Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 17/12: Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ tim
D.Ngân - 17/12/2023 09:09
 
Theo các bác sĩ, thời tiết chuyển lạnh đột ngột không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ tim mà còn khiến các bệnh lý tim mạch khác như huyết áp, suy tim, tim bẩm sinh… trở nặng nếu không được chăm sóc, phòng ngừa đúng cách.

Thời tiết chuyển lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ tim và biến chứng tim mạch

 Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu nuôi tim bị tắc đột ngột, gây tổn thương mô cơ tim.

Ảnh minh hoạ.


Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước với các dấu hiệu hiệu đặc trưng như đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động thể lực, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.

GS-TS.Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đột quỵ tim có thể xảy ra với bất kỳ độ tuổi và thời tiết nào trong năm.

Tuy nhiên, vào mùa lạnh nguy cơ đột quỵ tim cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ trung bình giảm 10 độ C, nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi tăng thêm khoảng 7%.

Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm người khác.

PGS-TS. Phạm Nguyễn Vinh lý giải, vào những hôm trời lạnh cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C) khiến tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, dễ khiến bệnh tim mạch trở nặng nếu không có chế độ chăm sóc phù hợp.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, nhiệt độ giảm có thể làm tăng nồng độ fibrinogen – loại protein chính liên quan đến hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Ngoài đột quỵ tim, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm xấu dễ gặp phải đột quỵ não mùa lạnh là vào rạng sáng hoặc nửa đêm. Do đó, để giảm thiểu những rủi ro của đột quỵ vì tác động của thời tiết, khí hậu, bạn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:

Thiết lập khẩu phần ăn có dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đẩy lùi nguy cơ đột quỵ mùa lạnh đến từ bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu do vậy người dân nên tuân thủ các chế độ ăn uống hợp lý như:

Gia tăng khẩu phần ăn có các loại rau củ quả, đậu, ngũ cốc tốt cho sức khỏe; chọn thịt trắng, hải sản, trứng để giúp bổ sung protein, hạn chế thịt đỏ; hạn chế đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn nhanh;

Hạn chế sử dụng các đồ uống có chứa nhiều đường; không nên dùng mỡ động vật để nấu nướng, chế biến thức ăn. Chẳng hạn như mỡ lợn đồng thời tránh ăn nhiều thịt mỡ, tóp mỡ, mỡ hành; tăng cường uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành.

Vận động, tập thể dục đều đặn: Tập thể dục, vận động cơ thể có vai trò tăng cường lưu lượng tuần hoàn máu trong cơ thể, cải thiện sức khỏe, nhịp tim khỏe mạnh. Vì thế, người dân nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và 4 lần/ tuần để phòng tránh nguy cơ cao mắc tim mạch và đột quỵ mùa lạnh. 

Giữ ấm cho bản thân: Nhiễm lạnh là yếu tố chính dẫn đến cao huyết áp làm cho mạch máu chịu áp lực và bị vỡ. Do đó, bạn nên giữ ấm cho bản thân đặc biệt là những người cao tuổi trong thời tiết mùa đông.

Hút thuốc lá, uống rượu bia mỗi ngày là nguyên nhân chính khiến đột quỵ mùa lạnh tăng cao. Trong đó, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh. Nếu bạn duy trì lối sống khỏe, bỏ thuốc lá từ 2 - 5 năm thì nguy cơ đột quỵ ngang bằng với người chưa hút thuốc bao giờ.

Chuyên gia cũng khuyến cáo việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ là một trong các cách giúp ngăn ngừa đột quỵ mùa lạnh cũng như có biện pháp phòng ngừa với người có tiền sử đột quỵ. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra kế hoạch điều trị tối ưu để kiểm soát tình trạng của bệnh hiệu quả, an toàn. 

Song song với tiêm vắc-xin đầy đủ, giữ ấm, người già tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, bổ sung vitamin C và các dưỡng chất khác, đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế vận động mạnh để tránh ra nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước.

Tập trung ngăn chặn dịch bệnh bùng phát mùa Đông-Xuân

Việt Nam hiện nay trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm...

Bệnh dịch đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, Covid-19 tăng tại nhiều quốc gia, Bộ Y tế đã và đang tập trung các giải pháp ngăn dịch bệnh bùng phát trong mùa Đông-Xuân, chủ động ứng phó nếu Covid-19 quay trở lại.

TS.Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh trong thời gian qua, Hệ thống Giám sát Bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5/N1, Covid-19 tại một số quốc gia trong khu vực.

Tại Việt Nam, hiện nay trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà... tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền.

Để chủ động ngăn chặn cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đã có văn bản số 7910/BYT-DP ngày 08/12/2023 đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại Trung Quốc, ngày 13/11/2023 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc.

Ngày 26/11/2023, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường.

Tại Malaysia, Singapore số mắc Covid-19 theo tuần ghi nhận gia tăng từ 50-100%; tại Singapore, số nhập viện do Covid-19 ghi nhận tăng khoảng 65% trong tuần từ 26/11-2/12/2023.

Cơ quan Y tế các quốc gia này nhận định nguyên nhân gia tăng trở lại số mắc Covid-19 là do giảm khả năng miễn dịch của người dân và gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm.

Tại Campuchia, trong các ngày 23 và 24/11/2023 ghi nhận thêm 2 ca mắc cúm A/H5N1 ở người; tích luỹ năm 2023, Campuchia đã ghi nhận 6 ca mắc ở người, trong đó có 03 ca tử vong.

Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Đồng thời thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư