Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 17/7: Hà Nội nhiều trường hợp mắc liên cầu khuẩn
D.Ngân - 17/07/2023 11:10
 
Ngày 16/7, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thành phố vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 12 bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm 2023.

Nhiều trường hợp mắc liên cầu khuẩn

Đó là người đàn ông 60 tuổi, ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Trước khi nhập viện, người này thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn tiết canh.

Ảnh minh hoạ.

Ngày 20/6, bệnh nhân xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc giảm đau và về nhà điều trị nhưng không đỡ.

Một ngày sau, bệnh nhân thấy đau lan lên vùng vai gáy, kèm theo ý thức chậm chạp, được người nhà đưa đến phòng khám Quảng Tây. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì điều trị.

Ngày 24/6, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm và được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, sảng rượu và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 hai hôm sau. 

Tại đây, bệnh nhân cũng được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, nghiện rượu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tại cơ sở y tế này, kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó chủ yếu có lợn và người. 

Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh, lợn chết mà không có đồ bảo hộ… Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có thể gây tử vong nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị kịp thời.

Thống kê của Bộ Y tế cách đây không lâu cho thấy khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.

Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.

Chú ý sốt xuất huyết ở trẻ em

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có ít nhất 7 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 14-7 có 961 ca tay chân miệng nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Còn tại TP.HCM, số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng mạnh. Trong tuần từ ngày 3/7 đến 9/7, toàn thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong 7 trường hợp tử vong nêu trên đã có 5 ca tử vong được xác định do chủng EV71.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số các ca bệnh phải nhập viện có 20-30% nhiễm chủng vi rút EV71.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) TS. Nguyễn Văn Lâm cho biết, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Entero virus 71 (EV71).

Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh tay chân miệng do vi rút EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3-7 ngày, không triệu chứng.

Dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh tay chân miệng ở giai đoạn khởi phát là sốt nhẹ 37,5-38 độ C, đi ngoài phân lỏng hoặc nát 1-3 lần/ngày, trẻ quấy khóc, biếng ăn, kém linh hoạt, đau họng.

Giai đoạn toàn phát, trẻ có biểu hiện loét miệng, niêm mạc má, lợi, lưỡi xuất hiện chấm đỏ hình thành các phỏng nước, phát ban dạng phỏng nước trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, sốt nhẹ, nôn.

Bệnh tay chân miệng có một thể lâm sàng gọi là tối cấp diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ. Bệnh được phân thành 4 cấp độ bệnh từ nhẹ đến nặng lần lượt là I, II, III và IV. 

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nhẹ nhất (độ I) với dấu hiệu chỉ loét miệng và tổn thương da có thể điều trị tại nhà, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và hạ sốt cao bằng Paracetamol liều 10mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ, cho trẻ nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh kích thích.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, khai thác tiền sử một số trường hợp, 3 ngày đầu khi mắc bệnh, trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37,8 độ C, bố mẹ đã cho các bé dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. 

Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do vi rút gây ra là không đúng vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. 

Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị.

Cẩn trọng với biến chứng xuất huyết tiêu hóa do vi khuẩn HP

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là vi khuẩn HP) là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.

Các thống kê y khoa chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở mức cao, khoảng 70-80% dân số. Vi khuẩn HP có thể dễ dàng lây nhiễm qua đường hô hấp do thói quen ăn uống, sinh hoạt.

ThS. Bùi Văn Long, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, khi phát hiện nhiễm vi khuẩn HP, bạn cần được thăm khám, đánh giá các yếu tố nguy cơ và kiểm tra tổn thương ở dạ dày - tá tràng, từ đó đưa ra chiến lược điều trị, cũng như đánh giá sát sao sau điều trị để tránh bệnh tái phát nhiều lần.

Cũng cần lưu ý khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu sau cần đi khám để xác định chính xác tình viêm loét dạ dày - tá tràng đang xuất hiện trong cơ thể: Đau bụng vùng thượng vị (vùng trên rốn); Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn; Đầy hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị; Đại tiện phân đen; Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, những biến chứng nặng nề do viêm loét dạ dày - tá tràng như thủng dạ dày - tá tràng, khiến bệnh nhân đau bụng dữ dội, đột ngột; Xuất huyết tiêu hóa trên gây ra viêm loét, chảy máu, cần can thiệp cấp cứu, nếu không sẽ gây mất máu trầm trọng và đe dọa dến tính mạng.

Hoặc hẹp môn vị - hành tá tràng, là một dạng mô viêm xơ phát triển trên ổ loét ở môn vị - tá tràng, gây hẹp lòng ruột ở dưới dạ dày khiến thức ăn khó đi qua đường tiêu hóa.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn với triệu trứng nặng
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư