Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 06 tháng 09 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 19/12: Cấp cứu thành công bệnh nhân ngã từ trên cao gây liệt hai chân
D.Ngân - 19/12/2023 11:09
 
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị tai nạn lao động, gãy cột sống dẫn đến liệt 2 chân.

Bệnh nhân L.V.K, sinh năm 2004, trú tại Sơn La, nhập viện lúc 16h chiều ngày 16/12 trong tình trạng tỉnh, đau cột sống thắt lưng, tê bì từ vùng thắt lưng xuống đến gót chân, mất vận động, mất cảm giác nông sâu 2 chi dưới.

Qua lời kể của đồng nghiệp, được biết bệnh nhân bị trượt chân ngã từ độ cao khoảng trên 4 m xuống nền cứng khi đang làm việc tại công trường xây dựng. Các đồng nghiệp đã bê bệnh nhân lên ô tô cá nhân, sau đó chuyển vào cấp cứu tại BVĐK Đức Giang. Sau ngã, bệnh nhân bị liệt hoàn toàn 2 chân.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã cấp cứu hồi sức và đưa bệnh nhân đi thực hiện các xét nghiệm và các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chụp cho thấy bệnh nhân bị gãy mất vững đốt sống T12 có mảnh xương vỡ chèn ép vào tuỷ sống.

Các bác sỹ BVĐK Đức Giang phục hồi vận động cho bệnh nhân

Tiến hành hội chẩn liên khoa, nhận định với trường hợp tổn thương như vậy, nếu không can thiệp sớm thì khả năng phục hồi sẽ rất thấp. 21h cùng ngày, kíp phẫu thuật đã sẵn sàng.

Bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ để xử lý tổn thương. Tại đây các bác sĩ đã phẫu thuật cố định cột sống bằng nẹp vít, mở cung sau D12 giải ép tủy, đặt 2 thanh rod cố định, nắn chỉnh lại mảnh xương vỡ gây chèn ép. 6h sau phẫu thuật, 2 chân bệnh nhân đã phục hồi vận động.

Bệnh nhân đã tự co và nâng được chân khỏi giường. Theo TS Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình: “Khả năng phục hồi tổn thương tủy sống phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế tổn thương, thời gian phẫu thuật và mức độ giải phóng chèn ép tuỷ sống. Bệnh nhân được phẫu thuật càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao”.

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục giảm

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong tuần qua (từ ngày 8 đến ngày 15/12) thành phố Hà Nội ghi nhận 761 trường hợp mắc số xuất huyết, số ca mắc tiếp tục giảm so với tuần trước đó (1.141/0).

Cụ thể, dịch sốt xuất huyết ghi nhận tại 29 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong. Các đơn vị có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (129 ca), Thanh Oai (96 ca), Đống Đa (62 ca), Bắc Từ Liêm (46 ca), Chương Mỹ (41 ca).

Trong tuần ghi nhận 14 ổ dịch tại 8 quận, huyện, thị xã; tương đương với tuần trước (14 ổ dịch) gồm: Hà Đông (4 ổ dịch); Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Hai Bà Trưng (2 ổ dịch); Thanh Trì, Đống Đa, Sơn Tây, Tây Hồ (1 ổ dịch).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 39.343 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (18.309/25). Bệnh nhân phấn bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Các đơn vị có nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (3.032 ca), Thanh Oai (2.677 ca), Hoàng Mai (2.468 ca), Phú Xuyên (2.394 ca), Đống Đa (2.370 ca).

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng số 1.964 ổ dịch, hiện còn 41 ổ dịch đang hoạt động tại 14 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thanh Oai (thôn Đống, Cao Viên 159 ca; Đồng Tâm, Kim Thư 45 ca; Trường Xuân, Xuân Dương 30 ca); Đống Đa (Thịnh Quang 7 ca, Văn Chương 6 ca), Tô Hiệu, Thường Tín 6 ca.

Theo kết quả giám sát tuýp vi rút Dengue lưu hành năm 2023 ghi nhận 14 mẫu dương tính DEN1, 17 mẫu dương tính DEN2, 1 mẫu dương tính DEN3.

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 15 trường hợp mắc tay chân miệng, 0 ca tử vong, số mắc giảm so với tuần trước (17/0). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố ghi nhận 2.710 trường hợp mắc tay chân miêng, 0 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (1.649/0). Trong tuần không ghi nhận ổ dịch nào, từ đầu năm đến nay ghi nhận 49 ổ dịch và hiện các ổ dịch đã kết thúc hoạt động.

Các dịch bệnh khác như: Rubella ghi nhận 01 trường hợp; thủy đậu 02 trường hợp; sởi, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản không ghi nhận trong tuần.

TP. HCM: Bình chọn Giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam lần 4 - năm 2023”

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP. HCM đã hoàn tất việc rà soát và chính thức chuyển đến Đài tiếng nói Nhân dân TP. HCM (VOH) thực hiện tin bài về 19 sản phẩm tiêu biểu để giới thiệu rộng rãi đến người dân và tiến hành bình chọn trong thời gian sắp tới theo đúng kế hoạch.

Chương trình bình chọn Giải thưởng thành tựu Y khoa Việt Nam lần thứ 4 - năm 2023 đã nhận được 83 đề tài đăng ký tham dự đến từ 42 đơn vị y tế trên địa bàn TP. HCM, ngoài ra còn có các sản phẩm đến từ tỉnh Long An và Hậu Giang.

Sau khi đánh giá, thảo luận và thống nhất, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP. HCM đã chính thức chọn ra 19 sản phẩm tiêu biểu nhất để được Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) giới thiệu rộng rãi đến người dân và bạn nghe đài bình chọn xếp hạng.

Danh sách 19 sản phẩm tiêu biểu sẽ được tổ chức giới thiệu rộng rãi để xác định 10 sản phẩm được người dân bình chọn với số phiếu cao nhất xứng đáng nhận Giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam lần 4 - năm 2023, cụ thể:

1. Âm ngữ trị liệu - Phục hồi giao tiếp nhằm đem lại ý nghĩa cuộc sống cho người sau đột quỵ (BV An Bình).

2. Bảo tồn thành công tử cung bị thai bám sẹo mổ lấy thai bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng (BV Từ Dũ).

3. Bước đầu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo dụng cụ chỉnh hình cho trẻ em (BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp).

4. Can thiệp dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn (BV Nhân dân Gia Định).

5. Can thiệp điện sinh lý tim - bước đột phá trong điều trị và phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp tim ở trẻ em (BV Nhi Đồng 1).

6. Can thiệp thay van động mạch phổi qua da trên người bệnh hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot (BV Đại học Y Dược TP. HCM).

7. Chặng đường 30 năm để giảm tỷ lệ tử vong bệnh uốn ván tại các cơ sở y tế (BV Bệnh Nhiệt đới).

8. Chọn lọc phôi không mang gen bệnh bằng kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-M) mang nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng thụ tinh ống nghiệm (BV Mỹ Đức).

9. Giảm nguy cơ đặt nội khí quản và chi phí điều trị ở trẻ sinh rất non với phác đồ giờ vàng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM (BV Tâm Anh).

10. Hút chân không dưới siêu âm sang thương vú: giải pháp hiệu quả, an toàn và thẩm mỹ (BV Hùng Vương).

11. Phát triển Trung tâm ghép tạng trẻ em (BV Nhi Đồng 2).

12. Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung tại bệnh viện Ung Bướu (BV Ung Bướu TP. HCM).

13. Phẫu thuật bắt cầu mạch vành ít xâm lấn (Viện Tim TP. HCM).

14. Phổ biến điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti (BV Chấn thương Chỉnh hình).

15. Phối hợp Sản - Nhi can thiệp ngoài tử cung lúc sanh cứu sống trẻ sơ sinh khi chưa rời khỏi bụng mẹ (BV Từ Dũ – BV Nhi Đồng 1).

16. Rối loạn chuyển hoá bẩm sinh - Hành trình tìm lại sự sống (BV Nhi Đồng 1).

17. Trung tâm sinh lý thần kinh lâm sàng: mô hình chăm sóc mới cho người Việt, từ đột quỵ đến trầm cảm - những căn bệnh của thời đại (BV Quân Y 175).

18. Phẫu thuật điều trị bệnh lý xốp xơ tai (BV Tai Mũi Họng).

19. Ứng dụng phương pháp phẫu thuật mở góc tiền phòng kết hợp rửa góc tiền phòng trong điều trị Glocom thứ phát do Corticoid (BV Mắt).

Ngành xây dựng tiếp tục dẫn đầu về số tai nạn lao động
Mặc dù tỷ lệ tai nạn lao động (TNLĐ) ngành xây dựng đã giảm xuống 23,8% (năm 2016) so với 37% (năm 2015) nhưng ngành này vẫn đứng đầu trong danh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư