh tay chân miệng lan rộng, kéo dài.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và chỉ đạo, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh;

Lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Xây dựng các thông điệp, khuyến cáo về phòng chống bệnh tay chân miệng; phối hợp với Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền các thông điệp, khuyến cáo về phòng chống bệnh tay chân miệng.

Các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế có giường bệnh trong tỉnh tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm điều trị nội trú, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời ca bệnh có diễn biến nặng; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.

Thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn tại cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở y tế, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng.

Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống. Củng cố các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới trong việc cấp cứu, điều trị khi cần thiết

Biến dạng cẳng tay vì tự điều trị bằng thuốc Nam

Bệnh nhân L.V.T. (46 tuổi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) từng ngã chống tay phải xuống nền cứng dẫn đến gãy xương quay tay. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế thăm khám, người này tự điều trị ở nhà bằng cách bó thuốc nam.

Sau 2 tháng, thấy cẳng tay phải ngày càng sưng nề, biến dạng và đau nhức, bệnh nhân T. mới đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ).

Tại đây, qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lệch 1/3 dưới xương quay phải, chỗ xương gãy bị sưng viêm, buộc phải phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, người bệnh hồi phục sức khỏe tốt, đỡ đau nhức và được hướng dẫn các bài tập vận động.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huê, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn đánh giá với tổn thương này, nếu đến bệnh viện kịp thời, bác sĩ có thể điều trị kéo nắn bó bột hoặc phẫu thuật kết hợp xương.

"Do tâm lý chủ quan, ngại đến viện, nghe theo các bài thuốc nam không có cơ sở khoa học, bệnh nhân đã khiến tình trạng bệnh của mình nghiêm trọng hơn. Khi đến viện, phần đầu dưới xương quay trái của người bệnh đã bị can lệch và bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật mới có thể điều trị", bác sĩ Huê nhận định.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị các chấn thương, tổn thương xương khớp cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Đặc biệt, người dân không nên tự điều trị tại nhà bằng bất cứ phương pháp dân gian nào để tránh những biến chứng có thể xảy ra, như nhiễm trùng, cong vẹo, lệch trục chi, ảnh hưởng vận động và cuộc sống.

Khó phát hiện bệnh thuyên tắc động mạch phổi

Bệnh nhân Lâm Ngọc T. (40 tuổi, ở Hải Phòng) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatecckiểm tra sức khỏe vì lý do đau nhức bắp chân phải. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, 1 tuần trước khi đi khám anh có vận động nhiều, bê vác đồ nặng, bắp chân phải sưng nóng, căng tức, tê bì, đau tăng khi đứng lâu, kèm phù tăng dần vùng cẳng bàn chân phải. 

Sau đó vài ngày, anh cảm thấy bắp chân phải phù cứng, đau nhiều, đau ngực bên phải nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt nên quyết định đi khám.

Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm tĩnh mạch chi dưới phải. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh huyết khối tĩnh mạch trầy trước, trầy sau, tĩnh mạch khoeo và một phần tĩnh mạch đùi nông chi dưới phải. Bên cạnh đó là hình ảnh phù nề và theo dõi tụ dịch phần mềm 1/3 giữa mặt trong cẳng chân phải.

Sau khi tiến hành siêu âm được 15 phút, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực, khó thở cấp. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu để xử trí tình huống khẩn cấp này.

Sau khi sức khỏe bệnh nhân ổn định, bác sĩ tiếp tục tiến hành chụp MSCT động mạch phổi để truy tìm đích danh “thủ phạm”. Trên hình ảnh CT phát hiện huyết khối lan tỏa trong động mạch phổi phải và động mạch phổi trái, đặc biệt bên phải. 

Các đám đông đặc khu trú phân thùy cạnh tim và phân thùy sau nền phổi phải. Tổn thương dạng lưới, nốt có xơ hóa và vôi hóa đỉnh phổi trái (viêm mạn tính, chưa loại trừ lao phổi).

Bệnh nhân nhập viện điều trị thuốc chống đông máu để tiêu dần huyết khối và điều trị tình trạng viêm mô bào cẳng chân phải. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã hết hoàn toàn các triệu chứng được xuất viện điều trị thuốc ngoại trú. Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định.

Thuyên tắc phổi là tình trạng xảy ra khi một hay nhiều động mạch trong phổi bị chặn tắc. Trong hầu hết trường hợp, nghẽn mạch phổi bị gây ra bởi cục máu đông di chuyển đến phổi từ một phần khác của cơ thể - thông thường nhất là chân.

ThS.BS Phạm Duy Hưng, Phó Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa Khoa Medlatec cho biết, thuyên tắc phổi có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh, bệnh gây các biến chứng rất nặng, thậm chí tử vong đột ngột.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi rất nhiều, tùy thuộc vào mức độ liên quan đến phổi, kích thước của cục máu đông và sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sự có mặt của bệnh phổi hay bệnh tim tiềm ẩn hay không.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của thuyên tắc phổi bao gồm: khó thở, đau ngực, ho, thở khò khè, sưng phù chân, niêm mạc hoặc da có màu hơi xanh, ra nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều, mạch yếu, choáng váng hoặc ngất xỉu,...

Tùy theo đặc điểm cục máu đông gây tắc nghẽn có thể lớn hay nhỏ, có một hay nhiều cục máu đông mà tình trạng thuyên tắc mạch phổi có diễn biến nặng hay nhẹ, quyết định mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thuyên tắc mạch phổi có thể dẫn đến những biến chứng như sau:

Tuần hoàn tim bị ảnh hưởng lâu ngày dẫn đến tăng gánh nặng cho tim, lâu ngày bệnh nhân có thể bị suy tim. Thuyên tắc mạch phổi tái phát: thuyên tắc xảy ra thêm một lần nữa. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống đông để ngăn chặn

Biến chứng do điều trị: biến chứng do điều trị thuốc chống đông như chảy máu ở những vị trí khác trong cơ thể (ví dụ: loét dạ dày...)

Tăng huyết áp trong mạch phổi (tăng áp phổi) ở bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi lặp đi lặp lại nhiều lần. Chụp MSCT phổi - tiêu chuẩn vàng chẩn đoán thuyên tắc động mạch phổi

Tắc nghẽn động mạch phổi là một trong những tình trạng tắc nghẽn mạch máu nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh. Trường hợp thuyên tắc mạch phổi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng được đánh giá là tốt, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu bệnh nhân có bệnh lý nghiêm trọng đi kèm từ trước khi bị thuyên tắc phổi thì sẽ có tiên lượng xấu hơn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Để xác định thuyên tắc phổi thường dựa vào một số phương pháp như sau: Siêu âm tim: thường được thực hiện để đánh giá mức độ nghiêm trọng của thuyên tắc phổi;

Siêu âm tĩnh mạch chi dưới: 50% thuyên tắc phổi có huyết khối tĩnh mạch chi dưới; Xạ hình thông khí tưới máu: phát hiện bất tương hợp thông khí tưới máu. Xạ hình bình thường giúp loại trừ chẩn đoán;

Chụp cản quang hệ mạch máu phổi: là xét nghiệm xâm lấn, nhưng là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thuyên tắc phổi. Trong đó, chụp MSCT phổi là phương pháp thường được sử dụng nhất, được coi là tiêu chuẩn vàng để khẳng định chẩn đoán với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện cơ thể có triệu chứng bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín, trang bị đầy đủ phương tiện chẩn đoán để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hại đối với sức khỏe.

Cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc tay chân miệng. Đáng lo ngại,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư