Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 16/11: Sốt xuất huyết vượt mốc hơn 300.000 ca; Hà Nội hối thúc tiến độ tiêm hết số vắc-xin Covid-19
D.Ngân - 16/11/2022 09:34
 
Dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng mạnh trên phạm vi cả nước, đã có hơn 300.000 ca mắc, 112 trường hợp tử vong.

Số ca sốt xuất huyết vẫn gia tăng

Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương gửi về, trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết mới.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (62.106/24) số mắc tăng 4,9 lần, số ca tử vong tăng 88 trường hợp.

Tại nhiều địa phương, số ca mắc sốt xuất huyết đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tỷ lệ ca nặng và tử vong cũng đều tăng đáng lo ngại.

Hà Nội vẫn là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh Hà Nội, từ ngày 4 đến 11/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc, tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã. Thủ đô cũng ghi nhận 83 ổ dịch mới.

Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết. Trong ảnh: Phun thuốc diệt muỗi tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: CDC Hà Nam

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Thủ đô ghi nhận 994 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 164 ổ dịch đang hoạt động tại 23 quận, huyện, trong đó có những ổ dịch kéo dài với số người mắc lớn nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 12/11 cũng đã ghi nhận thêm một bệnh nhi 5 tuổi tử vong do sốt xuất huyết tại phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 15.647 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 227 ca nặng, 16 ca tử vong.

Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương ghi nhận số mắc cao nhất và tử vong nhiều nhất với 7 ca, huyện Long Điền 4 ca tử vong, thị xã Phú Mỹ 2 ca, các địa phương còn lại là thành phố Bà Rịa, Châu Đức và Xuyên Mộc ghi nhận mỗi địa phương có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, số ca mắc sốt xuất huyết từ đều năm tới nay đã lên tới trên 3.700 ca, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Các xã, phường của thành phố Quảng Ngãi đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết với 50 ổ dịch nhỏ tại cộng đồng, hơn 550 người mắc bệnh.

Hiện, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang thu dung và điều trị gần 100 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đa phần đều là bệnh nhân nặng với biểu hiện chính là giảm tiểu cầu.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bộ Y tế nhận định nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. Do vậy, Bộ Y tế đã liên tục đưa ra những khuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyết.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Gây quỹ từ thiện cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh

Vết sẹo Cuộc đời - Scar of Life 10, chương trình gây quỹ từ thiện dành cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp Việt Nam, sẽ diễn ra tại Vinpearl Landmark 81 - TP.HCM vào ngày 1/12/2022.

Đây là sự kiện đánh dấu việc quay trở lại của chương trình sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch, cũng là cột mốc 10 năm thiện nguyện của chương trình ý nghĩa này.

Chương trình Vết sẹo Cuộc đời 10, ngoài mục đích chính là nâng cao nhận thức về bệnh tim bẩm sinh và gây quỹ mổ tim cho trẻ em, đại diện của chương trình, diễn viên Ngô Thanh Vân sẽ dành sự kiện năm nay để tôn vinh và tri ân những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng cô và các em nhỏ trong suốt hành trình 10 năm vừa qua.

Trong buổi họp báo Vết sẹo Cuộc đời - Scar of Life 10 diễn ra ngày 14/11 tại khách sạn Continental Sài Gòn, Ngô Thanh Vân sẽ công bố thành lập Thế hệ tiếp nối của Vết sẹo Cuộc đời. Trong đó, Đại sứ của chương trình sẽ là những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tích cực và có nhiều tâm huyết trong công việc thiện nguyện, bao gồm: Ca sĩ Jun Phạm, ca sĩ Isaac, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê, ca sĩ Tóc Tiên, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, nhà hoạt động xã hội Helly Tống, doanh nhân Huy Trần, thủ môn Bùi Tiến Dũng, và vận động viên Vũ Phương Thanh.

Với vai trò đại sứ chương trình Nhịp tim Việt Nam, thông qua Vết sẹo Cuộc đời, Ngô Thanh Vân cùng nhiều nhà hảo tâm đã gây quỹ thành công số tiền 2.571.450 USD giúp hỗ trợ cho 2.317 trẻ em nghèo chữa bệnh tim. Chương trình được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2011.

Nhịp tim Việt Nam là chương trình đầu tiên và lớn nhất của VinaCapital Foundation (VCF) - tổ chức phi chính phủ Mỹ hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006. Nhịp tim Việt Nam là chương trình hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim cho trẻ em dưới 18 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước.

Hà Nội: Hối thúc tiến độ tiêm hết số vắc-xin phòng Covid-19 được phân bổ

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Căn cứ vào kết quả rà soát đối tượng và nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 của UBND các quận, huyện, thị xã sử dụng để tiêm trong các tháng cuối năm, Sở Y tế đã ban hành các quyết định phân bổ vắc-xin cho và cấp phát cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã. Số vắc-xin đã phân bổ thấp hơn so với đề xuất của các đơn vị.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tiến độ tiêm chủng vắc-xin trong thời gian qua trên toàn thành phố rất chậm, trong khi lượng vắc-xin còn tồn nhiều tại các địa phương, 1 số đơn vị có công văn xin điều chuyển vắc-xin.

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vắc-xin còn thấp, đặc biệt như tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mới đạt 47%, mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 58%, mũi 4 cho đối tượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế đạt 82%.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Phòng giáo dục, Trung tâm Y tế tiếp tục rà soát đối tượng trẻ em từ 5 tuổi trở lên; vận động, truyền thông cho cha mẹ, người giám hộ trẻ tiếp tục hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng; đảm bảo bao phủ đủ 2 liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tăng tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng; rà soát đối tượng cần tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bỏ sót đối tượng nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi 4 cho những đối tượng nguy cơ cao.

Sử dụng hết số lượng vắc-xin được phân bổ theo đúng đề xuất, không thực hiện điều chuyển vắc-xin khi vẫn còn đối tượng tiêm chủng.

Một tuần, hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, 2 ca tử vong
Theo Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong. Trong đó riêng Hà Nội ghi nhận hơn 1.300 ca, tăng khoảng 9%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư