Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 27 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 1/8: Đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt
D.Ngân - 01/08/2023 10:17
 
Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế.

Nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt

Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam.

Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán…

Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém…

Cũng trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư 20 bệnh viện chuyên khoa, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng (gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới) ở những địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương (Trung du, miền núi phía Bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ). 

Cũng tại quy hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ, định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám, chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân;

Đồng thời mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.

Báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, khả năng tiếp cận bệnh viện tuyến trung ương ở một số vùng rất thấp.

Điển hình là vùng Tây Nguyên không có bệnh viện trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh, nhưng chỉ có 1 bệnh viện trung ương; 80% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến trung ương không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới.

Hiện chỉ có 32,8% trung tâm y tế, bệnh viện huyện và 27,6% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn.

Liên quan tới công tác khám chữa bệnh thơi gian qua , Bộ Y tế đánh giá, công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã được hồi phục sau hơn 3 năm phòng chống dịch Covid-19.

Cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn trên 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt trên 90%.

Bộ thường xuyên rà soát, cập nhật và ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh, các quy trình kỹ thuật theo thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến như mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh.

Cụ thể, có 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các cơ sở này cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…

Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát và thúc đẩy công tác cải tiến chất lượng, đẩy mạnh triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Thực hiện công tác tài chính y tế, Bộ thực hiện rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở thực hiện giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, đảm bảo vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Đồng thời rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư tạo hành lang pháp lý cho việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Thêm bệnh nhân nhập viên vì liên cầu khuẩn

Điều dưỡng Nguyễn Khánh Linh, Khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, đã có rất nhiều người phải điều trị bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai.

Nam bệnh nhân V.T, khoảng 50 tuổi, vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc chậm, đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, giảm thính lực đột ngột, điếc hoàn toàn.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết bản thân là thợ xây, 2 ngày trước có ăn lòng lợn tiết canh. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não do Streptoccus suis (liên cầu khuẩn lợn) biến chứng điếc 2 tai.

Sau 1 thời gian tích cực điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên thính lực cần thời gian lâu hơn để hồi phục.

Đại tá, TS.BS.TTUT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) chia sẻ, đối với bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn bên cạnh việc phát hiện, điều trị và phòng ngừa bệnh cũng vô cùng quan trọng. Streptoccus suis (liên cầu lợn) có khả năng lây truyền từ lợn sang người, có thể tìm thấy ở gia súc, chó, mèo, chim.

Một số triệu chứng khi bị viêm màng não bao gồm sốt cao kèm rét run, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau mỏi cơ.

Ngoài ra bệnh nhân có thể co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê, run đầu chi.

Điển hình là mất thính lực hay phát ban ngoài da như chấm xuất huyết, ban xuất huyết,.. Đồng thời có thể hoại tử ngón tay và ngón chân.

Đại tá, TS.BS.TTUT Nguyễn Đăng Mạnh nhận định, đây là căn bệnh để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong, nếu gặp một trong các triệu chứng trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chữa bệnh kịp thời.

Thông qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên phòng chống dịch bệnh trên lợn, tiêm phòng cho lợn đúng quy trình. Chỉ mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc.

Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Người dân cần ăn chín uống sôi, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nem chua trong thời gian có dịch.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Và phải bảo quản các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết Bệnh viện K cơ sở Tân Triều
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 3644/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Bệnh viện K cơ sở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư