Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 17/2: Cảnh báo mạo danh bệnh viện để bán thuốc và lừa đảo bệnh nhân
D.Ngân - 17/02/2023 10:02
 
Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gần đây liên tiếp nhận được phản ánh về tình trạng một số đối tượng mạo danh bệnh viện lừa đảo người bệnh và người nhà người bệnh để trục lợi.

Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Không chỉ mạo danh, sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến bệnh viện, một loạt trang fanpage giả mạo vừa được lập ra đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thậm chí, các trang giả mạo này còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và lôi kéo người theo dõi trang, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép.

Đặc biệt, một số đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà người bệnh đi khám tại Bệnh viện ngay tại phòng khám thuộc khu khám bệnh của Bệnh viện, giả danh nhân viên Bệnh viện chèo kéo khách hàng, lợi dụng lòng tin của người bệnh để bán thuốc (như thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ…) thậm chí có đối tượng còn giả danh quen một số bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi bất chính.

Mạo danh bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để lừa đảo bán thuốc

Trước thực trạng đó, bệnh viện khuyến cáo với người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo hơn để không để kẻ xấu lừa đảo, dẫn tới “tiền mất tật mang”. Câu chuyện mạo danh “bệnh viện 108”, “bác sĩ viện 108” và các chuyên ngành của Bệnh viện Trung ương Quân đội  108 không còn xa lạ, đã xuất hiện từ lâu như chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cơ xương khớp, nội tiết…nhưng gần đây các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi ngay tại khuôn viên của Bệnh viện.

Vì vậy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trân trọng thông báo: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không cung cấp, liên kết kinh doanh bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào bằng hình thức trực tuyến (online), Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc của Bệnh viện trong khuôn viên tại địa chỉ duy nhất số 1 Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.

Cổng Thông tin điện tử chính thức của Bệnh viện có địa chỉ: Website: www.benhvien108.vn và Fanpage “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” của bệnh viện là trang chính chủ, duy nhất, đã có dấu tích xanh xác nhận của Facebook (nằm bên phải tên của Fanpage), vì vậy quý bệnh nhân lưu ý dấu hiệu này khi thực hiện giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, nếu người bệnh, khách hàng có thắc mắc hoặc phản ánh liên quan đến mạo danh Bệnh viện, vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Điện thoại: 024.6278.4168 hoặc qua Fanpage: https://www.facebook.com/Benhvientwqd108.

Giúp sản phụ 155kg "vượt cạn" thành công với nhiều bệnh lý phức tạp

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa phẫu thuật lấy thai thành công cho một sản phụ nặng 155kg kèm theo tiền sản giật nặng, đái tháo đường thai kỳ…

Sản phụ là chị  V.T.U (sinh năm 1998, Hà Nội), chị U mang thai ở tuần 36 kèm nhiều bệnh lý phức tạp. Chị U nhập viện khoa Hồi sức tích cực chống độc và giảm đau, BV Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng tiền sản giật nặng, béo phì kèm tiểu đường type 2 có điều trị insulin.

Trước khi mang thai, sản phụ nặng 132kg, cân nặng hiện tại là 155kg. Sau khi tiến hành hội chẩn, với tình trạng tiền sản giật nặng tiến triển xấu, các bác sĩ đã chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

GS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện và ekip phẫu thuật thành công lấy một bé gái 2600g hồng hào, khỏe mạnh.

Theo GS. Ánh, đây là ca mổ khá khó khăn do sản phụ có lớp mỡ dày, nên quá trình gây tê và phẫu thuật cũng gặp khó khăn. Nguy cơ suy hô hấp trong quá trình gây tê của sản phụ là rất cao, vì vậy các bác sĩ phải luôn theo dõi rất sát sao.

Do sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, béo phì, có lớp mỡ thành bụng dày nên có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, kèm theo tiền sử tiền sản giật nặng nên sản phụ cần được theo dõi sát nguy cơ sản giật sau mổ. Hiện tại, sản phụ và em bé đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại khoa Dịch vụ D4.

Tiểu đường thai kỳ xuất hiện ở khoảng 5% phụ nữ mang thai. Bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ xuất hiện trong suốt thời kỳ mang thai và thường chấm dứt sau khi em bé chào đời. Phụ nữ mang thai mắc tiểu đường có nguy cơ gặp tai biến sản khoa nguy hiểm.

Tuần thai thứ 22-24 là thời điểm mẹ bầu cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm thử glucose đầu tiên để sàng lọc các nguy cơ.

TP. Hồ Chí Minh: Ghi nhận 28 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM, trong tuần 6 (từ 6-12/2), TP ghi nhận 385 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), giảm 32,5% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 37,6% và ngoại trú giảm 27,1%. 

Tính đến tuần 6, TP ghi nhận 3.496 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng khoảng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1.590 ca). 

Trong tuần 6, không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Có 18/22 quận huyện có số ca giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước; có 5/312 phường, xã có số ca bệnh tăng ở mức ngưỡng báo động.

Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 28 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 22 phường, xã thuộc 10/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 70 ổ dịch và không có phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 106 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 68 phường, xã thuộc 15/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Về tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM), TP ghi nhận 52 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 4% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh giảm nhiều hơn ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và tăng nhẹ ở các trường hợp khám ngoại trú. Số mắc tích lũy đến tuần 6 là 314 ca. Trong tuần, toàn TP không ghi nhận ổ dịch TCM mới.

Đối với bệnh Covid-19, trong tuần 6, ghi nhận 6 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố (bao gồm 5 ca dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, 1 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính có yếu tố dịch tễ). Số ca Covid-19 xác định tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay là 110 ca.

Số ca tích lũy trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 29/4/2021) đến ngày 12/2/2023 là 618.414 ca, trong đó, có 617.575 ca trong nước (tỉ lệ 99,86%), 839 ca nhập cảnh (tỉ lệ 0,14%).

Tính đến tuần 6, toàn TP đã tiêm được 23.589.111 mũi (bao gồm 8.700.757 mũi 1; 7.788.344 mũi 2; 683.268 mũi bổ sung; 4.843.783 mũi nhắc lần 1; 1.572.959 mũi nhắc lần 2).

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Bộ Công an cảnh báo hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư