Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 18/10: Nâng cao năng lực điều trị bệnh hen phế quản; Hà Nội nhiều người đi khám vì bị kiến ba khoang đốt
D.Ngân - 18/10/2022 10:19
 
Hội Hô hấp Việt Nam và Hội Phổi Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao năng lực điều trị và kiểm soát hen phế quản hiệu quả.

Nâng cao năng lực điều trị, kiểm soát bệnh hen phế quản

Chuỗi hội thảo khoa học được liên tục tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hô hấp để thảo luận về các nội dung như lựa chọn điều trị tối ưu trong kiểm soát hen nhẹ và trung bình/nặng (dữ liệu từ nghiên cứu mô hình).

Chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao năng lực điều trị và kiểm soát hen phế quản hiệu quả dành cho bác sĩ, nhân viên y tế hàng đầu trong lĩnh vực hô hấp do Hội hô hấp Việt Nam và Hội Phổi Việt Nam sẽ được tổ chức liên tiếp trong cả nước từ nay đến cuối năm, nhằm hướng tới bảo vệ chủ động cho bệnh nhân, giúp họ có cuộc sống dễ thở hơn.

Ảnh minh hoạ

Theo thông tin được Hội Hô hấp Việt Nam và Hội Phổi Việt Nam cảnh báo, hen phế quản là bệnh viêm đường thở mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng đến khoảng 3,9% dân số Việt Nam, tương đương 4 triệu người mắc bệnh và lấy đi sinh mạng của 3-4000 người mỗi năm.

Trong những năm gần đây, với sự tiến bộ và phát triển của y học, đã có nhiều dữ liệu nghiên cứu mới ra đời, tập trung vào mục tiêu kiểm soát hen tối ưu, đánh giá hiệu quả của các liệu pháp corticoid hít khác nhau bên cạnh cập nhật khuyến cáo quốc tế về hướng dẫn quản lý hen phế quản như GINA, hướng dẫn quốc gia tại Canada, Anh, Nhật Bản…

Trong phác đồ điều trị hen phế quản, Corticosteroid dạng hít là thuốc nền tảng nhằm duy trì kiểm soát, giúp giảm nền viêm, ngay cả liều thấp. Một công bố dữ liệu mới cho thấy việc dùng thuốc duy trì chủ động thường xuyên mang đến hiệu quả và an toàn cho người bệnh.

Quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính phủ và ngành y tế Việt Nam. Điều này được thể hiện qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị Hen phế quản người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi.

Hà Nội: Phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì

TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 266/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030.

Nội dung trong kế hoạch là Thực hiện dinh dưỡng hợp lý với từng nhóm đối tượng, khu vực nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân TP. Hà Nội

Phấn đấu tỷ lệ trẻ từ 6 đến 23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 78% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030; Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hằng ngày đạt 65% vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030; Từ năm 2025 không còn hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm ở mức độ nặng và vừa.

Về tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường, thành phố đặt mục tiêu xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 70% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

Đến năm 2025, 90% bệnh viện trong và ngoài công lập của TP. Hà Nội tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý của người bệnh, tỷ lệ này đạt 100% vào năm 2030.

Phấn đấu, tỷ lệ xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đạt 80% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.

Hiện tại, Hà Nội đang phải đối diện với một số vấn đề của dinh dưỡng, đó là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng và khác biệt giữa nội thành và ngoại thành. Đặc biệt là lứa tuổi học đường, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 18,6% năm 2017 lên 22,7% năm 2021 (nội thành 28,8%, ngoại thành 19,9%).  

Bên cạnh đó, kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời của người dân còn hạn chế. Phần lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng. 

Hoạt động thể lực đạt ở mức khuyến cáo của người trưởng thành năm 2021 cũng chỉ đạt 38,3%; mức tiêu thụ muối trung bình của người dân còn cao tới 9 gram/ngày (năm 2016). Đây đang là những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạn tính không lây có liên quan tới dinh dưỡng.

Những vấn đề này cần phải được can thiệp đa dạng, đa chiều, đa ngành, đồng bộ và liên tục trong thời gian tới để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân TP. Hà Nội.

Hà Nội: Nhiều người đi khám vì bị kiến ba khoang đốt

Thống kê tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, từ tháng 6 đến tháng 9/2022 có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám, riêng do viêm da tiếp xúc với kiến khoang chiếm gần 1 nửa.

Hiện nay đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Số ca đến khám và điều trị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thời điểm này tăng nhiều so với các tháng khác. Tuy nhiên nếu không chẩn đoán đúng bệnh, hoặc tự điều trị bằng phương pháp chữa bằng dân gian, chà xát mạnh tổn thương có thể khiến người dân gặp nhiều biến chứng nặng nề.

BSCK II Nguyễn Thị Thanh Thùy- Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tùy từng bệnh nhân tiếp xúc với kiến ba khoang sẽ có những tình trạng bệnh khác nhau, có bệnh nhân tổn thương giới hạn ít, có những bệnh nhân tổn thương rộng do chà xát, cào gãi. Đặc biệt có bệnh nhân điều trị không đúng dẫn đến tổn thương nặng, vết loét sâu, nguy cơ để lại vết thâm và sẹo rất lớn.

BS. Thùy khuyến cáo, kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng...

Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hoặc bị giết.

Do đó, không được để dịch tiết của kiến ba khoang dây ra người. Nếu đã nhìn thấy kiến khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người.

Để phòng kiến ba khoang hay côn trùng bay vào nhà nên hạn chế mở cửa, buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.

Ngủ trong màn. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.

Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng. Có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin và permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người.

Nỗi lo về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt
Theo UNICEF, ước tính có khoảng 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (SAM).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư