Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 17/8: Biến thể phụ BA.2.75 của Omicron xâm nhập Việt Nam
D.Ngân - 17/08/2022 08:53
 
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron, trong đó có BA.2.75 với khả năng lây nhanh.

Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh. Thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng.

Riêng trong ngày 16/8 đã có 2.983 ca Covid-19 mới, cao nhất trong 96 ngày vừa qua; Có 2 trường hợp tử vong tại Điện Biên và Quảng Ninh.

Trong 7 ngày qua, cả nước có 14.490 ca mắc Covid-19 mới, trong đó ngày đỉnh điểm số ca mắc lên đến gần 3.000, cao nhất trong hơn 3 tháng qua ở nước ta. Số bệnh nhân nặng cũng tăng theo, hiện trung bình khoảng 100 trường hợp đang điều trị.

Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế cho biết tại các tỉnh phía Nam các biến thể phụ BA.4, BA.5 đã bắt đầu chiếm ưu thế. Biến thể này đã ghi nhận tại TP. HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre... và một số tỉnh, thành khác ở phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Cao Bằng và Nghệ An...

Qua khảo sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM cho thấy, số ca nhiễm biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 80% tổng số ca bệnh. Các biến thể khác như BA.2, BA.4, BA.2.12.1 chiếm tỷ lệ nhỏ.

Mới đây nhất, Cục Y tế dự phòng cho biết, biến thể BA.2.75 cũng đã xâm nhập vào Việt Nam. 

Mặc dù vẫn chưa chắc chắn về mức độ lây nhiễm, tỉ lệ nhập viện hoặc khả năng né miễn dịch, các chuyên gia vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về độc lực của biến thể này. Các nhà nghiên cứu quốc tế cũng cho biết dòng phụ mới này của Omicron có nhiều đột biến hơn BA.5, do đó, mức độ né tránh vắc-xin cũng sẽ cao hơn.

TP.HCM nằm trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mũi 1 thấp

Tối ngày 16/8, Bộ Y tế đã thông tin cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19. Tổng số vắc-xin đã tiêm tại nước ta đến nay là 252.097.399 liều.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tính đến chiều cùng ngày tổng số mũi tiêm trên cả nước là 13.795.941, trong đó mũi 1 là: 8.641.600 trẻ (đạt tỷ lệ 77,2%).

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mũi 1 thấp:  Hà Tĩnh (49,5%); Đà Nẵng (45,5%); Quảng Nam (44,6%); Bình Thuận (57,4%); TP. Hồ Chí Minh (52,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (95,6%); Vĩnh Long (95,6%), Cà Mau (94,9%).

Mũi 2: 5.154.341 trẻ (đạt tỷ lệ 46%); 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp dưới 30%: Vĩnh Phúc (29,7%); Đà Nẵng (19,2%); Quảng Nam (14,9%); Khánh Hòa (23,7%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Thuận (76%); Sóc Trăng (86,8%); Bạc Liêu (80,4%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.071.045 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 74,7%).

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (54,7%); Bình Định (56,1%); Khánh Hòa (54,9%); Đồng Nai (46,9%); Cần Thơ (53,8%)

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 12.136.629 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 64,1%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp: Nghệ An (45,1%); Quảng Trị (45,1%); Đà Nẵng (40,3%); Lâm Đồng (43,7%);Bạc Liêu (40,4%).

3 tỉnh tỷ lệ tiêm cao: Điện Biên (99,3%); Bình Thuận (97,4%); Vĩnh Long (97,4%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 3.874.713 trẻ (đạt tỷ lệ 44,8%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (18,2%); Phú Yên (11,8%); Bà Rịa- Vũng Tàu (13,7%); Đồng Nai (21,2%); Bình Dương (22,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (83,6%); Sóc Trăng (80,3%); Trà Vinh (76,8%).

Nhiều người dân Cần Thơ tiêm không đủ liều vắc-xin Covid-19

Tính đến ngày 11/8, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của thành phố Cần Thơ chỉ đạt 53,6%, nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 44,7%, nằm trong danh sách thấp nhất cả nước.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, cho biết hiện thành phố đã và đang triển khai tiêm 5 loại vắc-xin phòng Covid-19 là AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Vero Cell, Abdala.

Trong đó, với 3 loại vắc-xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer, người dân tiêm 2 mũi được tính là 1 liều cơ bản; 2 loại Vero Cell, Abdala cần tiêm 3 mũi mới đủ liều cơ bản. Hiệu lực vắc-xin chỉ trong 6 tháng.

Như vậy, để đủ liệu trình (cơ bản, bổ sung, nhắc lại) thì tùy theo loại vắc-xin người dân cần tiêm từ 4 đến 5 mũi.

Với đối tượng trẻ từ 5 dưới 18 tuổi, thành phố ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh không đồng thuận cho con em mình được tiêm vắc-xin. Điều này đến từ tâm lý chủ quan cho rằng dịch bệnh đã không còn, cũng như nhận thấy khi trẻ mắc bệnh thì triệu chứng nhẹ hơn người lớn.

Điều này vô cùng nguy hiểm vì những ngày gần đây các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận và điều trị một số ca mắc Covid-19 biến chủng mới BA.4 và BA.5 triệu chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Hiện nay tâm lý người dân chủ quan, nếu mắc Covid-19 cũng tự điều trị ở nhà không theo phác đồ điều trị được khuyến cáo của ngành Y tế, chỉ khi trở nặng mới vào viện. Điều này gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch lây lan trong cộng đồng và kiềm chế tái bùng dịch.

Sở Y tế Cần Thơ yêu cầu các đơn vị chủ động mọi phương án để không lúng túng trong trường hợp tái bùng dịch Covid-19; tiếp tục duy trì quy tắc 5K và mô hình hỗ trợ điều trị đúng cách tại nhà.

Các bệnh viện chủ lực như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Lao và Phổi thành phố… luôn phải trong tâm thế tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nặng (mức 3 trở lên).

Bến Tre: 3 người tử vong do ngộ độc rượu

Ngày 16/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bến Tre vừa thông tin về hai vụ ngộ độc rượu làm 7 người phải nhập viện, trong đó có 3 người tử vong tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri) vào cuối tháng 7.

Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Y tế công cộng TP. HCM, mẫu rượu gây ngộ độc làm 3 người tử vong có chỉ tiêu hàm lượng Methanol là 10.714.286 mg/l Etanol 100 độ, cao hơn gấp 5.357 lần tiêu chuẩn cho phép (so với tiêu chuẩn  ≤ 2000 mg/l Etanol 100 độ).

Lạm dụng, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc có thể gây nghiện, làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức, ảnh hưởng về tim mạch… Bên cạnh đó, lạm dụng rượu bia có thể gây ra tai nạn giao thông, mâu thuẫn, xung đột trong xã hội... Trường hợp uống quá nhiều, quá nhanh thì gây ngộ độc cấp tính; uống rượu kéo dài thì gây ngộ độc mạn tính.

Ngoài ra, rượu không đảm bảo chất lượng, có hàm lượng methanol cao vượt tiêu chuẩn cho phép gây ngộ độc cấp tính, tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và có thể dẫn đến tử vong.

Uống rượu quá nồng độ cho phép hoặc uống rượu không rõ nguồn gốc, lạm dụng rượu dễ gây ra ngộ độc rượu cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh.

Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, mọi người nên hạn chế uống rượu (tốt nhất không nên uống), nếu có uống rượu thì nên chọn loại rượu bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ uống ít; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, không được uống rượu khi đang đói, mệt nhọc hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường sau khi uống rượu, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Tin mới về y tế ngày 8/8: Theo dõi chặt các biến thể virus Sars-Cov-2 mới xuất hiện
Các biến thể mới của virus Sars-Cov 2 liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới đây nhất là biến thể BA.4.6 có khả năng làm giảm miễn dịch qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư